Nóng nghị trường Quốc hội
Tại Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, thảo luận tại nghị trường, nói về tình trạng người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho biết, thời gian qua, dư luận rất bất bình với việc không ít người nước ngoài núp bóng cá nhân, tổ chức người Việt Nam thâu tóm nhiều đất đai ở một số nơi, nhất là các thành phố có giá trị đắt đỏ, thành phố du lịch.
Phát biểu ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, quy định cá nhân có đủ điều kiện về nhà ở, đặc biệt là cá nhân người nước ngoài được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là vấn đề rất nhạy cảm, hệ trọng, do đó có không ít người nước ngoài núp bóng cá nhân, tổ chức người Việt Nam thâu tóm nhiều đất đai
Ngoài ra, theo ông Hòa, quy định cá nhân người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua nhà đất là chưa rõ ràng, vì người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam hàng năm số lượng rất nhiều, không lẽ họ muốn mua nhà là được? Do đó, nên cân nhắc, nên thận trọng.
“Nên chăng, chỉ tổ chức, cá nhân có vốn đầu tư vào Việt Nam của người nước ngoài có quốc tịch Việt Nam được sở hữu nhà đất ở Việt Nam. Trong khi đó, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định “người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân là người nước ngoài”, ông Hoà nói.
Ông Hoà nói thêm, thời gian qua, dư luận rất bất bình cho việc không ít người nước ngoài núp bóng cá nhân, tổ chức người Việt Nam thâu tóm nhiều đất đai ở một số nơi, nhất là các thành phố có giá trị đắt đỏ, thành phố du lịch. Nếu như có quy định trong luật thì cũng cần nên có giới hạn về thời hạn sử dụng.
Cần giải pháp toàn diện
Về vấn đề trên, chia sẻ với phóng viên MarketTimes, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam nhận định đây là bài toán lớn có liên hệ mật thiết đến không chỉ kinh tế mà cả an ninh, quốc phòng nên cần được đánh giá đúng mức để có giải pháp toàn diện, đồng bộ.
Sở hữu đúng luật nên khó hạn chế
Đầu tiên, đối với các doanh nghiệp nước ngoài đang sở hữu nhiều bất động sản trong nước, trong đó có nhiều vị trí “đắc địa” TS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng cho rằng về hình thức, việc người Việt đứng tên các bất động sản đắc địa và các doanh nghiệp (bao gồm cả liên doanh, FDI, cổ phần có yếu tố nước ngoài) được phép thuê có thời hạn các bất động sản là phù hợp với các quy định của pháp luật.
Cụ thể, đối với các doanh nghiệp có dự án tại các bất động sản “đắc địa”, các tổ chức của Trung Quốc lúc đầu thường có tỷ trọng sở hữu thấp, sau đó họ dần mua lại, thâu tóm khiến tỷ lệ sở hữu của người Việt Nam dần mất đi. Việc thông qua doanh nghiệp Việt Nam sở hữu các nhà ở, thuê dài hạn các dự án này hiện không trái pháp luật Việt Nam.
"Thực tế đang đặt ra vấn đề bất cập nhưng Luật Đầu tư chưa điều tiết được. Vì không sai nên không thể xử lý" - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định.
Cần điều chỉnh Luật
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, để đảm bảo tính độc lập, quyền của người có quốc tịch Việt Nam và an ninh quốc phòng đã đến lúc tính đến việc điều chỉnh Luật. Phải có giải pháp giảm tình trạng cá nhân người nước ngoài, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài sở hữu các bất động sản “đắc địa” và có vị trí chiến lược, đặc biệt là tại các tỉnh thành dọc biên giới hoặc ven biển.
Bên cạnh đó, phải thể chế hóa các quy định liên quan đến việc cá nhân nước ngoài và các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài sở hữu bất động sản bằng cách trong các quy hoạch có thể xác định rõ các khu vực mà dự án đầu tư xây dựng được phép hoặc không có yếu tố nước ngoài.
Quản lý của địa phương còn nhiều hạn chế
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng sự vào cuộc của các địa phương là rất quan trọng. Khi mỗi địa phương thực hiện tốt, đúng, nghiêm túc các quy định liên quan đến việc cá nhân, tổ chức người nước ngoài sở hữu BĐS tại Việt Nam sẽ giúp việc quản lý chung được tốt.