Tuy nhiên, đây đều là những nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp có tính chu kỳ nên tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư khi mua những cổ phiếu này.
Khi khủng hoảng mang lại cơ hội
Dịch Covid-19 xuất hiện đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội và kinh tế thế giới vì sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Chưa dừng lại ở đó, xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra vào đầu năm 2022 lại tiếp tục tạo ra những khó khăn mới cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó sự thiếu hụt hàng hóa và giả cả hàng hóa tăng cao đã cản trở sự phục hồi của kinh tế thế giới vốn đã đầy bất ổn.
Việt Nam dù không nằm ngoài tác động tiêu cực của dịch bệnh và cuộc xung đột kể trên nhưng nhiều ngành kinh tế trong nước lại bất ngờ được hưởng lợi từ diễn biến giá cả hàng hóa thế giới như thép, thủy sản, phân bón - hóa chất, vận tải biển… Do đó, giá cổ phiếu của những ngành này đã tăng phi mã trong suốt 2 năm qua. Tuy nhiên, những lợi thế đó chỉ có thể duy trì trong một giai đoạn nhất định và khi nó bắt đầu mất đi thì sẽ tạo ra hiệu ứng ngược với giá cổ phiếu.
Điển hình đầu tiên là các cổ phiếu ngành thép như HPG, NKG, SMC… đã có mức tăng từ 4-10 lần kể tức mức giá đáy vào tháng 4/2020. Sự tăng giá mạnh của các cổ phiếu này là nhờ giá thép liên tục tăng lên do giá nguyên liệu từ quặng sắt, than, thép phế liệu tăng mạnh…
Trong khi đó, các doanh nghiệp thép trong nước lại đang có dự trữ tồn kho nguyên liệu và thành phẩm rất lớn nên khi giá thép tăng nhanh đã thúc đẩy biên lợi nhuận của các doanh nghiệp này. Sau đó, khi giá thép thành phẩm bắt đầu sụt giảm nhưng chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào vẫn cao đã ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.
Kể từ cuối tháng 10/2021, VN-Index tiếp tục tăng từ 1360 lên 1530 điểm nhưng các cổ phiếu thép đã tạo đỉnh và đi ngược thị trường với mức giảm 40-50%. Trong đại hội cổ đông gần đây của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Chủ tịch Trần Đình Long cũng thẳng thắn chia sẻ rằng lợi nhuận ngành thép sẽ còn tiếp tục khó khăn trong những quý sắp tới của năm 2022.
So với ngành thép, các ngành khác như thủy sản, phân bón - hóa chất, vận tải biển vẫn đang được hưởng lợi và duy trì mức lợi nhuận tăng trưởng trong quý I/2022, vì vậy cổ phiếu thuộc những ngành này cũng thu hút được dòng tiền hơn.
Sau cú sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán hồi tháng 5, VN-Index mới chỉ hồi phục được hơn 10% và vẫn còn cách khá xa vùng đỉnh 1530 điểm, nhưng nhiều cổ phiếu thuộc nhóm này lại có sự hồi phục ngoạn mục khi hầu hết đã lấy lại được mức giảm trước đó.
Đáng chú ý, một số cổ phiếu thủy sản và vận tải biển như VHC, ANV, GMD, HAH… còn tăng vượt đỉnh gần nhất. Rõ ràng, những cổ phiếu trên đã mang lại cơ hội kiếm lợi nhuận 40-60% chỉ trong một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, câu chuyện cổ phiếu ngành thép liệu có lặp lại với nhóm ngành này hay không sẽ là vấn đề nhà đầu tư cần lưu ý.
Rủi ro khi chu kỳ đảo chiều
Trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán, trước mỗi quyết định đầu tư thì nhà đầu tư luôn phải tìm hiểu rất kỹ lịch sử hoạt động của mỗi doanh nghiệp, đồng thời đánh giá triển vọng hoạt động của doanh nghiệp đó trong tương lai để xác định xu hướng giá cổ phiếu.
Hiện nay, kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới nên chúng ta sẽ bị tác động rất nhanh trước các diễn biến của thị trường thế giới. Vì vậy, ngoài việc phân tích và đánh giá hoạt động của doanh nghiệp thì nhà đầu tư cũng cần cập nhật các thông tin quốc tế liên quan đến lĩnh vực, ngành nghề mà mình quan tâm.
