Sau đại dịch, làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam đang mở ra cơ hội phát triển các vùng sản xuất lớn trên cả nước, trong đó có miền Trung - Tây Nguyên, kéo theo nhu cầu lớn về logistics tại khu vực này. Bên cạnh hàng container, lượng hàng rời xuất nhập khẩu ngày càng gia tăng. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cảng Chu Lai (Quảng Nam) thuộc công ty Giao nhận vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đã đẩy mạnh dịch vụ khai thác hàng rời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập hàng hóa, thu hút, gia tăng nguồn “chân hàng” về cảng.
Nhu cầu xuất nhập khẩu hàng rời gia tăng
Công ty Năng lượng sáng tạo Á Châu vừa xuất khẩu lô hàng viên nén gỗ số lượng lớn từ cảng Chu Lai sang Nhật Bản. Chỉ trong vòng 24 giờ, hơn 11.000 tấn viên nén đã được xếp lên tàu an toàn và nhanh chóng. Tính từ đầu năm đến nay, công ty đã xuất khẩu 130.000 tấn hàng rời qua cảng Chu Lai.
Theo ông Nguyễn Nhật Tiến - Giám đốc Công ty Năng lượng sáng tạo Á Châu, toàn bộ quy trình đăng ký, lên lịch, quá trình xếp dỡ được cảng kiểm soát chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi, giải phóng tàu nhanh chóng. Hệ thống cẩu Liebherr được tăng cường làm hàng (2 đến 3 cẩu làm hàng cùng một lúc) giúp đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Ông Phan Văn Kỳ - Giám đốc cảng Chu Lai cho biết: “Những năm gần đây, sản lượng hàng rời xuất nhập qua cảng gia tăng mạnh. Trung bình mỗi tháng chúng tôi tiếp nhận từ 35 đến 40 lượt tàu với hơn 90.000 tấn hàng, chủ yếu là viên nén, dăm gỗ và các mặt hàng như: muối, soda, cát, đá vôi… Hiện nay, hàng rời chiếm khoảng 30% tổng hàng hóa qua cảng”.
Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng đã thu hút nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, mở ra cơ hội hình thành các vùng sản xuất lớn, gia tăng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, trong đó có hàng rời.
Bên cạnh đó, sự khan hiếm nguồn cung nhiên liệu, khí đốt trên thế giới tạo ra cơ hội lớn cho mặt hàng viên nén, dăm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên (khu vực có lợi thế sản xuất mặt hàng này nhờ nguồn nguyên liệu dồi dào từ phế phụ phẩm ngành gỗ và phế phụ phẩm nông nghiệp).
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã hợp tác dài hạn với cảng Chu Lai để xuất nhập khẩu hàng rời như: Công ty Năng lượng sáng tạo Á Châu, Phú Tài, Thanh Thành Đạt, Nguyên liệu giấy Quảng Nam… và công ty Sun Paper (Lào).
Đầu tư nâng cao năng lực khai thác hàng rời
Trong thời gian qua, hoạt động xuất nhập khẩu hàng rời đóng vai trò quan trọng đối với cảng Chu Lai, cùng với hàng container, hàng lỏng và khí, góp phần nâng cao sản lượng, đa dạng hóa nguồn “chân hàng” qua cảng. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, cảng đã tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mở rộng bến bãi; xây dựng các giải pháp logistics trọn gói; đầu tư các thiết bị chuyên dụng; ứng dụng công nghệ, phần mềm trong hoạt động khai thác nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
So với hàng container, việc xếp dỡ, vận chuyển hàng rời thường phức tạp và cần nhiều trang thiết bị chuyên dụng để phù hợp với tính chất từng loại hàng. Cảng Chu Lai đã đầu tư đội xe đầu kéo chuyên dụng vận chuyển hàng từ các nhà máy và nâng cấp các trang thiết bị như: Hệ thống cẩu bờ, hệ thống băng chuyền, máy đào, máy xúc, máy ủi, hệ thống phễu rót, container xả đáy… Cảng còn trang bị gầu ngoạm - thiết bị chuyên dụng để xếp dỡ hàng rời có khối lượng nhẹ và không có kết cấu cụ thể như: Quặng, cát, muối, than đá… ra khỏi hầm tàu một cách dễ dàng, thuận tiện.
Hệ thống phễu rót phục vụ làm hàng đá vôi, muối...
Hiện nay, cảng Chu Lai đang hoàn tất các thủ tục đầu tư dự án bến cảng đón tàu 5 vạn tấn, đồng thời phối hợp với tỉnh Quảng Nam trình đầu tư xây dựng tuyến luồng mới Cửa Lở với độ sâu -13,2m và nạo vét luồng Kỳ Hà từ độ sâu -8,5m lên -10m, sẵn sàng đón tàu lớn.
Dự kiến, bến cảng mới với chiều dài hơn 365m sau khi đưa vào hoạt động (vào tháng 9/2023) sẽ tập trung phục vụ tàu container; khu vực bến cảng hiện hữu được sử dụng để khai thác hàng rời kết hợp hàng lỏng, khí…
Các dự án hoàn thành sẽ góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu xuất nhập khẩu tại khu vực; tạo động lực phát triển cảng Chu Lai trở thành đầu mối giao thương trong nước và quốc tế.