Dòng năng lượng này đã gần như không có bất kỳ sự gián đoạn nào kể từ sau chiến tranh lạnh và ngay cả vào những thời điểm căng thẳng trong quan hệ giữa Moscow với phương Tây.
Nhưng từ khi chiến tranh giữa Nga và Ukraine nổ ra, dòng chảy khí đốt từ Nga sang Liên minh châu Âu (EU) ngày càng giảm. Phương Tây cáo buộc Nga đang dùng năng lượng để trả đũa các biện pháp trừng phạt và làm suy yếu sự ủng hộ của châu Âu dành cho Ukraine. Nga phủ nhận các cáo buộc này và nói rằng chính các biện pháp trừng phạt đó gây trở ngại đối với việc bơm khí đốt, bên cạnh vấn đề kỹ thuật. Đầu tháng này, Nga tuyên bố khoá vô thời hạn Nord Stream 1, đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang châu Âu.
"Biến động giá điện hiện nay thật điên rồ. Đó chính là điều khiến cho nền công nghiệp bị giết chết”.
Ông Milan Vesely, quản lý nhà máy nhôm Slovalco, Slovakia
Ảnh hưởng của sự sụt giảm nguồn cung khí đốt Nga đối với kinh tế châu Âu đã quá rõ ràng. Nền kinh tế khu vực này đã bị đẩy tới bờ vực của một cuộc suy thoái sâu và kéo dài. Các ngành sản xuất công nghiệp của châu Âu cũng đang hứng chịu những tổn hại to lớn mà giới phân tích cho rằng sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng trong dài hạn - theo tờ báo Wall Street Journal. Không giống như Mỹ, châu Âu dựa vào các ngành sản xuất và công nghiệp nặng như trụ cột cho tăng trưởng kinh tế trong những thập kỷ gần đây. Các nhà máy thép, hoá chất và ô tô đóng góp một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế khu vực.
Trong cuộc khủng hoảng năng lượng mà châu Âu đang oằn mình chống chọi, gần như không có một doanh nghiệp nào trong khu vực tránh được thiệt hại, từ ngành thép và nhôm tới ô tô, kính, gốm, đường, và thậm chí các hãng giấy vệ sinh. Một số ngành có mức độ tiêu thụ năng lượng lớn, chẳng hạn ngành luyện kim, đang chứng kiến các nhà máy đóng cửa ồ ạt. Các nhà phân tích và quản lý trong ngành thậm chí lo ngại rằng các nhà máy đó sẽ không bao giờ mở cửa trở lại, dẫn tới thiệt hại hàng nghìn công việc.
Kỷ nguyên phi công nghiệp hóa bắt đầu?
Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu “núi” thách thức hiện tại khi thiếu khí đốt sẽ chỉ là vấn đề tạm thời, hay sẽ mở ra một kỷ nguyên mới của sự phi công nghiệp hoá ở châu Âu? Các nước trong khu vực đang ra sức tìm kiếm nguồn cung khí đốt thay thế từ các nhà cung cấp khác trên thế giới, chẳng hạn đẩy mạnh việc nhập khẩu khí hoá lỏng (LNG) từ Mỹ và Qatar. Tuy nhiên, châu Âu có thể sẽ không bao giờ được tiếp cận với khí đốt giá rẻ của Nga nữa, mà đây lại chính là “bầu sữa” đã giúp châu Âu có sức để cạnh tranh với một nước Mỹ giàu tài nguyên và bù đắp những yếu tố bất lợi của khu vực này như chi phí nhân công cao và quy định ngặt nghèo về lao động và môi trường.
Ở thành phố Ziar nad Hronom của Slovakia - nơi đặt một nhà máy nhôm đã 70 năm tuổi chuyên cung cấp nhôm cho các công ty sản xuất linh kiện ô tô khắp châu Âu - nhiều người đang cảm thấy bất an về tương lai tài chính. “Đây có lẽ là sự kết thúc của ngành sản xuất kim loại ở châu Âu”, ông Milan Vesely, một người đã tiếp bước cha mẹ làm việc từ thời còn trẻ tại nhà máy nhôm Slovalco, nói với Wall Street Journal.
