Doanh nghiệp Việt Nam đang trong tình trạng khó khăn chưa từng thấy, đặc biệt là những tháng cuối năm 2022. Nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm nghiêm trọng, điển hình như dệt may, da giày, nội thất, sắt thép, xi măng… Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất.
Nguyên nhân là do ảnh hưởng từ những biến động khó lường của kinh tế thế giới, chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ cũng như toàn cầu khiến cầu tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh, thị trường trở nên thu hẹp hơn, dẫn tới nguồn vốn cho sản xuất - khả năng thanh khoản khó khăn.
Mặt khác, đó là từ những yếu kém nội tại của doanh nghiệp như năng lực cạnh tranh, quản trị doanh nghiệp, công nghệ kém. Thậm chí vấn đề lao động, bên cạnh khu vực thừa lao động phải giãn, giảm thì vẫn có lĩnh vực tiếp cận lao động thực sự khó khăn, nhất là với đội ngũ lao động trình độ cao.
Ngoài ra, thách thức về tiếp cận nguồn vốn khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng do dòng tiền của các doanh nghiệp đã cạn kiệt sau hơn hai năm dịch bệnh.
Như vậy, cùng một lúc, doanh nghiệp phải chịu hai tác động từ yếu tố bên ngoài và nội tại bên trong. Điểm này khác với doanh nghiệp các nước khác. Với các quốc gia khác, họ chỉ gặp một vấn đề là tác động từ ngoại lực bên ngoài, với họ chỉ là tai nạn rồi sẽ qua, bởi năng lực cạnh tranh, năng suất lao động của họ cao nên những cú sốc như thế này với họ chỉ là tạm thời.
Thống kê hàng năm cho thấy, chỉ có 40% doanh nghiệp Việt làm ăn có lãi, 60% còn lại là không lãi, đây là tỷ lệ đáng phải suy ngẫm.
Hơn nữa, năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới cũng nhiều nhưng số rút lui khỏi thị trường cũng lớn. Cụ thể, lần đầu tiên số doanh nghiệp quay trở lại thị trường gần 200 ngàn (11 tháng năm 2022), nhưng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường lên tới 134 ngàn doanh nghiệp. Nếu tính toán đơn giản, cứ 3 doanh nghiệp tái gia nhập thị trường thì 2 doanh nghiệp rút lui.
Tôi nghĩ vẫn có, đó là sự kiên cường, nỗ lực vươn lên của doanh nghiệp. Sáu tháng cuối năm 2022 là giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi đổi mới đến nay, nhưng nền kinh tế vẫn đạt được những con số khả quan như kim ngạch xuất khẩu vẫn ở mức cao, chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn tăng… thể hiện sức chống chịu của nền kinh tế và của cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã hy sinh lợi nhuận để đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động cũng như đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Bên cạnh đó là sự linh hoạt, quyết tâm của Chính phủ trong điều hành nền kinh tế. Đó là sự ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng vẫn rất cao, không bị gục ngã dù tình hình kinh tế thế giới biến động, kinh tế trong nước chưa bứt phá.
Trong bối cảnh hiện nay càng đòi hỏi phải tái cấu trúc doanh nghiệp, tinh thần khởi nghiệp cần phải đẩy mạnh. Những lúc khó khăn tinh thần khởi nghiệp cần được đẩy lên cao nhất. Khởi nghiệp ở đây không nhất thiết là thành lập doanh nghiệp mới mà khởi nghiệp là nghĩ khác và làm khác đi, tìm ra những cách thức và hướng đi mới để tồn tại và phát triển.
Trong khó khăn, đây là thời điểm tốt nhất cho khởi nghiệp cũng như tạo áp lực cạnh tranh, cho tái cấu trúc nền kinh tế ở cả tầm vi mô và vĩ mô. Đây là giai đoạn chúng ta có thể cải cách, đổi mới mô hình tăng trưởng, đột phá về thể chế, thủ tục hành chính, khung khổ pháp luật.
Phải nói rằng chu kỳ của nền kinh tế Việt Nam có độ trễ so với nền kinh tế thế giới. Nếu nhìn trong giai đoạn xảy ra đại dịch Covid-19, khi thời điểm các nền kinh tế trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề thì Việt Nam được gọi là “ngôi sao đang lên”. Nhưng khi họ hồi phục trở lại thì Việt Nam bắt đầu lao dốc vào quý 3/2021.
Dài hạn thì chưa thể nói điều gì, nhưng trong ngắn hạn (6 tháng đầu năm 2023) tình hình sẽ như cuối năm 2022 sẽ vẫn tiếp tục, bài toán xuất khẩu chưa nhiều sáng sủa, như vậy các doanh nghiệp sẽ vẫn gặp khó.
