Nguyễn Thanh Tâm
Giám đốc quốc gia của BasicNeeds Việt Nam, thuộc network BasicNeeds quốc tế. Đây là tổ chức phi chính phủ hoạt động tại 15 quốc gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tinh thần và phát triển cộng đồng.
Sau một thời gian gắn bó, nhiều nhân sự trẻ tuổi nhận ra mình đã mất đi niềm yêu thích, hoặc vốn dĩ không phù hợp với vị trí hiện tại.
Tuy vậy, thay vì nhanh chóng tìm cơ hội mới, họ lại chần chừ, “cố đấm ăn xôi” vì nỗi sợ thất nghiệp hay mức lương mới thấp hơn kỳ vọng. Thực tế, tâm lý này xuất hiện thường xuyên hơn vào dịp cuối năm, khi làn sóng nhảy việc rục rịch trỗi dậy.
Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến cảm giác mệt mỏi, thiếu động lực. Cảm giác chán chường liên tục đeo bám khiến họ khó tập trung, trì trệ trong mọi nhiệm vụ được giao.
Tình hình sẽ càng nặng nề hơn khi đồng nghiệp, cấp trên trách móc vì công việc không đạt kết quả như yêu cầu. Cứ như vậy, nhân sự sẽ mắc kẹt trong một vòng lặp không lối thoát, dẫn đến kiệt quệ cả về tinh thần lẫn thể chất.
Dưới đây, tôi đưa ra một số lời khuyên, giải pháp giúp bạn hiểu hơn về tâm lý e ngại nhảy việc, đặc biệt khi bước sang năm mới với nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn.
Nguyên nhân
Trước hết, chúng ta nên nhìn nhận đây là kiểu tâm lý phổ biến, dễ xuất hiện ở phần lớn người lao động.
Nguyên nhân gây ra sự chán chường khá đa dạng, và mỗi người thường có một hoặc nhiều nguồn tác động. Một số lý do thường gặp gồm nhiệm vụ thiếu tính đổi mới, khó dung hòa cá tính riêng và môi trường công sở hay đồng nghiệp, quản lý xấu tính.
Không có gì sai khi bạn thừa nhận cảm xúc bức bách, khó chịu vì công việc. Song, nhiều người trẻ chưa thực sự hiểu rõ nguồn cơn của cảm giác chán ghét.
Thay vì dành thời gian tìm hiểu vấn đề, họ chỉ để luồng cảm xúc tiêu cực cuốn mình đi. Cứ như vậy, nơi làm việc dần trở thành một chốn cầm chân, thay vì là nơi để cống hiến, phát triển.
Mặt khác, gốc rễ của các động thái chần chừ, ngại đưa ra quyết định là tâm lý tự ti. Chẳng hạn, dù chưa bắt tay vào tìm kiếm, chúng ta vẫn có một niềm tin cố hữu rằng vị trí tương lai sẽ khó đáp ứng mức lương như hiện tại. Thậm chí, một số bạn trẻ đánh giá thấp bản thân đến mức không tin sẽ tìm được việc làm mới nếu quyết định rời đi.
Hậu quả
Với nhiều nhân viên, cố duy trì công việc là phương án hiệu quả khi chưa xác định được bước tiếp theo. Cuộc sống của họ vẫn sẽ thuận lợi nhờ đồng lương cố định.
Thực tế, mọi chuyện chưa bao giờ dễ dàng đến vậy. Lúc này, các bạn đang suy nghĩ và hành động dưới ảnh hưởng của tâm lý tạm bợ. Nghĩa là thay vì cố gắng lao động, tạo ra thành tựu như trước, bạn chỉ làm việc tùy hứng và không đặt tâm huyết vào từng nhiệm vụ được giao.
Thái độ lơ đễnh, kém chuyên nghiệp sẽ dẫn đến nhiều tổn thất trong tiến độ của cả tập thể. Tình trạng kéo dài, bạn càng dễ hủy hoại hình tượng tốt đẹp đã dày công tạo dựng bấy lâu, cũng như làm xấu đi mối quan hệ với những đồng nghiệp tử tế.
