Một siêu thị Điện Máy Xanh trên Quốc lộ 13.
Báo cáo tài chính những quý gần đây của MWG cho thấy mạng lưới Điện Máy Xanh là đơn vị mang lại doanh thu lớn nhất cho doanh nghiệp. Những con số thể hiện tiềm năng từ mảng điện máy với các công ty bán lẻ tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Thế Giới Di Động gần như không có đối thủ lớn trong mảng này. Đặc thù sản phẩm điện tử gia dụng, kết hợp cùng mức đầu tư đắt đỏ, khiến mảng này “khó xơi” với những bên muốn tham gia.
Trật tự ngành bán lẻ điện máy
Đối thủ lớn nhất của MWG trong mảng bán lẻ vừa khai trương loạt 10 cửa hàng điện máy đầu tiên. Như vậy, gần 15 năm sau khi Điện Máy Xanh đi vào hoạt động, FPT Shop mới có câu trả lời, dù hai doanh nghiệp này cạnh tranh song hành ở ngành ICT, dược phẩm.
Trong mảng này, MediaMart sở hữu hơn 300 cửa hàng ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Nguyễn Kim có khoảng 50 siêu thị, trong khi Điện Máy Chợ Lớn đạt 100 điểm bán. Tổng cộng 3 đối thủ lớn nhất này vẫn chưa bằng 25% số cửa hàng Điện Máy Xanh toàn quốc.
Các cửa hàng truyền thống vẫn giữ thị phần lớn trong ngành.
Theo đại diện một đơn vị phân phối đồ điện tử ở phía Nam, thị phần của hệ thống thuộc MWG hiện chiếm hơn 60% tại các chuỗi chuyên nghiệp. Nhóm cửa hàng truyền thống vẫn chiếm khoảng 30% thị phần. So với ngành ICT, điện máy vẫn còn nhiều dư địa để cạnh tranh.
Tuy nhiên ông Nguyễn Hữu Tự, Trưởng phòng kinh doanh Điện máy - Gia dụng của Hoàng Hà Mobile, nhận định các cửa hàng “Local King” (Trùm địa bàn) vẫn có sức cạnh tranh lớn nhờ lợi thế chi phí mặt bằng, thấu hiểu thị trường địa phương. Do vậy, không dễ để các chuỗi lớn tiếp tục mở rộng.
Với ông lớn như MWG, khi thị trường cạnh tranh khốc liệt, sức mua giảm, họ chọn không mở thêm chi nhánh từ 2022. Ngành hàng máy lạnh đóng góp phần doanh thu lớn cho tập đoàn trong hai quý gần nhất, nhưng số cửa hàng Điện Máy Xanh lại giảm so với trước.
Đây là những dấu hiệu cho thấy việc kinh doanh, mở chuỗi điện máy là không dễ dàng.
'Miếng bánh khó xơi'
Trước FPT Shop, Viettel Store từng mở rộng với cụm Giadung.vn. Tuy nhiên, hiện thương hiệu này cũng không còn vận hành. Các nhà bán lẻ di động khác như CellphoneS, Hoàng Hà Mobile khi bán đồ điện tử cũng thử nghiệm tương đối dè dặt, với số lượng sản phẩm và quy mô vừa phải.
Trong trường hợp của FPT Shop, ông Phạm Quốc Bảo Duy, Giám đốc ngành hàng điện máy của chuỗi nói trên, cho biết họ đã bắt đầu với các mặt hàng gia dụng, nhận được sự phản ứng tốt của người dùng mới triển khai thêm TV, tủ lạnh. Sau thời gian chuẩn bị, doanh nghiệp này chính thức mở siêu thị chuyên biệt cho sản phẩm nói trên.
Các hệ thống phải sắp xếp nhân sự để vận chuyển, lắp đặt, sửa chữa mảng hàng điện máy. Ảnh: Phương Lâm.
Theo ông Tự, một trong những mấu chốt giúp một chuỗi điện máy thiết lập được vị thế là mức độ đầu tư vào đúng thời điểm phù hợp, với quy trình, công nghệ phù hợp. “Hiện tại, thời điểm đó đã qua, không dễ để một đơn vì bên ngoài tham gia và chiếm được thị phần”, vị này nói thêm.
Có phần doanh thu lớn nhờ giá trung bình cao hơn mặt bằng đồ ICT, nhưng mức độ đầu tư cho một điểm bán điện máy cũng vượt trội.
Trả lời Tri Thức - Znews, ông Bảo Duy cho biết trong giai đoạn khởi điểm, các cửa hàng điện máy của FPT Shop có diện tích 160-220 m2. Tiêu chuẩn này cao hơn đáng kể so với một cửa hàng điện thoại thuộc chuỗi. 10 cửa hàng điện máy FPT Shop khai trương vừa rồi được cải tạo từ các điểm bán điện thoại có diện tích lớn của họ.
Trước đó, một số chuỗi thử nghiệm mô hình điện máy Mini Store (cửa hàng nhỏ), nhưng không thành công.
Ngoài chi phí mặt bằng, hoạt động kho bãi, trưng bày, lắp đặt của mặt hàng nói trên cũng phức tạp hơn hẳn. Với vòng đời dài, phụ thuộc vào mùa vụ, việc tính toán công nợ, duy trì kinh doanh là bài toán phức tạp cho doanh nghiệp mới thâm nhập.
“Tập mua điện máy khác biệt nhiều với smartphone, máy tính, khi tỷ trọng online ở mức rất thấp. Do vậy, đòi hỏi hệ thống phải đầu tư rất nhiều cho trưng bày, dịch vụ, kho vận”, đại diện CellphoneS, một chuỗi đang bắt đầu bán sản phẩm điện máy ở hai thành phố lớn, chia sẻ.