Đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội đã ghi nhận, tập hợp các ý kiến đóng góp của nhân dân TP.HCM với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó, tập trung góp ý về các nội dung: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất và chính sách bồi thường tái định cư, phát triển quỹ đất, giao đất, cho thuê đất.
Đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi
Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, các đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định khẳng định việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không làm ảnh hưởng đến quyền công dân đối với đất đai.
Đối với quy hoạch định hướng, tầm nhìn sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện từ 10 năm trở lên phải có quy định cụ thể đối với người sử dụng đất trong vùng đã có quy hoạch, kế hoạch. Đặc biệt, các trường hợp đã có quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, tránh tình trạng quy hoạch làm hạn chế quyền sử dụng đất của người dân. Hiện nay, có tình trạng quy hoạch tầm nhìn đến 30 - 50 năm và người dân bị hạn chế, thiệt hại rất nhiều do bị tác động ảnh hưởng bởi quy hoạch.
Về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, một số ý kiến cho rằng dự thảo Luật cần có qui định để tháo gỡ những bất cập này. Chẳng hạn, cần có cơ chế cho trường hợp đã có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thu hồi theo kế hoạch nhưng chưa thực hiện thì người sử dụng đất vẫn được thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
Đồng thời, đề nghị làm rõ hơn quyền của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch, đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, Luật cần quy định chế tài xử lý và thực hiện nghiêm chế tài đối với các dự án “treo” để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất và việc sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí.
Về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, các đại biểu cho rằng cần có quy định cụ thể để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất; đồng thời, giúp các địa phương có sự chủ động hơn trong việc thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở đặc điểm tình hình cụ thể của mỗi địa phương.
Bên cạnh đó, cần làm rõ phương án bồi thường đất thỏa đáng để đảm bảo việc thu hồi đất, đặc biệt là ở khu đô thị, khu dân cư diễn ra minh bạch, công bằng, tránh áp giá đền bù thấp mang tính áp đặt hay tạo kẽ hở trục lợi, lợi ích nhóm. Ngoài ra, áp dụng khung giá bồi thường theo thị trường, để giảm bớt thiệt hại cho người dân, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân. Xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư cụ thể, rõ ràng, minh bạch để làm giảm bớt lo lắng, tranh chấp, khiếu nại của người dân.
Đại diện Mặt trận tổ quốc TP.HCM đề nghị thể chế hóa các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, cần quy định rõ về các tiêu chí “tốt hơn nơi ở cũ"; khoản 2, Điều 89 dự thảo Luật nên sửa thành “việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm cho người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” .
Một số ý kiến khác góp ý nội dung trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Theo đó, đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng: những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - hội mang tính chiến lược hoặc các công trình công cộng thì Nhà nước thu hồi, còn các dự án phát triển kinh tế đơn thuần, thương mại theo quy hoạch, mang lại lợi nhuận cho chủ đầu tư thì thực hiện cơ chế thương lượng với người dân để bồi thường thỏa đáng.
Các ý kiến cũng đề nghị áp dụng khung giá bồi thường theo thị trường, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân. Cần xây dựng phương án bồi thường cụ thể, rõ ràng, minh bạch để làm giảm bớt lo lắng, tranh chấp, khiếu nại của người dân. Về vấn đề giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần quy định cụ thể, chi tiết trường hợp nào giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, trường hợp nào đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Góp ý vào các quy định liên quan đến cơ quan định giá đất, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, thời gian qua, cơ chế xác định giá đất còn nhiều bất cập, xác định giá đất cụ thể thường thấp hơn so với giá thị trường gây thất thu ngân sách Nhà nước và khó khăn trong bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Nguồn nhân lực của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cũng không đủ cả về số lượng và chất lượng để đảm trách công việc này, trước đây nhiệm vụ này do Sở Tài chính đảm nhận. Do đó, đề nghị phải quy định rõ trong luật cơ quan nào chịu trách nhiệm định giá đất.
Toà án nhân dân sẽ giải quyết tranh chấp đất đai
Về hộ gia đình sử dụng đất, theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, dự thảo Luật quy định theo hướng bỏ đối tượng là hộ gia đình sử dụng đất, vì hiện nay việc xác định các thành viên trong hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến việc thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất mà trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ ghi tên của chủ hộ gia đình.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục duy trì quy định do đây là chủ thể có tính lịch sử, tham gia sâu vào quan hệ đất đai và thực tế hộ gia đình trong dự thảo Luật hiện nay còn nhiều giấy tờ.
Về phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực, các đại biểu cho rằng đã thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW trong dự thảo Luật.
Dự thảo Luật đã bổ sung quy định kiểm toán về đất đai, sửa đổi quy định về theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai và trách nhiệm quản lý hệ thống theo dõi và đánh giá; bổ sung quy định về kiểm tra chuyên ngành đất đai nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát, kiểm soát quyền lực, đồng thời đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai.
Riêng thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, dự thảo Luật quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp về đất đai theo hướng chuyển toàn bộ sang cho Tòa án nhân dân giải quyết; UBND các cấp không giải quyết tranh chấp đất đai mà chỉ cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết. Việc quy định như dự thảo Luật để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp; đảm bảo tính nghiêm minh, thống nhất của pháp luật, một việc chỉ giao cho một cơ quan giải quyết; phù hợp với chiến lược cải cách tư pháp của Nhà nước, thông lệ, luật pháp quốc tế.
Có ý kiến cho rằng nên giữ như quy định hiện hành đối với trường hợp tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất thì được lựa chọn cơ quan giải quyết là Tòa án nhân dân hoặc UBND.