Giống như nhiều công ty khác ở châu Âu, Slovalco khốn đốn vì biến động giá điện do nguồn cung khí đốt Nga sụt giảm. Khí đốt là đầu vào chủ yếu của các nhà máy phát điện ở châu Âu, nên khi nguồn cung khí đốt teo tọp và giá khí đốt tăng vọt, giá điện cũng tăng phi mã như một hệ quả tất yếu. Trong suốt nhiều năm, Slovalco là đơn vị tiêu thụ điện nhiều nhất ở Slovakia, chiếm khoảng 9% nhu cầu điện của nước này và chủ yếu mua từ các nhà máy điện hạt nhân.
Trước khi giá năng lượng ở châu Âu bắt đầu tăng vào cuối năm ngoái, Slovako phải trả khoảng 45 Euro cho mỗi megawatt giờ điện. Từ đầu năm đến nay, nhà máy phải mua điện với giá 75 Euro/megawatt giờ theo một hợp đồng đã chốt trong năm ngoái. Nhưng từ cuối tháng 8, giá điện trên toàn châu Âu đã cán mốc 1.000 Euro/megawatt giờ.
Slovaco đã không gia hạn hợp đồng mua điện sang năm 2023, và nếu gia hạn, nhà máy sẽ phải trả 2,5 tỷ Euro ở mức giá đỉnh hiện nay trên thị trường điện. Ông Vesely, người quản lý nhà máy, đang phải cắt giảm sản xuất các sản phẩm kim loại nguyên sinh, chỉ còn giữ lại hoạt động nhỏ về tái chế. Ông cũng đã cho thôi việc 300 trong số 450 công nhân của nhà máy.
"Biến động giá điện hiện nay thật điên rồ. Đó chính là điều khiến cho nền công nghiệp bị giết chết”, ông Vesely nói.
Việc các nhà máy giảm hoạt động hoặc đóng cửa đã giúp châu Âu tiết kiệm được khí đốt để dự trữ cho mùa đông đang đến gần. Cùng với nỗ lực tìm kiếm nguồn cung khí đốt thay thế, EU đã đạt được mức dự trữ khí đốt 80% công suất. Theo các nhà phân tích, mức dự trữ này có thể đủ để khu vực “sống sót” tới mùa xuân mà không cần phải chia khẩu phần khí đốt ngay cả khi nguồn cung khí đốt Nga cạn kiệt hoàn toàn.
Hầu hết các chính phủ ở châu Âu đều cho rằng việc giảm hoạt động hoặc đóng cửa các nhà máy là lựa chọn tốt hơn để giảm tiêu thụ năng lượng nếu so với việc phải cắt điện đối với các bệnh viện và trường học trong mùa đông. Trong tháng 8 vừa qua, lượng tiêu thụ khí đốt ở châu Âu giảm 10% so với mức bình quân hàng năm - theo dữ liệu từ công ty phân tích thị trường hàng hoá cơ bản ICIS. Mục tiêu mà EU đề ra là giảm 15% nhu cầu khí đốt.
Nhưng việc đóng cửa các nhà máy đi kèm với thiệt hại không hề nhỏ. Các công ty trong các lĩnh vực có hàm lượng năng lượng cao nói rằng họ đối mặt nguy cơ sụp đổ trong mùa đông này nếu không được chính phủ hỗ trợ. Chuỗi cung ứng phức tạp trong các ngành như ô tô và thực phẩm đang tê liệt dần, dẫn tới sức ép giá cả ngày càng lớn đúng vào lúc những nút thắt do đại dịch Covid-19 gây ra bắt đầu có dấu hiệu được giải toả.
“Cơn bĩ cực” của ngành hóa chất và kim loại châu Âu
Hãng sản xuất phân bón khổng lồ Yara International ASA của Na Uy đã cắt giảm 65% sản lượng ammonia tại các nhà máy của công ty trên toàn châu Âu. Khí đốt là một đầu vào chủ chốt của các nhà máy sản xuất phân bón.
