Theo Bloomberg, mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan đang gia tăng áp lực lên một trong những tuyến hàng hải đông đúc nhất thế giới.
Eo biển Đài Loan là tuyến đường chính cho tàu bè di chuyển từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan về phía tây. Khoảng 48% trong số 5.400 tàu container đang hoạt động di chuyển qua eo biển Đài Loan trong 7 tháng đầu năm.
Nếu tính riêng đội tàu lớn thứ 10, tuyến đường thủy này chiếm đến 88% lưu lượng. Đa phần tàu vận chuyển phục vụ các tuyến xuyên lục địa đến châu Âu.
Nếu tàu thuyền có ý định chuyển hướng qua vùng biển Philippines, hải trình có thể kéo dài thêm vài ngày. Bên cạnh đó, eo biển Luzon còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi bước vào mùa mưa bão ở Biển Đông.
Các chuỗi cung ứng, vốn đã quay cuồng kể từ đại dịch, đang phải vật lộn để phục hồi sau hàng loạt sự kiện như chiến sự Nga - Ukraine hay các đợt phong tỏa của Trung Quốc. Sự ổn định của tuyến hàng hải này có vai trò đảm bảo nguồn cung quần áo, thiết bị gia dụng, điện thoại di động và chất bán dẫn toàn cầu.
Chỉ số vận chuyển và vận tải biển TAIEX đã giảm tới 3,2% trong phiên giao dịch ngày 2/8. Đây cũng là một trong những chỉ số phụ có hiệu suất kém nhất trong chỉ số chứng khoán chuẩn của Đài Loan. Tương tự, cổ phiếu của hãng vận tải biển Đài Loan Evergreen Marine Corp cũng giảm khoảng 3,7%.
Đài Loan từ lâu đã là điểm nóng giữa Mỹ và Trung Quốc. Mối quan hệ giữa hai nước đặc biệt leo thang sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Trung Quốc hiện là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Do vậy, liên kết thương mại giữa các nước có khả năng đổ vỡ nếu phát sinh xung đột.
Nhìn lại chiến sự Nga - Ukraine, việc các cảng biển ở Biển Đen bị phong tỏa đã gây tê liệt thị trường hàng hóa và khiến giá cả leo thang. Hiện tại, thị trường thương mại thế giới đang bước vào giai đoạn cao điểm khi chỉ còn vài tháng nữa là đến mùa Giáng Sinh.