Bên cạnh đó, theo quan sát của tôi, những người trong trạng thái “thân ở đây, hồn nơi khác” kéo dài dễ đánh mất phong thái năng nổ và sự nhạy bén như thường ngày. Thay vào đó, họ lúng túng và suy nghĩ kém thấu đáo. Vì vậy, dù chần chừ trước đó, nhóm này lại có xu hướng nhảy việc bừa, chẳng hạn chạy theo làn sóng thay đổi việc làm hậu Tết Âm lịch.
Lúc này, có 2 khả năng sẽ xảy ra. Họ có thể tìm được vị trí khác, thoát khỏi sự nhàm chán đã kéo dài suốt thời gian qua. Tuy nhiên, vì thiếu quá trình chuẩn bị, tìm hiểu chu đáo, vòng lặp nhàm chán lại xuất hiện lần nữa.
Hoặc trong trường hợp tệ hơn, sự mơ hồ, thiếu tự tin của họ bị nhà tuyển dụng đánh giá thấp. Bỏ lỡ cơ hội mới, đồng thời rơi vào cảnh thất nghiệp là kết quả tất yếu.
Đừng vội "bỏ chạy"
Như đã nói, cảm giác chán việc, muốn thay đổi môi trường lao động là tâm lý bình thường với bất kỳ ai. Quan trọng hơn hết, bạn cần có những tính toán thấu đáo, hành động đúng đắn trước khi đưa ra lựa chọn quan trọng.
Đầu tiên, nhìn lại toàn quá trình gắn bó ở chỗ làm hiện tại một cách khách quan là nhiệm vụ quan trọng. Hãy liệt kê mọi lý do khiến bạn mệt mỏi, muốn rời đi và xác định mức độ ảnh hưởng của chúng đến tinh thần, năng suất làm việc cá nhân.
Sau đó, bạn cần cân nhắc xem liệu vấn đề có thể được sửa chữa không. Chẳng hạn, thái độ thờ ơ, lạnh lùng của đồng nghiệp khiến bạn lạc lõng, không tìm được sự giúp đỡ tại văn phòng.
Thay vì vội “bỏ chạy”, hãy thử chủ động làm ấm mối quan hệ với họ. Bạn không cần vồ vập, tỏ ra quá thân thiết với bất kỳ ai. Nhưng bằng những lời chào, câu hỏi thăm, cử chỉ chân thành mỗi khi gặp mặt, bạn sẽ tạo được hảo cảm với đồng nghiệp. Sau một thời gian kiên trì mà tình hình vẫn như cũ, lúc này quyết đoán rời đi cũng chưa muộn.
Ngoài ra, chúng ta cần xác định mục tiêu cụ thể trước khi tìm kiếm vị trí mới. Mức lương cao, sếp, đồng nghiệp tử tế, hay môi trường năng động, đâu là điều bạn kỳ vọng khi nhảy việc?
Đôi khi, thật khó để một công ty dung hòa mọi mong muốn của chúng ta. Thay vì đòi hỏi sự hoàn hảo, hãy đưa ra lựa chọn tùy theo lộ trình sự nghiệp mà bản thân hướng tới. Đồng thời, vội quyết định khi tinh thần còn mệt mỏi dễ đưa bạn đến kết quả tồi tệ, chẳng hạn thất nghiệp vì chạy theo trào lưu thôi việc. Hãy cho mình khoảng thời gian nghỉ ngơi, detox tinh thần nhằm có hướng đi mang về nhiều lợi ích nhất.
Cuối cùng, tôi mong các nhân sự trẻ tuổi sẽ luôn chủ động nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, rèn giũa thái độ trong ứng xử và làm việc cũng là điều cần được lưu ý. Duy trì quá trình hoàn thiện bản thân, bạn sẽ ở thế chủ động, được lựa chọn và nắm bắt những cơ hội tốt hơn trong tương lai.