“Chúng tôi đang nghĩ về những điều mà chúng tôi không dám nghĩ đến ở thời điểm cách đây khoảng 1 năm”, Tổng giám đốc Michael Schlaug của tổ hợp sản xuất Yara ở Sluiskil, Hà Lan, phát biểu. Trong số 3 nhà máy sản xuất ammonia thuộc tổ hợp này, 2 nhà máy đã ngừng sản xuất từ cuối tháng 8. Kỹ sư trong các nhà máy sản xuất phân bón của Yara đang phải điều chỉnh máy móc để thích ứng với ammonia nhập khẩu có hàm lượng nước cao hơn, vì công ty phải chuyển sang sử dụng ammonia từ nhập từ Mỹ, Trinidad và các nhà cung cấp khác để thay thế cho ammonia tự sản xuất trước đây.
“Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến giá năng lượng biến động đến như thế này”.
CEO Reiner Blaschek của ArcelorMittal ở Đức
Công ty phân bón Hà Lan OCI NV cũng đang nhập khẩu thêm ammonia thông qua cảng Rotterdam. Công ty có kế hoạch đến năm 2023 tăng gấp 3 lần công suất nhập khẩu ammonia tại cảng này và mở rộng một cơ sở sản xuất ở Beaumont, Texas, Mỹ để sản xuất ammonia rồi vận chuyển sang châu Âu. “Việc này rõ ràng mang lại lợi thế cho phía Mỹ”, CEO Ahmed El-Hoshy của OCI nói về sự leo thang của giá năng lượng.
Sự suy giảm công suất công nghiệp của châu Âu sẽ làm gia tăng mức độ phụ thuộc của khu vực này vào nguồn nguyên vật liệu thô và linh kiện sản xuất ở nước ngoài, giữa lúc các chính phủ ở châu Âu đang phấn đấu đưa các chuỗi cung ứng về năng lượng tái sinh, ô tô điện và vũ khí quân sự về gần hơn.
Các nhà sản xuất kim loại, với nhu cầu năng lượng lớn để phá vỡ và thiết lập các liên kết hoá học, đang là đối tượng “chịu trận” nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng năng lượng này. Năm nay, giá điện trên toàn châu Âu đã tăng vọt do các yếu tố xuất hiện đồng thời gồm khủng hoảng năng lượng, vấn đề trong các nhà máy điện hạt nhân ở Pháp, và sản lượng thuỷ điện giảm thấp trong bối cảnh thời tiết khô hạn.
ArcelorMittal SA, một trong những nhà máy sản xuất thép lớn nhất thế giới, sẽ phải đóng cửa một lò luyện tháp ở Bremen, Đức và giảm sản lượng tại một nhà máy sắt xốp ở Hamburg, Đức. Tại Đức, ArcelorMitall đã giảm tiêu thụ khí đốt khoảng 40% nếu so với kế hoạch tiêu thụ mà công ty đưa ra ở thời điểm đầu năm.
“Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến giá năng lượng biến động đến như thế này”, CEO Reiner Blaschek của ArcelorMittal ở Đức phát biểu. “Mọi thứ đều biến động quá mạnh chỉ trong một thời gian ngắn. Đối với một doanh nghiệp như chúng tôi, điều này quá tồi tệ. Toàn bộ chuỗi cung ứng năng lượng cần phải được sắp xếp lại”.
Trên khắp châu Âu, dự trữ kẽm đang dần cạn kiệt, dẫn tới việc các công ty phải nhập khẩu kim loại kẽm từ Trung Quốc - theo Eurometaux, một tổ chức vận động hành lang của công nghiệp kim loại châu Âu. Giới phân tích nói rằng sản lượng nhôm nguyên sinh của châu Âu đang giảm dần về 0, khiến cho châu lục chỉ còn lại ngành tái chế nhôm - lĩnh vực sản xuất được nhôm cho những ngành như đóng gói, nhưng không thể dùng cho bánh xe, phanh hay linh kiện cho máy bay.
Các nhà máy luyện nhôm ở châu Âu đang không thể gia hạn được hợp đồng điện. Để sản xuất ra 1 tấn nhôm nguyên sinh, các nhà máy cần 15 megawatt giờ điện - tương đương chi phí 9.000 Euro ở mức giá điện hiện tại. Trong khi đó, giá của 1 tấn nhôm nguyên sinh là chưa đầy 2.000 Euro - theo hiệp hội kim loại Đức WV Metalle.
