Trên đây là một trong các nội dung Bộ Giao thông vận tải trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai về đầu tư xây dựng các tuyến đường nhằm bảo đảm liên kết vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bộ Giao thông vận tải cho biết đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai do Ban Dân nguyện Quốc hội chuyển đến tại Công văn 685/BDN đề ngày 29/7/2022, đề nghị quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng các tuyến đường nhằm bảo đảm liên kết vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ nói chung.
Tuyến đường nối Gia Lai - Phú Yên có điểm đầu giao với quốc lộ 19 tại Km79+900, thuộc địa bàn thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai và điểm cuối giao với quốc lộ 19C tại Km70+500 thuộc xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, chiều dài 135 km.
Đoạn tuyến qua tỉnh Gia Lai có chiều dài 74,2 km. Hiện trạng đoạn qua tỉnh Gia Lai từ Km0+000 đến Km25+700 (trùng với đường tỉnh 667) quy mô cấp IV miền núi. Đoạn từ Km25+700 đến Km62+000 đã được đầu tư quy mô cấp V miền núi. Đoạn từ Km62+000 đến Km74+200 (giáp ranh huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) dài khoảng 12,2 km hiện chưa có đường và dự kiến mở mới.
Đây là tuyến giao thông kết nối quan trọng của hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên, có ý nghĩa quan trọng trong công tác cứu hộ, cứu nạn trong bão lũ, gắn phát triển kinh tế - xã hội khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Tuyến cũng bảo đảm tính cơ động, góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh trong trục tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; là tuyến giảm tải và dự phòng khi quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh bị ách tắc do mưa lũ.
Trên cơ sở các phân tích và kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai, Bộ Giao thông vận tải đã cho biết như sau: Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021, tuyến nối Gia Lai - Phú Yên được hoạch định là tuyến quốc lộ 19E có chiều dài 135 km, quy mô cấp III-IV, 2-4 làn xe.
Đoạn qua tỉnh Gia Lai có chiều dài 74,2km, đã đầu tư đoạn Km0+000 đến Km25+700 cấp IV miền núi, Km25+700 - Km62+000 cấp V miền núi và đoạn Km62+000 - Km74+200 (giáp ranh giới huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) dài 12,2 km chưa có đường và dự kiến mở mới.
Bộ Giao thông vận tải thống nhất với kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai về nhu cầu đầu tư tuyến quốc lộ 19E trên địa bàn tỉnh Gia Lai theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm bảo đảm tính đồng bộ, góp phần giải quyết vấn đề lưu thông hàng hóa và hành khách, an ninh quốc phòng cho tỉnh Gia Lai nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải cũng nêu rõ hiện trạng tuyến này phần lớn có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp hoặc chưa có đường, chưa bảo đảm tiêu chí của đường quốc lộ theo quy định tại khoản 4 mục III Quyết định số 1454/QĐ-TTg. Theo đó, quy định: “Các tuyến đường địa phương được quy hoạch thành quốc lộ trong quyết định này chỉ nâng lên quốc lộ sau khi được đầu tư bảo đảm quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy hoạch và không thấp hơn quy mô đường cấp IV, 2 làn xe”.
Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải lưu ý rằng “tuyến vẫn thuộc tài sản của địa phương, việc đầu tư thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương theo Luật Ngân sách nhà nước”.
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, mức vốn trung ương phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải hiện nay không đủ đầu tư kết cấu hạ tầng hiện hữu. Cho nên, để không gây áp lực đối với ngân sách trung ương, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai chuyển kiến nghị của cử tri tới Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai xem xét, chủ động cân đối ngân sách địa phương đầu tư đoạn tuyến đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV và chuyển về Bộ Giao thông vận tải sau khi được nâng cấp.
Ngoài ra, trong kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai có đề cập đến việc đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối vùng Ayun Pa (Gia Lai) đến Ea H’leo (Đắk Lắk). Cụ thể, hai tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk có tuyến giao thông liên tỉnh tạo thành bởi đường tỉnh 668 (Gia Lai) và đường tỉnh 695 (Đắk Lắk) với tổng chiều dài 45 km đi từ quốc lộ 25 thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai đến giáp đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk. Tuyến này hiện đã xuống cấp và việc lưu thông đi lại trên tuyến rất khó khăn, nguy cơ mất an toàn giao thông cao, ảnh hưởng đáng kể đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh giữa khu vực. Việc đầu tư xây dựng tuyến nối hai địa phương Tây Nguyên này là cấp bách.
Bộ Giao thông vận tải cho biết đã thống nhất với kiến nghị, đề xuất của tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, Bộ cũng xác định đây là dự án thuộc thẩm quyền quản lý, đầu tư của từng địa phương, nên để tỉnh Gia Lai chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét, lập dự án đầu tư và chủ động cân đối ngân sách địa phương để thực hiện.
Về phần mình, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quá trình triển khai dự án này.
Theo Bộ Giao thông vận tải, mức vốn trung ương phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải hiện nay không đủ đầu tư kết cấu hạ tầng hiện hữu. Để không gây áp lực đối với ngân sách trung ương, đề nghị tỉnh Gia Lai xem xét, chủ động cân đối ngân sách địa phương đầu tư đoạn tuyến đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV và chuyển về Bộ Giao thông vận tải sau khi được nâng cấp.