Hiện nay, tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có một trạm dừng nghỉ tại km 41 thuộc địa phận huyện Long Thành (Đồng Nai). Hai tuyến cao tốc vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng là cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây (29/4) và cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết (19/5) với tổng chiều dài 200 km, chưa được xây dựng trạm dừng chân nào.
Đây là lý do khiến trạm dừng chân cao tốc TP.HCM - Long Thành – Dầu Giây trở nên quá tải, do lượng xe dừng lại, nghỉ chân quá lớn. Ước tính có đến hàng ngàn xe các loại dừng nghỉ cùng lúc vào một thời điểm nhất định, như buổi sáng, các ngày nghỉ cuối tuần,…
Theo thông tin từ Ban điều hành dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây (Ban điều hành), chủ đầu tư dự án là Ban quản lý Dự án Thăng Long (Ban Thăng Long) đã có phương án đầu tư xây dựng một trạm dừng chân trên tuyến cao tốc dài 99 km này. Hiện đơn vị này đang tìm kiếm, lựa chọn nhà thầu và có thể sẽ tiến hành xây dựng trong quý 1/2024.
Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban điều hành cho biết, trạm dừng chân trên cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây có thể sẽ được đặt tại vị trí km 47+500, thuộc địa bàn xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, giáp ranh với xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng xây dựng trạm dừng nghỉ cơ bản đã hoàn thành.
Đối với tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết dài 101 km, đây là tuyến hành trình cao tốc dài nhất trong các tuyến cao tốc ở các tỉnh phía Nam đã đưa vào sử dụng. Được biết, hiện Ban quản lý dự án này đã dự kiến đầu tư xây dựng bốn trạm dừng chân tại hai vị trí đối xứng nhau hai bên tuyến: Tại Km 144+560 (xã Phong Phú, huyện Tuy Phong) và Km 205+602 (xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc); mỗi vị trí sẽ xây hai trạm đối xứng nhau. Dự kiến, năm 2024 sẽ khởi công xây dựng.
Như vậy, sớm nhất cũng phải một năm sau mới có các trạm dừng chân trên hai tuyến cao tốc dài 200 km. Đây là một quãng thời gian không ngắn cho một hành trình dài trên tuyến cao tốc. Áp lực trước hết là đối với giới tài xế do phải lái xe với một khoảng thời gian khá dài, khả năng mất tự chủ, lo ra hay ngủ gật,… là điều có thể xảy ra. Đối với hành khách, những nhu cầu cá nhân là hết sức cần thiết khi phải di chuyển trên một đoạn đường dài. Chưa hết, nếu một khả năng bất khả kháng xảy ra đối với xe, như hết xăng/dầu, nổ lốp,… thì tài xế sẽ rất khó khăn để xoay xở.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, khi xây dựng cao tốc, cần tính đến khả năng xây luôn các trạm dừng chân, đổ xăng,… để đồng bộ vừa khai thác hiệu quả vừa giải quyết các sự cố có thể xảy ra, đồng thời bảo đảm an toàn cho tài xế, hành khách, hàng hóa và xe trong quá trình di chuyển.
Cho đến nay, các dự án đường bộ cao tốc tại Việt Nam, hầu hết khi đầu tư xây dựng tuyến chính, đã không đồng thời xây dựng các trạm dừng chân, dừng nghỉ. Có tuyến cao tốc chỉ xây dựng với quy mô bốn làn xe hai chiều, mỗi chiều hai làn mà không có làn dừng khẩn cấp, chẳng hạn như dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (khánh thành và đưa vào sử dụng dịp 30/4/2022), mỗi chiều chỉ có hai làn xe cơ giới.
Vào tháng 4/2023, Bộ Giao thông vận tải đã có ý kiến chấp thuận giao các ban quản lý dự án cao tốc xác định vị trí và chuẩn bị chọn nhà đầu tư để xây dựng các trạm dừng nghỉ dọc tuyến cao tốc Bắc Nam. Theo đó, Bộ đã chấp thuận vị trí, quy mô tám trạm dừng chân trên toàn dự án cao tốc Bắc Nam phía đông tại các tuyến, gồm: Tuyến Mai Sơn – quốc lộ 45, tuyến Nghi Sơn - Diễn Châu, tuyến Diễn Châu - Bãi Vọt, tuyến Nha Trang - Cam Lâm, tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo, tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết và tuyến Phan Thiết - Dầu Giây.
Đối với một số trạm dừng nghỉ thuộc các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc Nam do Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, Bộ Giao thông vận tải thống nhất về nguyên tắc lựa chọn một số trạm dừng nghỉ để đưa vào mạng lưới trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc Nam.
Theo số liệu của Cục Đường bộ Việt Nam, trên toàn tuyến cao tốc Bắc Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau, sẽ có 39 trạm dừng chân; trong đó, năm dự án đã được đầu tư và đưa vào sử dụng, 2 dự án đang xây dựng, 32 trạm dừng còn lại đang trong giai đoạn thẩm định.
Hiện nay, trên toàn tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận, và sắp tới sẽ là Mỹ Thuận – Cần Thơ, hình thành tuyến thông suốt TP.HCM – Cần Thơ, có tổng chiều dài khoảng 135 km, chỉ có một trạm dừng chân trên tuyến TP.HCM – Trung Lương, được đặt tại Km 28+200 (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) do Công ty Thái Sơn thuộc Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2017. Trạm dừng chân này được xây dựng sau bảy năm tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương khánh thành và đưa vào khai thác (năm 2009).