“Cần phải có sự hỗ trợ khẩn cấp ngay bây giờ. Nếu không, chúng ta sẽ đối mặt với sự phi công nghiệp hoá ở Đức”, Tổng giám đốc Franziska Erdle của WV Metalle phát biểu.
Đến công ty giấy toilet cũng phá sản vì thiếu khí đốt
Nhà máy nhôm San Ciprian của hãng Alcoa Corp. ở Tây Ban Nha, nhà máy kẽm Portovesme của Glencore PLC ở Italy và các nhà máy kẽm của Trafigura Group ở Hà Lan, Pháp và Bỉ đều đã giảm sản xuất hoặc đóng cửa. Khoảng một nửa công suất sản xuất nhôm và kẽm của châu Âu đang bị tắt, bên cạnh việc cắt giảm sản xuất silicon và phôi thép - Eurometaux cho biết trong một bức thư gửi quan chức EU mới đây.
“Đây là một sự kiện nghiêm trọng và nền công nghiệp của châu Âu đã phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng giá rẻ từ Nga. Nền công nghiệp của châu Âu có thể không phục hồi lại như cũ được”.
Ông Tom Price, trưởng bộ phận chiến lược hàng hoá cơ bản của công ty Liberum
Ông Tom Price, trưởng bộ phận chiến lược hàng hoá cơ bản của công ty Liberum, so sánh cú sốc năng lượng ở châu Âu hiện nay với cuộc khủng hoảng năng lượng đốn gục ngành nhôm của Nhật Bản vào những năm 1970. “Đây là một sự kiện nghiêm trọng và nền công nghiệp của châu Âu đã phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng giá rẻ từ Nga. Nền công nghiệp của châu Âu có thể không phục hồi lại như cũ được”, ông Price nói.
Sản lượng của các nhà máy ở châu Âu suy giảm có thể gây ảnh hưởng lan rộng khắp các chuỗi cung ứng. Các nhà sản xuất ô tô chịu tổn thất trực tiếp từ sự phụ thuộc của họ vào khí đốt để phát điện và làm ấm, và cả gián tiếp thông qua các vấn đề trong chuỗi cung ứng. Tập đoàn xe Đức Volkswagen AG cho biết đang tích trữ các sản phẩm kính như cửa sổ và kính chắn gió ô tô, vì lo sợ rằng tình trạng thiếu khí đốt sẽ khiến các công ty sản xuất kính phải ngừng sản xuất.
Một người phát ngôn của Safran SA, một công ty Pháp sản xuất động cơ máy bay và thiết bị quốc phòng, cho biết chuỗi cung ứng gặp khó khăn đã khiến công ty không thể tăng sản lượng. Đến nay, công ty vẫn cố gắng mua được kim loại từ các nhà cung cấp hiện có, nhưng tình hình có thể thay đổi.
Trong lĩnh vực thực phẩm, các nhà máy đường cũng phụ thuộc vào nguồn điện phát bằng khí đốt. Trong tháng 9 này, cơ quan quản lý cạnh tranh của Đức đã cho phép 4 công ty sản xuất đường hợp tác nếu bị cắt khí đốt, chẳng hạn nhường công suất cho nhau. Nếu các nhà máy sản xuất đường phải tạm dừng hoạt động, một lượng lớn củ cải đường thu hoạch được có thể sẽ thối rữa và giá nhiều mặt hàng sẽ bị đẩy lên giữa lúc lạm phát giá thực phẩm đã cao ngất ngưởng.
Một số nhà sản xuất như như nhà máy kẽm có thể nhanh chóng khởi động trở lại khi tình hình nguồn cung năng lượng được cải thiện. Nhưng đối với các doanh nghiệp khác như trong ngành thép và nhôm, việc mở cửa nhà máy là một quy trình dài và tốn kém, thậm chí không mang lại lợi ích tài chính.
Ngay cả các công ty sản xuất giấy toilet cũng đang gặp khó. Hakle GmbH, một hãng giấy toilet và sản phẩm vệ sinh của Đức, mới đây tuyên bố vỡ nợ và xin được bảo hộ khỏi các chủ nợ. Nguyên nhân dẫn tới vụ phá sản này là công ty không thể tiếp tục tăng giá sản phẩm tới mức đủ để bù đắp cho giá nguyên liệu giấy tăng cao vì giá năng lượng đắt đỏ.