Về đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp FDI vẫn coi Việt Nam là địa điểm tốt để đầu tư nhưng sự vướng mắc về dự án, chậm trễ về thủ tục… nên họ sẽ thận trọng hơn.
Trong nước, người tiêu dùng cũng sẽ dè dặt hơn khi những biến động về bất động sản, trái phiếu vẫn chưa ổn định. Bên cạnh đó, do phải chống chọi với Covid-19 trong thời gian dài nên dự trữ trong dân cũng cạn. Mặt khác, việc làm của người lao động ở một số ngành nghề cũng mất hoặc giảm đi (theo thống kê gần nửa triệu người mất việc làm) sẽ khiến thị trường tiêu dùng trong nước xuống thấp hơn.
Chính phủ quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng cấp bộ, ban ngành, địa phương lại thực hiện chưa như kỳ vọng, còn chậm, như giải ngân thấp, thủ tục, cơ chế còn vướng mắc.
Do đó, những giải pháp hỗ trợ trong thời gian Covid-19 cần tiếp tục được mở rộng, kéo dài như: giãn hoãn thuế, giảm lãi suất, tái cấu trúc tín dụng… Đặc biệt, vướng mắc về pháp lý cũng cần được tháo gỡ bên cạnh hỗ trợ về tài chính. Đây là dư địa lớn nhất để thúc đẩy tăng trưởng, hồi phục nền kinh tế. Chính phủ cần rà soát lại các dự án, giải quyết các vấn đề pháp lý cho một loạt các dự án phải dừng lại vì vướng chính sách nên khó vận hành bình thường, thậm chí mất cơ hội.
Đầu tư công cần được đẩy mạnh, có tính chất dẫn dắt. Ngoài ra, du lịch quốc tế cũng là động lực tăng trưởng mạnh của giai đoạn này, do đó cần mở cửa mạnh mẽ, tháo gỡ thủ tục visa.
Trong lĩnh vực chính trị đối ngoại, nếu như chiến lược “ngoại giao cây tre” đã giúp chúng ta thành công trong tâm thế “dĩ bất biến ứng vạn biến” để đối diện với một thế giới phức tạp và biến đổi khó lường, thì trong kinh tế chiến lược “thương mại bó đũa” cũng cần được phát huy để nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua tăng cường liên kết của cộng đồng doanh nghiệp.
Bây giờ, hơn lúc nào hết là lúc cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và cả các địa phương cần đề cao tinh thần liên kết, đề cao tính cộng đồng trong kinh doanh để phối hợp các chiến lược, kế hoạch gia tăng thu hút đầu tư, kế hoạch đẩy mạnh kinh doanh cùng nhau nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, nâng cao chất lượng các dự án đầu tư chứ không phải cạnh tranh theo kiểu “cùng nhau xuống đáy” trong thu hút đầu tư, trong phát triển thị trường.
Ở đây có vai trò quan trọng của các hiệp hội, doanh nghiệp. Chúng ta có mạng lưới gần 500 hiệp hội doanh nghiệp theo ngành hàng và địa bàn từ Trung ương tới địa phương nhưng cho đến nay việc liên kết trong cộng đồng doanh nghiệp vẫn rất lỏng lẻo. Đổi mới hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp để tăng cường liên kết các doanh nghiệp là điều rất quan trọng.
Tất nhiên rất cần vai trò của Nhà nước trong việc thúc đẩy hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp và các chuỗi liên kết của doanh nghiệp Việt. Tôi đề nghị chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nên chuyển từ cách hỗ trợ cho từng doanh nghiệp riêng lẻ thành hỗ trợ theo chuỗi cung ứng. Điều này sẽ tạo động lực gắn kết giữa các doanh nghiệp lại với nhau.
Với khu vực FDI cũng vậy. Bên cạnh đó, cần có chính sách công nghiệp rõ ràng, và thúc đẩy phát triển các tập đoàn lớn trong thế liên kết với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các FDI cần được khuyến khích và cam kết kết nối với các doanh nghiệp nội địa với những hình thức thích hợp. Tôi hy vọng chính sách phát triển công nghiệp và chính sách thu hút FDI sắp tới của chúng ta sẽ cần có những giải pháp thúc đẩy xu hướng liên kết và lan tỏa các chuỗi cung ứng theo hướng này.
Cho nên biết làm việc theo nhóm, có khả năng kết nối cộng đồng – theo tinh thần “Buôn có bạn, bán có phường”, phát huy sức mạnh của “Bó đũa” trong nền văn minh lúa nước để vươn ra thế giới, để chinh phục đỉnh cao phải là tâm thế của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới.
VnEconomy 29/01/2023 06:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam