Ngày 25/4, TAND TP Hà Nội xử phạt đối với Nguyễn Thành Lê (SN 1977, ở phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) mức án 4 năm 6 tháng tù, phạt 100 triệu đồng, ghi nhận bị cáo đã nộp tiền về tội Buôn bán hàng cấm.
Cùng tội danh trên, Nguyễn Thị Thanh Quỳnh (SN 1983, ở phường Dương Nội quận Hà Đông) 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Phạm Bảo Ngọc (sn 1991, ở phường Chương Dương quận Hoàn Kiếm) 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo;
Phùng Trúc Sơn (SN 1980, ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa) và Trần Anh Tuấn (SN 1998, ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) cùng lĩnh 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Cáo trạng thể hiện, trưa 2/11/2021, tại khu vực ngã tư phố Liễu Giai – Vạn Phúc, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội phát hiện Trần Anh Tuấn điều khiển xe máy có biểu hiện nghi vấn.
Quá trình xem xét, Tuấn nộp 2 hộp xì gà bên trong có 20 điếu nhãn hiệu Romeo No1-Romeo Y Juliet không có hóa đơn, chứng từ.
Sau khi ghi nhận lời khai của Tuấn, cơ quan điều tra làm rõ, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và thương mại thế giới Cigar được thành lập từ năm 2016 do Nguyễn Thành Lê là đại diện theo pháp luật.
Công ty Cigar có ký hợp đồng hợp tác phân phối sản phẩm xì gà của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hộp giữ ẩm, trụ sở TPHCM (tức Công ty Humidoo).
Theo giấy phép, Công ty Cigar được phép bán buôn sản phẩm thuốc lá của Công ty Humidoo. Song đến năm 2019, Công ty Cigar chuyển sang mua bán sản phẩm xì gà với Công ty TNHH MTV thuốc lá Thanh Hóa (tức Vinataba Thanh Hóa). Cả hai công ty đối tác đều được phép nhập khẩu và phân phối xì gà tại Việt Nam. Trên mỗi hộp xì gà đều có tem nhập khẩu. Khi xuất bán xì gà cho Công ty Cigar, 2 công ty trên đều xuất hóa đơn giá trị gia tăng.
Bên cạnh mặt hàng xì gà, Lê còn kinh doanh rượu, phụ kiện xì gà và quà tặng lưu niệm các loại. Để phục vụ việc kinh doanh, Lê thuê 4 tầng ở nhà khách La Thành làm nơi chứa hàng hóa.
Khoảng tháng 11/2020, Lê được người đàn ông có tên Phana Cheng (quốc tịch Trung Quốc, không rõ lai lịch) chào bán và giới thiệu có nguồn xì gà nhập lậu từ Cuba, Ý… với giá rẻ. Lê đã giao cho Quỳnh trực tiếp liên hệ với Phana Cheng. Việc đặt mua xì gà lậu được các bên trao đổi qua email. Thời gian đầu, Quỳnh chuyển tiền mua xì gà vào tài khoản của Ngọc rồi đến tài khoản Vũ Hồng Thủy.
Khi nhận đủ tiền, Phana Cheng sẽ thuê công ty vận chuyển xì gà về kho hàng của Công ty Cigar. Việc liên lạc và giao xì gà cho khách do Tuấn thực hiện. Nếu bán được hàng thì Tuấn được hưởng hoa hồng từ 1-2%/giá trị sản phẩm.
Khi có khách đặt mua xì gà, Tuấn viết phiếu xuất kho rồi chuyển cho Ngọc – kế toán để theo dõi, rồi chuyển cho Sơn – phụ trách kho. Thông thường, Tuấn thuê xe ôm công nghệ để chuyển hàng nhưng thỉnh thoảng Tuấn cũng trực tiếp giao hàng.
Cơ quan điều tra còn làm rõ, Lê mua thêm hàng trôi nổi từ các cá nhân khác. Đến khi bị bắt, Lê đã mua khoảng 1.500 hộp xì gà lậu, thanh toán cho Phana Cheng hơn 9 tỷ đồng. Trung bình mỗi hộp xì gà nhập lậu, Lê hưởng lợi từ 3-10%/giá trị. Đến nay, Lê đã bán được 700 hộp xì gà lậu, hưởng lợi khoảng 200 triệu đồng.
Quá trình điều tra, Lê nhận thức việc buôn bán xì gà nhập lậu là hành vi bị cấm nhưng vì hám lợi bị cáo vẫn buôn bán.
Tổng số hàng hóa Lê bị công an thu giữ là 12.895 điếu xì gà và 1 túi nilong có chứa thuốc lá điếu xì gà, khối lượng 76.462 gam, tương đương 3.823 bao thuốc lá.