Không có gì đáng nói khi điều này diễn ra trong bối cảnh thị trường BĐS trầm lắng. Việc các doanh nghiệp địa ốc vẫn “ra khơi” cho thấy, niềm tin của doanh nghiệp với thị trường BĐS còn khá lớn.
Mới đây, Nam Long Group cho biết, doanh nghiệp đang bung 96 căn biệt thự Park Village view sông tại khu đô thị Waterpoint quy mô 355ha (Bến Lức, Long An). Mỗi căn có diện tích dao động từ 300-600m2 có giá từ 16,8 tỉ đồng/căn.
Cuối năm nay hoặc sang đầu năm 2023, doanh nghiệp này cũng ra mắt phân khu Izumi Riverside (thuộc Izumi City tại Biên Hoà, Đồng Nai) gồm các sản phẩm nhà phố, biệt thự, villa…; căn hộ Flora Panorama thuộc KĐT Mizuki Park (Bình Chánh, Tp.HCM) và giai đoạn tiếp theo dự án Akari City tại Q.Bình Tân, Tp.HCM.
Trong khi đó, tại Bình Dương, Phú Đông Group đang rục rịch ra thị trường hơn 600 căn Phú Đông SkyOne có mức giá từ 1.5 tỉ đồng/căn.
Tại khu Nam, Phú Long vẫn đẩy mạnh thông tin giai đoạn 2 căn hộ Essensia Sky (thuộc KĐT Dragon City) ra thị trường cuối năm nay, bất chấp bối cảnh BĐS trầm lắng giao dịch.
Hưng Thịnh Land vẫn ra mắt căn hộ Moonlight Avenue tại Tp.Thủ Đức, Tp.HCM. Dự án có hơn 800 căn hộ giá trên dưới 70 triệu đồng/m2.
Trong khi các doanh nghiệp khác lại chọn cách nghe ngóng thị trường hoặc chủ đầu tư lùi lịch mở bán hoặc cho nhân viên nghỉ Tết sớm vì không có dự án để bán, bán không được hàng.
Giai đoạn này, người mua có nhiều băn khoăn trước khi quyết định xuống tiền. Tuy vậy, nhu cầu về BĐS còn khá lớn. Đặc biệt, ở các dự án căn hộ giá vừa túi tiền tại Tp.HCM và vùng phụ cận, mức độ quan tâm của người mua khá ổn định.
Mới đây, một dự án căn hộ tại Q.Bình Tân (Tp.HCM) vẫn đón lượng khách hàng đến tham quan căn hộ mẫu khá nhộn nhịp vào dịp cuối tuần. Tuy chưa rõ việc chốt giao dịch ra sao nhưng trong bối cảnh thị trường BĐS tưởng chừng “bất động”, hình ảnh này cho thấy, nhu cầu về chốn an cư vẫn hiện hữu trên thị trường.
Hay, tại một dự án toạ lạc P.An Bình, Dĩ An (Bình Dương), lượng khách đến tìm hiểu căn hộ cũng khá đông đúc. Bên cạnh hoạt động chuyển nhượng căn hộ thứ cấp diễn ra ổn định thì khách xem nhà mẫu căn hộ sắp chào bán của chủ đầu tư này cũng đáng kể. Trong đó, bộ phận môi giới doanh nghiệp vẫn hoạt động “hết công suất” trong bối cảnh thị trường khó khăn.
Động thái một số doanh nghiệp địa ốc vẫn bung hàng cận Tết, giữa lúc thị trường im ắng giao dịch, theo chia sẻ của những người trong cuộc đó là hành động “lấy đà” cho thị trường BĐS năm 2023. Đồng thời, một số doanh nghiệp có nguồn hàng quyết định chào bán ở giai đoạn này cũng là cách họ giữ chân nhân sự.
