Cuối năm ngoái, người dân TP.HCM bắt đầu kháo nhau về sự hồi sinh của tòa cao ốc Saigon One Tower ngay khu đất 3 mặt tiền Tôn Đức Thắng - Võ Văn Kiệt - Hàm Nghi giữa lòng quận 1. Sau 10 năm nằm bất động "làm xấu bộ mặt thành phố", dự án bỗng dưng có bóng dáng công nhân, máy móc thi công trở lại, với tên gọi mới IFC One Saigon.
Truyền thông và giới bất động sản khi đó đồng loạt tìm kiếm về cái tên chủ mới: Viva Land.
Thâu tóm đất vàng "đắp chiếu" lâu năm
Viva Land chỉ mới được thành lập từ tháng 12/2020, theo công bố chính thức trên website công ty và cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Nhưng đến khi được thị trường biết đến một năm sau đó, công ty này đã có 800 ha đất sẵn sàng phát triển, với tổng trị giá khoảng 5 tỷ USD.
Thậm chí, đến nay, quỹ đất Viva Land nắm giữ đã tăng gần gấp đôi, lên đến 1.500 ha. Giữa lúc thị trường bất động sản gặp khó với nguồn cung đất ngày càng khan hiếm, đặc biệt tại TP.HCM, đại gia mới nổi này lựa chọn những khu đất "đắp chiếu" lâu năm nhằm có sẵn quỹ đất sạch.
Những dự án này đều từng được định vị ở phân khúc hạng sang, do đó chiến lược triển khai tiếp theo của Viva Land với các dự án đều được chú ý. Trong đó, IFC One Saigon được Viva Land cho biết sẽ phát triển thành một tòa nhà thương mại cao tầng gồm văn phòng, căn hộ, căn hộ dịch vụ và khối đế bán lẻ, với tổng diện tích sàn xây dựng 123.000 m2.
Giá bán căn hộ tại đây đang được đồn lên đến 1 tỷ đồng /m2, vượt mức đỉnh do Grand Marina Saigon của Masterise Homes thiết lập. Trước đây, chủ đầu tư đầu tiên - Công ty CP Địa ốc Saigon M&C - đã bán một số căn với giá khi đó khoảng 90 triệu đồng/m2.
Viva Land chưa từng tiết lộ giá trị thương vụ, nhưng nhìn lại lịch sử định giá và tiềm năng của tòa cao ốc, có thể thấy doanh nghiệp phải bỏ ra khoản tiền khá lớn để thâu tóm khu đất rộng 6.600 m2 này. Thời điểm công trình được khởi công vào quý IV/2008, Sài Gòn M&C dự kiến tổng mức đầu tư 256 triệu USD , tức khoảng 5.000 tỷ đồng khi đó.
Sau 3 năm thi công đạt 80% tiến độ, dự án ngừng triển khai do chủ đầu tư không còn khả năng tài chính. Từ đó, tòa nhà nhiều lần đổi chủ trước khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thu hồi và đấu giá với giá khởi điểm 6.110 tỷ đồng vào tháng 3/2018. Tuy nhiên, không nhà đầu tư nào mặn mà, VAMC sau đó bàn giao lại tài sản cho ngân hàng, tòa cao ốc trở thành điểm trừ lớn cho bộ mặt trung tâm TP.HCM.
Một siêu dự án khác cũng đang được Viva Land hồi sinh là khu tứ giác Bến Thành. Sau khi xây dựng phần hầm trong giai đoạn 2012-2013 dưới tên gọi ban đầu The Spirit of Saigon, dự án ngừng thi công suốt nhiều năm trước khi được Masterise Homes đứng ra phát triển và đặt tên mới One Central HCM từ cuối năm 2021.
Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau đó, ông lớn này cũng rút hết đơn vị thi công và máy móc, để lại tòa nhà thi công dở dang trên khu đất gần 8.600 m2 ngay 4 mặt tiền Phạm Ngũ Lão - Phó Đức Chính - Lê Thị Hồng Gấm - Calmette.
Hiện tại, website chính thức của Viva Land đã đưa khu phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ, khách sạn 6 sao này vào danh mục dự án đang phát triển, với tên gọi mới là Pearl.
Bỏ tiền M&A dự án
Bên cạnh những siêu dự án đã ngừng thi công từ lâu, Viva Land cũng ưu tiên M&A những dự án đang được phát triển bởi những chủ đầu tư uy tín khác.
