Trong thời đại bùng nổ KOL trên mạng xã hội, nhiều người trẻ, nhà đầu tư đã chuyển sang các nền tảng như YouTube, TikTok và Instagram để tìm câu trả lời cho những mối quan tâm về tài chính của họ.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng người dùng nên xem xét kỹ lưỡng trước các hướng dẫn trên mạng, đặc biệt là cân nhắc những quyết định liên quan đến tiền bạc để tránh hậu quả về sau.
“Vì mạng xã hội được dân chủ hóa và mọi người đều có tiếng nói, nó đã trở nên cực kỳ lộn xộn”, Douglas Boneparth (sống tại New York, Mỹ), nhà lập kế hoạch tài chính có gần 250.000 nghìn người theo trên Twitter, chia sẻ.
Hiện ông cũng là chủ tịch của Bone Fide Wealth kiêm thành viên của Hội đồng Cố vấn Tài chính tại CNBC. Boneparth cho biết khi sàng lọc các lời khuyên trên Internet, rất khó để biết nên tin ai và liệu thông tin đó có chính xác hay không.
Bất chấp những rủi ro này, mạng xã hội đã trở thành nguồn ý tưởng đầu tư phổ biến nhất cho các nhà đầu tư trẻ tuổi, theo khảo sát của CNBC dựa trên cuộc thăm dò hơn 5.500 người trưởng thành ở Mỹ vào năm 2021.
Thống kê của công ty tiếp thị Vericast (Mỹ) cho thấy Gen Z không ngần ngại thử sức với các kế hoạch tài chính táo bạo. Trong đó, 34% đã tham khảo thông tin qua TikTok và 33% học từ YouTube. Chỉ có 24% người trẻ tìm đến một cố vấn thực thụ.
Khi đề cập đến vấn đề tư vấn tài chính thông qua các nền tảng trực tuyến, Boneparth khuyên bạn nên thận trọng.
Thay vì thực hiện theo các lời chỉ dẫn trong một video lan truyền trên Instagram hoặc TikTok, Boneparth cho hay điều quan trọng nhất là phải tự nghiên cứu và thẩm định kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định về tiền bạc.
“Bạn nên xác định rõ mục đích trước khi xuống tiền cho khoản nào đó. Nhưng cũng có những nguồn đáng tin cậy, cung cấp các thông tin khách quan mà chúng ta có thể tham khảo”, ông nói.
Ngoài ra, khi tiếp cận lời khuyên trên mạng xã hội, người xem cần kiểm tra nguồn gốc và thông tin đã được xác minh hay chưa. Bằng cách so sánh nó với những tài liệu khác, họ có thể tránh kết luận sai lầm hoặc tin lời tư vấn “có thể gây hại nhiều hơn mang lại lợi ích”.
Bên cạnh đó, nhà lập kế hoạch người Mỹ còn cho rằng những ai đang cần tư vấn tài chính không nên ngần ngại tìm kiếm lời khuyên cá nhân. Khi đó, các cố vấn sẽ thu thập dữ liệu và phân tích các yếu tố riêng của khách hàng trước khi đưa ra hướng dẫn.
“Khi nhận được câu hỏi trực tuyến qua tin nhắn trên mạng, tôi thường đề nghị họ nói chuyện với chuyên gia để được định hướng phù hợp hơn. Hoặc tôi sẽ chỉ cho họ các nguồn giúp tự trả lời câu hỏi”, ông nói thêm.
Sarah Foster, nhà phân tích của Bankrate, cũng chung quan điểm với Douglas Boneparth.
Theo Sarah Foster, những bức tranh đã được tô hồng có thể khiến nhiều người tự tưởng tượng ra một bức chân dung hoàn hảo về cá nhân khác, sau đó tự so sánh với chính mình.
Cô nhận xét không ai chia sẻ bí kíp làm giàu một cách miễn phí. Nếu người đó thực sự thành công hoặc am hiểu tài chính, họ sẽ chỉ nói những điều chung chung và sẽ không cho khán giả biết toàn bộ câu chuyện kinh doanh thật sự của mình.