Có thể thấy, hiện nay, một số sàn/chủ đầu tư BĐS đã cho nhân viên nghỉ Tết sớm, hoặc nghỉ không lương, cắt giảm nhân sự. Thậm chí có doanh nghiệp địa ốc cắt nhân sự từ 40-60% vì không đủ chi phí chi trả, trong khi sản phẩm không bán được. Lượng nhân sự ở lại cũng “không có việc làm” hoặc làm việc luân phiên. Chính điều này đã gây thêm tâm lý nặng nề cho thị trường BĐS vốn khó khăn sẵn.
Những môi giới còn gắn bó với nghề, với doanh nghiệp cũng phần nào nản chí vì chứng kiến những chật vật của thị trường. Ghi nhận cho thấy, bên cạnh các môi giới phải nghỉ việc thì không ít môi giới chủ động nghỉ, tạm rút khỏi thị trường để chờ thời điểm tốt hơn.
Khi doanh nghiệp mạnh dạn bung sản phẩm ra thị trường thời điểm này cũng thể hiện chiến lược “giữ chân nhân sự” cận Tết, nhất là đội ngũ nhân viên kinh doanh. Bởi không ít doanh nghiệp hiểu rằng: Có được sự gắn bó của nhân sự trong lúc khó khăn, cũng là cách doanh nghiệp lấy đà cho thời điểm thị trường BĐS phục hồi.
Một doanh nghiệp địa ốc tiết lộ: “Trước bối cảnh thị trường vắng giao dịch, môi giới về quê trước Tết khá nhiều, nên doanh nghiệp gấp rút bán dự án sớm hơn so với dự định trước đó. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giới thiệu dự án mới để nhân sự có công việc làm”.
Dĩ nhiên, bên cạnh yếu tố liên quan đến nhân sự, hay “xốc lại tâm lý” cho thị trường thì chiến lược bung hàng của doanh nghiệp ở giai đoạn này cũng cho thấy họ tin rằng, nhu cầu mua BĐS vẫn còn lớn. “Đi ngược” xu hướng chung của thị trường là cách doanh nghiệp tìm hướng đi mới trong thế khó. Đặt trong bối cảnh BĐS khan hiếm nguồn cung mới, người có sẵn tài chính vẫn còn nhiều… thì đây lại là cơ hội để doanh nghiệp có nguồn hàng BĐS chất lượng, uy tín, pháp lý chỉn chu tiếp cận được dòng tiền của người mua.
Cơ hội này có thể không bùng nổ như giai đoạn trước nhưng sẽ là “đà” để doanh nghiệp bước nhanh hơn khi thị trường BĐS phục hồi. Chưa kể, việc bung hàng trong giai đoạn khó khăn, khi cả thị trường ở trạng thái quan sát thì các thông tin dự án mới của các chủ đầu tư có thể sẽ được để ý nhiều hơn. Đây cũng là chiến lược “đi trước một bước” về thông tin để đón cơ hội tốt hơn từ thị trường.
Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp địa ốc, thực tế, nhu cầu tìm hiểu, quan sát BĐS vẫn khá lớn nhưng nhiều người còn ở tâm lý “chờ”, hoặc ngại xuống tiền ở giai đoạn này. Vì thế, dự án bung hàng để người mua thăm dò cũng là điểm tốt lúc này, trong bối cảnh mà ngay cả chủ đầu tư cũng không kì vọng quá lớn về giao dịch.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, mặc dù nhu cầu rất lớn nhưng thị trường BĐS đang đối mặt với nhiều điểm nghẽn khó khăn. Các quy định của pháp luật, các thủ tục pháp lý đang khiến nhiều dự án nằm chờ, chưa thể triển khai. Việc kiểm soát chặt nguồn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao, trong đó có BĐS cũng khiến thị trường co hẹp hơn, người mua nhà khó tiếp cận vốn.
Đặc biệt, nguồn cung mới sản phẩm hiện nay khá yếu ớt. Phân khúc nhà ở đang khan hiếm nguồn cung ở cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp. Khi vấn đề pháp lý và chính sách tín dụng được khơi thông, dự án sẽ sẵn sàng để bùng nổ trở lại. Vị chuyên gia này tin rằng thị trường BĐS sẽ dần có sự cân bằng tốt hơn trong năm 2023 trở đi.