Theo thông tin của Bloomberg, dấu hiệu lạm phát của thế giới sắp đạt đỉnh khi 3 yếu tố quan trọng là chíp bán dẫn, phân bón và cước vận tải biển đang trong xu hướng giảm. Đây là các yếu tố đầu vào cấu thành chi phí sản xuất hàng hóa, và khi chúng có dấu hiệu đảo chiều thì đồng nghĩa giá cả hàng hóa tiêu dùng có thể giảm xuống trong thời gian tới.
Theo đó, cước vận chuyển container đã giảm 26% kể từ tháng 9/2021 - thời điểm giá cước vận tải đạt đỉnh. Trong khi giá phân bón khu vực Bắc Mỹ hiện đang thấp hơn 24% so với thời điểm tháng 3/2022, khi Nga bắt đầu kế hoạch quân sự với Ukraine.
Qua thống kê này, chúng ta có thể thấy ngành vận tải biển và sản xuất phân bón trong nước sẽ sớm bị tác động bởi xu hướng giảm giá của thế giới, do đó doanh thu và lợi nhuận của ngành này sẽ khó có thể duy trì ở mức cao như hiện nay.
Ngược lại, giá dầu và khí vẫn đang nằm trong xu hướng tăng, mà đây lại là nguyên liệu đầu vào của lĩnh vực vận tải và phân bón. Mặc dù chưa chắc chắn nhưng nhiều tín hiệu cho thấy câu chuyện của ngành thép đang lặp lại với ngành vận tải biển và phân bón.
Đối với ngành thủy sản, cá tra và tôm là hai sản phẩm đóng góp lớn nhất trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022. Ngoài những lợi thế về xuất khẩu đối với các thị trường truyền thống như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc thì thủy sản Việt Nam còn hưởng lợi kép khi Nga bị Mỹ và các nước Châu Âu cấm vận xuất khẩu thủy sản, điều này đã giúp Việt Nam có cơ hội tăng thị phần.
Thêm vào đó, nhờ việc có sẵn nguồn nguyên liệu dự trữ và tồn kho năm 2021, trong khi lạm phát thế giới tăng cao đã giúp cho giá bán sản phẩm thủy sản của Việt Nam tăng mạnh. Đây là lý do chính giúp các cổ phiếu như VHC và ANV tăng vượt đỉnh trong tuần qua.
Nhưng theo thống kê của VSEP, trong tháng 5/2022, hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã có dấu hiệu chững lại so với tháng 4/2022. Đặc biệt, VASEP nhận định căng thẳng Nga - Ukraine chưa đến hồi kết, vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến các ngành kinh tế, trong đó có khai thác thuỷ sản, khiến nguyên liệu khan hiếm và chi phí khai thác cao. Do vậy, nguồn nguyên liệu hải sản để chế biến xuất khẩu tiếp tục là bài toán khó với các doanh nghiệp thủy sản hiện nay.
Trong biểu đồ thống kê của VNDirect ngày 23/5/2022 với cổ phiếu VHC, dễ dàng nhận thấy biên lợi nhuận gộp trong quý I/2022 của VHC vẫn giữ ở mức cao nhưng gần như không thay đổi so với quý IV/2021, trong khi giá cả nguyên liệu lại có xu hướng tăng mạnh. Xu hướng này cho thấy biên lợi nhuận có nguy cơ sụt giảm do chi phí sản xuất tăng là hiện hữu, nhất là trong quý II/2022 các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra còn phải đối mặt với quy định kiểm tra chặt dấu vết Covid-19 trên thủy sản nhập khẩu của Trung Quốc.
Ở góc độ thị trường, ANV và VHC là hai cổ phiếu thủy sản tăng giá mạnh nhất thời gian qua, nhưng P/B (tỷ lệ giữa giá cổ phiếu so với giá trị sổ sách) của hai cổ phiếu này (đến ngày 8/6/2022) đều đã vượt mức trên 3 lần - mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Vì vậy, nhà đầu tư ưa thích nhóm cổ phiếu thủy sản cần có những tính toán với việc mua cổ phiếu ở vùng giá hiện tại và thường xuyên theo dõi tình hình giá cả thế giới để phòng tránh các rủi ro như nêu trên.