Cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá là nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật chiều 22/9.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, đa số ý kiến đồng thuận với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, loại biển số được đưa ra đấu giá và quyền cùng nghĩa vụ của người trúng đấu giá là nội dung nhận được ý kiến phản hồi.
Cần xem xét đấu giá cả biển số nền màu vàng
Theo Ủy ban Pháp luật, cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá là vấn đề đã chín, đã rõ và đạt sự đồng thuận cao. Việc thực hiện thí điểm là do có một số nội dung khác quy định của các luật hiện hành.
Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, kho số đăng ký ôtô là một loại tài sản công. Tuy nhiên nội dung của dự thảo của Chính phủ có 4 chính sách khác với quy định hiện hành. Đặc biệt, chính sách về đấu giá biển số ôtô khác với quy định cấm mua, bán biển số xe cơ giới của Luật Giao thông đường bộ.
Đồng thời, một số ý kiến cho rằng cần làm rõ hơn đề xuất thí điểm trên phạm vi toàn quốc bởi đây là vấn đề mới. Các nghị quyết thí điểm được Quốc hội ban hành gần đây đều giới hạn phạm vi thực hiện thí điểm tại một số địa phương.
Về biển số được đưa ra đấu giá, Chính phủ đề xuất là biển số ôtô nền trắng, chữ và số màu đen trong kho chưa được đăng ký. Không đấu giá đối với biển số cấp cho xe Nhà nước, lực lượng vũ trang…
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị làm rõ lý do không đưa biển số ôtô nền màu vàng (dùng cho xe kinh doanh vận tải) vào đấu giá. “Hiện nay số xe này, bao gồm cả taxi công nghệ là rất lớn, nhiều chủ xe có nhu cầu được lựa chọn biển số cho phương tiện của mình”, báo cáo nêu rõ.
Mức giá khởi điểm đấu giá biển số được Chính phủ đề xuất là 40 triệu đồng đối với Hà Nội và TP.HCM, địa phương khác là 20 triệu đồng. Nội dung này nhận được sự đồng thuận, tuy nhiên Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về số tiền đặt trước để tham gia đấu giá, bảo đảm vừa thống nhất với quy trình chung về đấu giá tài sản đồng thời hạn chế việc bỏ cọc của người trúng đấu giá.
Thu hồi nếu trong 12 tháng không đăng ký biển số gắn với xe
Theo dự thảo của Chính phủ, người trúng đấu giá khi chuyển nhượng xe được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác.
Ngoài ra, người trúng đấu giá biển số ôtô được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá như quy định hiện hành (biển số theo xe). Tuy nhiên, người trúng đấu giá không được phép chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế riêng biển số trúng đấu giá.
Đồng thời, người nhận chuyển nhượng chiếc ôtô (kèm biển số), khi tiếp tục bán xe thì không được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá để hạn chế tình trạng đầu cơ biển số và bảo đảm quản lý.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ và quy định cụ thể trong dự thảo về trường hợp sau khi kết thúc thời hạn 3 năm thí điểm mà không tiếp tục thực hiện thì quyền sở hữu biển số ôtô trúng đấu giá sẽ giải quyết như thế nào.
Để tránh trường hợp đầu cơ, tích trữ biển số đẹp, dự thảo quy định trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày trúng đấu giá, biển số phải được đăng ký gắn với phương tiện, nếu không đăng ký sẽ bị thu hồi. Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung quy định trường hợp người trúng đấu giá gặp sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì được kéo dài thời gian đăng ký biển số trúng đấu giá gắn với phương tiện nhưng không quá 6 tháng.
Bên cạnh đó, cơ quan này đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể trường hợp người trúng đấu giá chưa kịp đăng ký biển số gắn với phương tiện mà đã qua đời.
"Ngoài ra, trường hợp phương tiện gắn biển số trúng đấu giá bị tai nạn, hư hỏng không thể sửa chữa được thì quyền sở hữu của người trúng đấu giá hoặc người được chuyển nhượng xe có gắn biển số trúng đấu giá ra sao", ý kiến từ Ủy ban Pháp luật nêu vấn đề.
Đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá sẽ được trình xem xét tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội (tháng 10/2022).