Điển hình là thương vụ được thống kê "khủng" nhất năm nay với tòa nhà văn phòng hạng A quốc tế Capital Place ở Hà Nội. Viva Land chi 550 triệu USD để mua lại 2 tòa tháp văn phòng cao 37 tầng này từ CapitaLand. Đây được dự báo sẽ là khoản đầu tư hiệu quả bởi hiện tại dự án đã có những khách thuê quốc tế như HSBC Việt Nam, Porsche, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, TOTO Việt Nam...
Gần nhất, Viva Land công bố trở thành nhà phát triển và vận hành lô đất 32 và 3b thuộc dự án Đảo Tuần Châu (TP Hạ Long, Quảng Ninh) do Tập đoàn Tuần Châu làm chủ đầu tư. Đây là tổ hợp biệt thự, căn hộ, khách sạn, condotel, shophouse... trên tổng diện tích hơn 1.000 ha. Hiện Viva Land chưa tiết lộ chi tiết kế hoạch với những lô đất đã mua lại.
Không chỉ M&A các dự án trong nước, Viva Land còn mạnh tay chi đậm để sở hữu bất động sản nước ngoài. Tờ Business Times cho biết doanh nghiệp này đã mua lại khách sạn SO/Singapore với tổng giá trị khoảng 240 triệu SGD từ Royal Group. Tính theo quy mô 134 phòng, mức giá Viva Land đưa ra được xem là kỷ lục đối với thị trường khách sạn ở Singapore.
Năm 2021, doanh nghiệp cũng hoàn tất thương vụ mua lại tòa nhà văn phòng Robinson Point 21 tầng với giá 500 triệu SGD.
Ngoài những dự án này, danh mục phát triển của Viva Land còn có Saigon Peninsula quy mô gần 118 ha ở quận 7, TP.HCM, dự án D4 BVD (quận 4) gần 1.700 m2, khu biệt thự Diamante (Thảo Điền, TP Thủ Đức) gần 1 ha và tòa nhà phức hợp cao tầng Landmark ở Hải Phòng trên tổng diện tích đất hơn 1,3 ha.
Viva Land là ai?
Theo giới thiệu trên website, đội ngũ của Viva Land là những chuyên gia bất động sản có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường quốc tế.
Thực tế, Tổng giám đốc Eddie Lim từng có 25 năm làm việc cho CapitaLand tại Singapore, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia. Còn Chủ tịch HĐQT Chen Lian Pang sở hữu 40 năm kinh nghiệm đầu tư và phát triển bất động sản tại châu Á, từng dẫn dắt đội ngũ CapitaLand phát triển nhiều dự án tiêu biểu trong khu vực.
Tuy nhiên, người đứng sau Viva Land mới thực sự gây tò mò. Thời điểm mới được biết đến, doanh nghiệp này được cho là thành lập vào tháng 5/2019 với tiền thân là Công ty CP Cirius Power, vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng . Tháng 2/2020, Cirius Power đổi tên thành Công ty Đầu tư và Phát triển Viva Land.
Về cơ cấu cổ đông, bà Nguyễn Thị Kim Khánh nắm tỷ lệ lớn nhất với 30% vốn điều lệ. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Ngọc Mai sở hữu 25% và bà Dương Thị Hạnh sở hữu 20%. Trong đó, bà Nguyễn Thị Kim Khánh đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc Viva Land cho đến trung tuần tháng 12/2021 thì được thay thế bởi ông Eddie Lim.
Tuy nhiên, theo công bố trên website hiện tại, đơn vị chủ quản là Công ty CP Quản lý và Phát triển Viva Land (Việt Nam), một pháp nhân mới hoàn toàn. Doanh nghiệp này được thành lập ngày 8/12/2020 với tên Công ty CP Quản lý Viva vốn điều lệ 80 tỷ đồng . Cổ đông sáng lập có ông Tạ Công Trí góp 49%, bà Lê Thị Diệu 30% và bà Dương Hoàng Mỹ Linh 21%. Trong đó, bà Lê Thị Diệu là Tổng giám đốc, đại diện pháp luật.
Đến ngày 7/7, doanh nghiệp đổi sang tên hiện tại, đồng thời thay đổi Tổng giám đốc và người đại diện pháp luật thành ông Eddie Lim. Trụ sở công ty cũng được dời từ số 2 Tôn Đức Thắng (quận 1) sang số 69 Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM).
Mới nhất, ngày 16/8, một cổ đông nước ngoài là Viva Land Management NT Group (trụ sở tại tòa nhà Robinson Point, Singapore) tham gia, nắm giữ 49% cổ phần. Tỷ lệ của các cổ đông khác không được công bố.