Sau cố sập cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) do ảnh hưởng của cơn bão Yagi, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc sở, UBND TP Thủ Đức, quận, huyện và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn khai thác cầu, hầm đường bộ và cầu giao thông nông thôn trên địa bàn trong mùa mưa bão.
Vị trí 3 cây cầu lớn, lâu đời ở TP.HCM. Ảnh: Google Maps.
Sở đề nghị các đơn vị khẩn trương kiểm tra, khảo sát hiện trạng và có ngay biện pháp đảm bảo an toàn khai thác đối với các cầu yếu, cầu không đồng bộ tải trọng, cầu bắc qua các tuyến giao thông thủy trọng yếu, cầu vượt trên cạn cũng như hầm đường bộ.
Theo thống kê của Sở GTVT TP.HCM, toàn thành phố có khoảng 200 cây cầu đang được sử dụng phục vụ người dân. Trong đó, nhiều cây cầu có tuổi đời lâu năm được điểm danh như cầu Tân Thuận 1, cầu Sài Gòn 1, cầu Bình Triệu 1, cầu Vàm Sát (cũ)... Đa số những cây cầu này được xây dựng từ trước năm 1975 và được trùng tu, sửa chữa nhiều lần.
Trong đó, cây cầu Tân Thuận bắc qua kênh Tẻ dài 241 m, rộng 8 m là một trong những cây cầu lâu đời nhất tại TP.HCM đến nay vẫn còn sử dụng. Cầu Tân Thuận 1 được xây dựng từ thời Pháp thuộc vào năm 1905, đã có tuổi đời gần 120 năm.
Cây cầu này đã trải qua nhiều lần sửa chữa sau khi có dấu hiệu xuống cấp. Đến năm 2008, cầu được nâng tải trọng lên 30 tấn và chỉ cho phương tiện lưu thông một chiều hướng từ quận 7 qua quận 4.
Để giảm tải cho cầu Tân Thuận 1, năm 2005 TP.HCM đã đưa cầu Tân Thuận 2 vào khai thác. Cây cầu này song song với cầu Tân Thuận 1, cho xe đi 2 chiều từ quận 4 sang quận 7 và ngược lại.
Có tuồi đời hơn 50 năm, cầu Bình Triệu 1 bắc qua sông Sài Gòn trên tuyến đường Quốc lộ 13, nối liền quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức cũng nằm trong diện kiểm tra của Sở GTVT TP.HCM. Cầu dài 554 m, xây dựng trước năm 1975, được nâng cấp mở rộng từ 2 thành 3 làn xe năm 2009.
Hiện tại, tĩnh không cầu Bình Triệu 1 chỉ 5,5 m, gây không ít khó khăn trong vận chuyển hành khách cũng như hàng hóa bằng đường thủy nội địa.
Trước đó vào cuối năm 2023, Sở GTVT TP.HCM đã có quyết định phê duyệt dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 trên Quốc lộ 13 đạt tối thiểu 7 m theo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2023-2025.
Trong ảnh là cầu Sài Gòn, được xây dựng trước năm 1975, nối đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) với Võ Nguyên Giáp (TP Thủ Đức). Cây cầu này là một trong những cửa ngõ chính kết nối các tỉnh phía bắc TP.HCM về trung tâm TP.
Cầu dài 986,12 m, gồm 32 nhịp, trong đó có 3 nhịp với chiều dài 267,45 m. Cầu được sửa chữa vào các năm 1995 và 1996. Năm 1998, cầu được tiếp tục nâng cấp và sửa chữa từ nguồn vốn viện trợ của Pháp và đến tháng 6/2000 thì hoàn thành.
Sau đó vào năm 2011, cầu Sài Gòn 1 được tiếp tục thi công nâng cấp, sửa chữa các hạng mục như gia cường mặt bê tông, nhịp thép, hệ thống đỡ nhịp treo, trụ đỡ, gia cố các mối nối, thay thế khe co giãn... trong thời gian 6 tháng với tổng kinh phí khoảng 64 tỷ đồng.
Đến năm 2012, cầu Sài Gòn 2 được xây dựng song song với cầu Sài Gòn 1, nhằm giảm áp lực giao thông ở cửa ngõ phía đông TP.HCM.
Cầu Sài Gòn 2 khởi công xây dựng tháng 4/2012, hoàn thành ngày 15/10/2013. Cầu có tổng chiều dài hơn 987 m, gồm 30 nhịp. Kết cấu nhịp chính được bố trí theo sơ đồ 5 nhịp liên tục bằng bê tông cốt thép dự ứng lực.