Thị trường lao động Việt Nam trong quý 3 và 9 tháng của năm 2022 đã quay trở lại đà tăng trưởng, thất nghiệp và thiếu việc làm đều giảm so với giai đoạn dịch bệnh.
Cách thức làm việc sẽ có sự thay đổi lớn sau đại dịch
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 9 tháng năm 2022 là 50,5 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, với tác động đáng kể từ đại dịch và sự thay đổi trong công việc cũng như mô hình lao động, cách thức làm việc truyền thống trước đây đã thay đổi.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tuyển dụng, cùng với tác động cộng hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ đặt ra những yêu cầu mới về tuyển dụng lao động, xu hướng việc làm, đặc biệt ở nhóm lao động trẻ mới bước chân vào thị trường lao động.
Dưới góc độ đơn vị kết nối nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và người lao động nhiều năm liền, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mang theo nhiều thay đổi cho thế hệ trẻ.
Trong lĩnh vực nhân sự, ứng viên ngày càng gặp những yêu cầu khắt khe hơn từ nhà tuyển dụng. Khi tự động hóa thay thế con người trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, người lao động chắc chắn sẽ phải thích ứng nhanh với sự thay đổi của quá trình sản xuất nếu không sẽ bị dư thừa, thất nghiệp.
“Công việc sẽ có sự thay đổi lớn về vị trí, chất lượng và cách thức. Ngoại ngữ, tin học sẽ là những yêu cầu phổ biến ở nhiều ngành, nhiều vị trí việc làm trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Thành nhận định.
TS Đinh Thị Hồng Duyên, Chuyên gia tư vấn về Quản trị doanh nghiệp nhìn nhận, thị trường và công nghệ AI, Blockchain, IoT…đang mở ra rất nhiều cơ hội cho các bạn trẻ startup, làm chủ của một doanh nghiệp hay làm chủ của chính mình như trở thành Youtuber, Blogger hay Tiktoker. “Rất nhiều bạn có tư duy toàn cầu, hướng tới thị trường toàn cầu ngay từ khi bắt đầu làm sản phẩm. Dường như 9 tỷ khách hàng trên quả địa cầu này rất có sức hút rất mạnh”, bà Duyên nhận định.
Theo vị chuyên gia, GEN Z sẽ chiếm 25% nguồn lực lao động trong năm 2025 và thời gian đó đang đến gần, tất cả các doanh nghiệp hiện cũng đang rốt ráo thay đổi các phương thức quản trị để có thể thu hút và giữ gìn nhân tài. Không những tạo cho người lao động cảm thấy được làm chủ chính mình, làm chủ công việc và làm chủ thời gian mà còn là một môi trường hạnh phúc, hành trình trải nghiệm nhân viên, phát triển sức khoẻ tinh thần...
Lao động trẻ hiện nay bắt đầu chú trọng vào sức khoẻ tinh thần và họ hiểu rõ thế mạnh bản thân, cũng như biết cách biến những thế mạnh đó thành thu nhập thông qua những công việc như viết lách, thiết kế, Youtuber, Tiktoker...
“Nhân viên trẻ bây giờ rất thông minh và họ tiếp cận với những tư duy mới, cũng như kiến thức mới. Họ rất hiểu giá trị của mình, mặc dù đôi khi quá tự tin. Họ dám nghĩ, dám làm và chấp nhận rủi ro. Bằng vốn kiến thức và sự hiểu biết về thế giới xung quanh nhanh mà gen Z dám thay đổi hướng đi sự nghiệp của mình”, bà Duyên đánh giá.
Xu hướng cân bằng công việc - cuộc sống thúc đẩy mô hình làm việc kiểu mới
Theo các chuyên gia, đại dịch không chỉ thay đổi mô hình lao động và còn tác động đến xu hướng lựa chọn công việc của nhóm lao động trẻ, và điển hình là Freelancer làm thay đổi hoàn toàn khái niệm về công việc 8 tiếng ngồi văn phòng trước đây.
Lao động trẻ ngày càng có nhiều lựa chọn công việc mới. Ảnh minh họa - N.Dương.
Báo cáo thị trường IT Việt Nam 2022 do TopDev - Nền tảng Tuyển dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam phát hành hồi tháng 9 cũng đưa ra đánh giá, từ năm 2020, các doanh nghiệp ở Việt Nam đã cho phép nhân viên của họ làm việc tại nhà để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Từ đó mở ra các xu hướng mới về hình thức làm việc từ xa, mô hình làm việc kết hợp hay mô hình làm việc tự do (Freelance).
Đáng chú ý, thế hệ Z dự kiến sẽ có những mong đợi về sự cân bằng giữa công việc - cuộc sống và hạnh phúc cá nhân nhiều hơn, điều này càng thúc đẩy các mô hình làm việc kiểu mới mở rộng và phát triển.
Tuy nhiên, TS Đinh Thị Hồng Duyên cho rằng, để trở thành một người làm Freelancer chuyên nghiệp, thì kỹ năng và chuyên môn phải đủ để có sức hút với một khối lượng khách hàng đủ lớn, và tạo ra những giá trị thực sự, không ngừng gia tăng giá trị cho khách hàng, độc giả.
Với những lao động trẻ mới bước chân vào thị trường lao động, TS Đinh Thị Hồng Duyên đánh giá, xu hướng Freelancer không còn là khái niệm tự do làm việc theo sở thích. Đó là chủ động điều hành doanh nghiệp của riêng mình, trong đó mỗi người lao động sẽ làm tất cả các công việc như một doanh nghiệp, từ CEO đến tài chính, phát triển sản phẩm, sale và marketing.
“Bạn phải quản trị được kế hoạch, chất lượng, thời gian, chi phí, ngân sách và năng lượng trong doanh nghiệp đó. Khi không đảm bảo được những điều đó, bạn sẽ không có khách hàng. Đó là lý do rất nhiều bạn đã quay trở lại làm fulltime khi thu nhập không đủ sống, hoặc kém xa những gì họ tưởng tượng ban đầu về công việc freelance, về sự tự do tự tại hay muốn làm gì thì làm”, vị chuyên gia lý giải.
Dưới góc độ đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự, bà Phạm Thị Hoài Linh, Giám đốc nhân sự Navigos Group cũng cho rằng, cuộc cách mạng 4.0 đã làm thay đổi rất nhiều về môi trường làm việc, ngay cả những thế hệ đi trước cũng phải cố gắng bắt kịp với xu thế phát triển của công nghệ.
Theo bà Linh, hiện nay, nhiều bạn trẻ rất sáng tạo, nhanh nhẹn, có nhiều kỹ năng công nghệ và rất tự tin trong việc đảm nhiệm những dự án, vai trò mới. Nếu được định hướng tốt, họ sẽ rất có tiềm năng trong việc phát triển.