Khi sử dụng máy lạnh trong mùa nóng, việc sử dụng thêm quạt là cách đơn giản để tăng hiệu quả làm mát, đồng thời giảm công suất tiêu thụ. Trang năng lượng của chính phủ Mỹ khuyến khích người dùng sử dụng thêm các loại quạt gió, cùng với máy điều hòa.
Trong đó, quạt trần là thiết bị có hiệu quả cao nhất trong trường hợp này. Nó giúp lưu thông không khí trong phòng hiệu quả để tạo ra luồng gió đối lưu. Người dùng không cần bật tốc độ quá cao với sản phẩm này khi dùng cùng máy lạnh, để giảm tiếng ồn và lượng điện tiêu thụ.
Theo Lasko, máy lạnh đẩy khí mát ra khỏi các lỗ thông hơi. Nhưng chúng có xu hướng lắng xuống sàn nhà thay vì lưu thông. Quạt gió có thể đẩy luồng không khí này phân tán khắp phòng.
“Khi dùng chung với điều hòa không khí để làm mát ngôi nhà, quạt trần giúp người dùng tăng nhiệt độ máy lạnh thêm khoảng 2 độ C mà không ảnh hưởng đến sự thoải mái”, trang Energy của chính phủ Mỹ cho biết. Qua đó, lượng điện năng tiêu thụ bởi điều hòa nhiệt độ sẽ giảm được đáng kể.
Ví dụ, người dùng thường đặt máy lạnh ở mức 24 độ C (76 độ F). Khi dùng chung với quạt, mức nhiệt độ có thể thiết lập là 26 độ C, mà cảm giác không thay đổi.
Theo CeilingFan, một máy điều hòa không khí trung bình mất 3 kW mỗi giờ. Trong khi đó, quạt trần thông thường dùng chỉ 30 Wh điện. Do vậy, trong mọi trường hợp, giải pháp dùng thêm quạt không gây quá nhiều hao phí điện năng.
Ngoài việc tiết kiệm điện, đặt mức nhiệt độ thấp hơn cho máy lạnh còn giúp tăng tuổi thọ thiết bị, khi nó không phải làm việc nặng liên tục. Thời gian phải vệ sinh hay bảo dưỡng cho sản phẩm này cũng có thể được nới rộng.
Về nguyên tắc, các loại quạt không giảm nhiệt độ không khí trong căn nhà. Sản phẩm giúp người dùng cảm thấy mát mẻ hơn vì không khí mát tiếp xúc liên tục với da, mang nhiệt lượng ra khỏi cơ thể. Gió cũng là yếu tố làm tăng hoặc giảm “nhiệt độ cảm nhận” hay được nhắc đến trên chương trình thời tiết hoặc ứng dụng dự báo trên di động.