Yêu cầu đặt ra trong việc cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ là không gia tăng mật độ dân cư, điều chỉnh quy hoạch, nâng chiều cao xây dựng… đang là những vướng mắc lớn khiến cho kế hoạch cải tạo chung cư cũ diễn ra chậm chạp.
Khó cân đối lợi ích ba bên
Tại chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được các đại biểu đóng góp ý kiến. Trong đó, vấn đề xây dựng, cải tạo chung cư cũ được các đại biểu đặc biệt quan tâm.
Đại biểu Lê Trường Lưu (Thừa Thiên – Huế) cho rằng một trong những vướng mắc lớn hiện nay cần phải khắc phục khi sửa đổi Luật Nhà ở là tình trạng khó khăn trong phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, đã bị xuống cấp, hư hỏng.
Thực trạng tại TP.HCM, theo Sở Xây dựng, Thành phố hiện có 16 chung cư cấp D (hư hỏng nặng, nguy hiểm) với gần 1.200 hộ dân, trong đó đã di dời toàn bộ 7 chung cư với hơn 350 hộ dân; di dời dở dang 5 chung cư với 316/566 hộ dân và chưa di dời 4 chung cư với hơn 250 hộ dân.
Đánh giá về công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, UBND TP.HCM cho rằng việc triển khai đầu tư xây dựng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong các thủ tục chấp thuận đầu tư, thu hồi đất, giao đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư do việc áp dụng pháp luật về nhà ở, đất đai và đầu tư còn nhiều chồng chéo, chưa đồng bộ.
Chẳng hạn, tại chung cư Vĩnh Hội (quận 4, TP.HCM) được xây dựng trước năm 1975, được xếp loại cấp D, tức cấp độ nguy hiểm cao nhất cần di dời người dân để bảo đảm an toàn. Những năm qua, chính quyền địa phương nhiều lần mời cư dân bàn bạc phương án di dời cũng như chính sách đền bù. Tuy nhiên, đến nay chưa có phương án đền bù phù hợp, người dân chỉ còn cách bám trụ.
Tại Hà Nội, Ban chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ TP. Hà Nội đã đề nghị UBND các quận khẩn trương thực hiện di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp độ D. Trong đó, 10 khu chung cư cũ được thành phố ưu tiên triển khai trong đợt 1 gồm Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp và 6 khu có tính khả thi cao là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân.
Mặc dù, được khởi động từ năm 1999, nhưng sau hơn 20 năm, TP. Hà Nội mới chỉ cải tạo được 32 chung cư trong tổng số 1579 tòa chung cư cũ trên địa bàn. Việc cải tạo, xây dựng mới diễn ra ì ạch do những vướng mắc về cơ chế và thiếu sự đồng thuận của một bộ phận người dân. Trong đó, khó khăn nhất là việc cân đối lợi ích của 3 bên: nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Phía doanh nghiệp không mặn mà do lợi ích từ việc cải tạo chung cư cũ không hấp dẫn. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra là không gia tăng mật độ dân cư, điều chỉnh quy hoạch, nâng chiều cao xây dựng…
Cần gắn với tái thiết đô thị
Nhận định về vấn đề này, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, cho rằng cải tạo chung cư cũ nên thực hiện từng cụm. Đối với xây dựng nhà ở để phục vụ tái định cư, việc sửa đổi Luật Nhà ở nên có hướng mở, như nên giao cho cấp tỉnh được điều chuyển từ nhà tái định cư sang nhà ở xã hội và ngược lại. “Xây dựng, cải tạo chung cư cũ dứt khoát phải gắn với tái thiết đô thị”, ông Dũng nói.
Còn theo đại biểu quốc hội Hoàng Văn Cường, để đảm bảo chất lượng của các nhà chung cư, trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) cần quy định rõ về thời hạn xây dựng nhà chung cư. Nếu thấy chung cư bị cũ nát, hư hỏng, người dân có quyền đề xuất xây dựng nhà chung cư mới. Để thực hiện việc này thì trước khi xây dựng chung cư mới hay cải tạo, nâng cấp chung cư cũ thì cơ quan chức năng phải có sự kiểm định chất lượng nhà ở tại khu chung cư mà người dân đang sinh sống.
Vấn đề tái thiết đô thị cũng nằm ngay trong việc đồng bộ về hạ tầng, cơ sở vật chất của chính chung cư đó, chủ đầu tư phải chú trọng xây dựng hạ tầng cho chung cư để phục vụ các nhu cầu thiết yếu của người dân.
Vì thực tế hiện nay, có khu chung cư có đông người dân đến sinh sống rồi nhưng vẫn thiếu bãi đỗ xe, trường học, bệnh viện nên rất không đồng bộ và không thuận tiện cho người dân sinh sống ở đó. Nhiều khi các chủ đầu tư không chú ý đến việc thiết kế khu vực để xe đạp cho người khuyết tật…