Công ty TNHH Parkson Việt Nam mới đây quyết định đệ đơn xin phá sản tự nguyện lên tòa án TP.HCM. Theo công ty mẹ sở hữu 100% vốn là Parkson Retail Asia, tập đoàn sở hữu chuỗi trung tâm thương mại (TTTM) nổi tiếng sẽ rời thị trường Việt Nam sau 18 năm gắn bó.
Sau khi được thành lập vào năm 1987 bởi ông Tan Sri Cheng Heng Jem, hay còn gọi là William Cheng, Parkson khai trương TTTM đầu tiên tại Kuala Lumpur và nhanh chóng mở rộng ra khắp Malaysia cũng như các thị trường quốc tế. Ngoài quê nhà và Việt Nam, hệ thống này còn hiện diện ở nhiều nước Đông Nam Á như Indonesia, Myanmar.
Đến hết năm 2015, Parkson sở hữu tới 66 TTTM trên khắp khu vực. Tuy nhiên sau nhiều đợt thu hẹp hoạt động, Parkson nay chỉ còn hiện diện ở hai thị trường, gồm 38 TTTM tại Malaysia và một TTTM ở Việt Nam (Parkson Saigon Tourist Plaza có địa chỉ tại quận 1, TP.HCM).
Đóng cửa 9 TTTM sau 8 năm
Parkson bắt đầu kinh doanh tại TP.HCM từ năm 2005 và trở thành một trong những TTTM quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Nhờ mô hình mua sắm mới mẻ, lạ lẫm với người Việt cũng như bối cảnh thiếu vắng đối thủ lúc bấy giờ, công ty sớm có được ưu thế về thị phần và tiếp tục mở thêm các TTTM.
Sau TP.HCM, chuỗi bán lẻ này còn lấn sân sang một số thành phố, tỉnh thành lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng. Giai đoạn năm 2014, số lượng TTTM của Parkson lên đến con số 10, bao gồm các trung tâm thuộc quyền sở hữu và dưới dạng hợp đồng quản lý.
Tuy nhiên cũng từ thời điểm này, Parkson bắt đầu có dấu hiệu hụt hơi và không mở thêm bất cứ TTTM nào mới. Mặt khác ngay đầu năm 2015, công ty đột ngột đóng cửa Parkson Landmark (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), khiến nhiều chủ cửa hàng phải chuyển hết đồ ra ngay trong đêm.
“Kể từ khi mở cửa kinh doanh vào năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu như kế hoạch đề ra”, nội dung trong thông báo chấm dứt hợp đồng thuê được Parkson gửi các đối tác khi ấy nêu.
Dù lãnh đạo công ty khẳng định việc dừng hoạt động không ảnh hưởng đến các TTTM khác tại Việt Nam nhưng trên thực tế, làn sóng đóng cửa TTTM của Parkson mới chỉ bắt đầu. Một năm sau đó, Parkson Paragon (quận 7, TP.HCM) lại rơi vào tình cảnh tương tự.
Parkson trở thành nhà quản lý TTTM Saigon Paragon (khai trương từ năm 2009) từ năm 2011 và đổi tên thành Parkson Paragon. Thời gian quản lý được công bố thời điểm đó là 19 năm nhưng sau sau 5 năm hoạt động, công ty đã phải đóng cửa TTTM do kinh doanh thiếu hiệu quả.
Cùng năm 2016, công ty tiếp tục dừng hoạt động Parkson Viet Tower (quận Đống Đa, Hà Nội). Sau 8 năm hiện diện, việc ra đi của Parkson Viet Tower cũng đánh dấu sự biến mất của hệ thống bán lẻ này tại thị trường thủ đô.
Từ năm 2015 cho đến giữa năm 2020, giai đoạn dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, Parkson đã đóng cửa 6 địa điểm, còn 4 địa điểm. Thế nhưng hậu Covid-19, tình cảnh của nhà bán lẻ càng thêm bi đát khi Parkson Saigon Tourist Plaza trở thành TTTM cuối cùng tại Việt Nam. Sau khi công ty đệ đơn xin phá sản, tương lai của TTTM này vẫn đang còn bỏ ngỏ.
Thua lỗ thường xuyên
Trong thông báo gửi sàn giao dịch chứng khoán Singapore, Parkson Retail Asia cho biết Parkson Việt Nam thường xuyên kinh doanh thua lỗ, thậm chí gây thiệt hại nặng nề những năm gần đây do sự ảnh hưởng của Covid-19. Ngoài ra, việc thiếu hỗ trợ từ chủ mặt bằng hay thuế đất cao cũng ảnh hưởng xấu đến tình hình tài chính của công ty.
Chủ tịch William Cheng đánh giá việc trụ lại ở Việt Nam không khả thi về mặt thương mại. Do đó, tự nguyện phá sản là phương án mang lại lợi ích tốt nhất cho công ty.
Thật vậy, trong kỳ kinh doanh 12 tháng kết thúc vào ngày 31/12/2022, Parkson Việt Nam chỉ thu về 2,3 triệu dollar Singapore (SGD), tương đương 40,4 tỷ đồng, có mức lỗ trước thuế tương đương.
Trong kỳ kinh doanh 18 tháng kéo dài 1/7/2020-31/12/2021, Parkson đã phải đóng cửa 3 TTTM ở Hải Phòng, Đà Nẵng và TP.HCM. Báo cáo thường niên của công ty mẹ ghi nhận doanh thu tại Việt Nam đạt 177 tỷ đồng, giảm 10% so với kỳ kinh doanh 12 tháng kết thúc vào 30/6/2020.
Parkson Việt Nam vẫn báo lãi 240 tỷ đồng, chủ yếu do ngừng ghi nhận khác khoản nợ phải trả cho thuê từ việc đóng cửa hai TTTM và chấm dứt hợp đồng thuê. Bên cạnh đó công ty cũng phát sinh thu nhập từ hoạt động cho thuê lại tài sản.
Trước khi Covid-19 xuất hiện, kết quả kinh doanh của Parkson Việt không khá hơn là bao. Giai đoạn 2011-2014 được coi là thời điểm hoàng kim của nhà bán lẻ này khi liên tục mở rộng hệ thống cũng như chứng kiến doanh thu lên cao, dao động 40-43 triệu SGD, tương đương 700-755 tỷ đồng.
Song, lợi nhuận sau thuế có xu hướng giảm dần, lần lượt đạt 128 tỷ đồng (năm 2011), 67 tỷ đồng (năm 2012) và 26 tỷ đồng (năm 2013). Năm 2014 doanh thu Parkson đạt 750 tỷ đồng nhưng bắt đầu lỗ 40 tỷ đồng.
Đỉnh điểm vào năm kinh doanh kết thúc vào ngày 30/6/2015, Parkson lỗ ròng 1.380 tỷ đồng dù doanh thu lập đỉnh 790 tỷ đồng. Theo lý giải, phần lớn khoản lỗ của Parkson Việt Nam liên quan đến chi phí tiềm ẩn sau khi công ty con là Parkson Hà Nội chấm dứt hợp đồng thuê một địa điểm tại Hà Nội.
Phần chi phí phát sinh trị giá 1.135 tỷ đồng phản ánh khoản bồi thường mà Parkson Hà Nội có thể phải trả cho chủ mặt bằng do vi phạm điều khoản. Suốt những đợt đóng cửa TTTM, Parkson Việt Nam cũng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng chi phí bồi thường.
Đáng chú ý, ngay cả khi đóng cửa ồ ạt TTTM, lợi nhuận của nhà bán lẻ vẫn không được cải thiện và tiếp tục lao dốc cùng doanh thu. Khoản lãi ròng đột biến 650 tỷ đồng ghi nhận vào năm kinh doanh 2016 thực tế đến từ việc bán số cổ phần trong Công ty TNHH Parkson Hà Nội trị giá 822 tỷ đồng. Nếu không có khoản này, chuỗi có khả năng lỗ ròng 172 tỷ đồng.
Sự thay đổi muộn màng
Quay trở lại năm 2013, trong một cuộc phỏng vấn, cựu Tổng giám đốc Parkson Việt Nam Tham Tuck Choy đánh giá thị trường Việt Nam đầy tiềm năng trong tương lai. Dù kinh tế 2013 gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp này vẫn dốc vốn đầu tư mở thêm TTTM.
Khi đó, vị này tiết lộ kế hoạch mở trung bình 2-3 trung tâm thương mại mỗi năm trên toàn quốc. Đồng thời thăm dò đầu tư tại các thành phố lớn như Nha Trang, Đà Nẵng, Biên Hòa, Vũng Tàu…
Chỉ trong vòng 2 năm sau, bối cảnh kinh doanh thay đổi, buộc Parkson Việt Nam phải nói lời tạm biệt hàng loạt địa điểm.
Chia sẻ với Zing hồi năm 2016, chủ đầu tư tòa nhà Paragon (nơi từng đặt Parkson Paragon) cho biết từ quý III/2015, Parkson đã thu hẹp kinh doanh thương mại từ 5 xuống còn 3 tầng. Phần diện tích trống chủ đầu tư đành cho thuê văn phòng.
Trước cảnh đối tác ngày càng vắng khách, vị này lý giải người dân đang thay đổi thói quen mua sắm. Thay vì chỉ mua quần áo, mỹ phẩm, trang sức thì khách hàng có xu hướng tìm nơi đáp ứng cả nhu cầu mua thực phẩm thiết yếu, hàng tiêu dùng, điện máy hay có chỗ vui chơi, ăn uống.
Trên thực tế, mô hình shop and go của Parkson nhanh chóng trở nên lỗi thời khi các đối thủ biến TTTM thành điểm đến tích hợp mua sắm, ăn uống và giải trí (all-in-one destination). Bên cạnh đó, Parkson đối mặt nhiều thách thức khi tệp khách hàng nghiêng về cao cấp và cận cao cấp.
Trong các báo cáo thường niên, Parkson cũng nhận định thị trường TTTM bán lẻ ngày càng chật chội. Đây là thời điểm hàng loạt ông lớn như Vincom, Takashimaya - Saigon Center, Crescent Mall, Aeon Mall đánh chiếm thị phần.
Dẫu vậy, sự thay đổi của Parkson Việt Nam xuất hiện tương đối muộn. Phải đến năm 2019, TTTM Parkson Saigon Tourist Plaza mới được sửa chữa và nâng cấp theo chiến lược mới, hướng tới việc đa dạng hóa sản phẩm với mục tiêu phát triển thêm phân khúc khách hàng.