Hoạt động mua sắm tại Hải Nam đã bùng nổ trong thời kỳ đại dịch, thu hút nhiều người dân Trung Quốc đam mê mua sắm nhưng không thể đi du lịch nước ngoài. Điều đó đồng nghĩa khi đà phục hồi, chi tiêu tiêu dùng vẫn còn chậm chạp ở nhiều nơi trên cả nước, thì hoạt động mua sắm đã diễn ra mạnh mẽ ở đảo Hải Nam sau khi Chính phủ Trung Quốc kết thúc chính sách “Zero Covid” vào tháng 12/2022. Doanh số bán hàng miễn thuế trên đảo này đã tăng 20% trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay.
Bùng nổ chi tiêu xa xỉ trong nước
Theo Vogue Business, tương lai của chi tiêu xa xỉ của Trung Quốc có thể được nhìn thấy ở Hải Nam. Tại Triển lãm Sản phẩm Tiêu dùng Quốc tế Trung Quốc tại Hải Nam vào tháng 4 vừa qua, Kering, Richemont, Burberry, L'Oréal và Estée Lauder nằm trong số hơn 3.000 các công ty/thương hiệu xa xỉ đã xuất hiện để giới thiệu những sản phẩm mới nhất của họ. Nhờ đó, doanh số bán hàng trong tháng 4 của các trung tâm miễn thuế Hải Nam đạt mức trên 203% so với năm 2019, dữ liệu sơ bộ của Sandalwood cho biết.
Chính phủ Trung Quốc mới đây thậm chí đã công bố có kế hoạch nâng cao vị thế của đảo Hải Nam hơn nữa. Bắc Kinh đặt mục tiêu miễn thuế cho toàn bộ hàng hóa bán trên hòn đảo vào năm 2025. Chính sách này sẽ tạo ra một cú hích lớn cho lĩnh vực bán lẻ vốn đã rất ấn tượng của Hải Nam.
Sau năm 2025, bán lẻ miễn thuế sẽ không còn giới hạn trong 12 trung tâm thương mại hiện có thuộc sở hữu của các đại gia bán lẻ du lịch như China Duty Free. Thay vào đó, toàn bộ hòn đảo sẽ được miễn thuế. Về cơ bản, mức giá rẻ hơn từ 10 - 40% đối với các loại hàng hóa từ mỹ phẩm, rượu và các sản phẩm xa xỉ.
Thông báo này đã đạt được sức hút đáng kể trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc. Trên Weibo, hashtag “Hải Nam chuẩn bị thiết lập chính sách thuế quan độc lập” đã thu hút hơn 330 triệu lượt xem cho đến nay, với nhiều cư dân mạng suy đoán về việc động thái này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các chuyến đi trong tương lai của họ.
Tờ Bloomberg nhận định, trong tháng 4 năm nay, khoảng 62% chi tiêu xa xỉ của người tiêu dùng Trung Quốc diễn ra bên trong biên giới nước này, tăng từ mức 41% trong cùng tháng năm 2019 - trước Covid-19. Dữ liệu này lấy từ doanh số bán hàng do Sandalwood Advisors tổng hợp. Dù khách du lịch Trung Quốc đang dần đi du lịch nước ngoài trở lại, các nhà phân tích được Bloomberg khảo sát lưu ý, tỉ lệ mua sắm của khách du lịch Trung Quốc ở nước ngoài sẽ không trở lại như thời kì hoàng kim.
Những cải tiến trong thời kì đại dịch với các địa điểm mua sắm và dịch vụ khách hàng bên trong lãnh thổ Trung Quốc - bao gồm việc tăng doanh số bán hàng chớp nhoáng và các cuộc triển lãm khuyến khích mua hàng - có khả năng tiếp tục thúc đẩy sự chuyển hướng mua hàng trong nước. “Từ giờ trở đi, thị trường địa phương bên trong Trung Quốc đại lục sẽ chiếm hơn 50% tổng chi tiêu của người Trung Quốc", Jonathan Siboni, người sáng lập và giám đốc điều hành của Luxurynsight nhận định.
Trong tương lai, “chúng tôi trông đợi sự kết hợp chi tiêu địa phương cao hơn so với trước Covid-19 vì hàng xa xỉ hiện dễ tiếp cận hơn ở Trung Quốc đại lục sau nhiều năm mở rộng cửa hàng trên toàn quốc và ở Hải Nam", Agnes Xu, nhà đồng sáng lập và trưởng bộ phận nghiên cứu của Sandalwood cho biết.
Trong khi đó, các thương hiệu toàn cầu đang chuẩn bị nắm bắt xu hướng này, bao gồm SK-II của Procter & Gamble Co. Tháng trước, Giám đốc tài chính Andre Schulten của Procter & Gamble Co chia sẻ với các nhà phân tích rằng, công ty không nhận thấy “bất kì sự quay trở lại nào của người tiêu dùng Trung Quốc với kênh bán lẻ du lịch". Hầu hết khách hàng Trung Quốc đang ở châu Âu đi du lịch với tư cách cá nhân thay vì theo các nhóm du lịch lớn vốn phổ biến ở các khu vực mua sắm trên khắp thế giới, giám đốc tài chính của LVMH Jean-Jacques Guiony cho hay.
Nỗi lo của Hong Kong
Sự thay đổi này đang tác động đến cả những trung tâm xa xỉ truyền thống là Hong Kong và Macau - 2 đặc khu hành chính của Trung Quốc. LVMH, tập đoàn hàng xa xỉ hàng đầu thế giới, đang chuyển các nguồn lực ra khỏi Hong Kong và tập trung đầu tư nhiều hơn vào các thành phố đại lục bao gồm Thượng Hải và Thâm Quyến.
Từ trước đến nay, Hong Kong vẫn được hưởng vị thế đặc biệt là thiên đường mua sắm miễn thuế của Trung Quốc đại lục. Trong khi các quan chức lập luận rằng Hải Nam và Hong Kong sẽ bổ sung cho nhau chứ không phải cạnh tranh, thì sự thật là Hải Nam sẽ cung cấp một giải pháp thay thế hấp dẫn hơn cho người dân đại lục để mua sắm hàng xa xỉ.
Theo Jing Daily, Hải Nam lớn hơn nhiều so với Hong Kong về mặt địa lý và đường bờ biển dài của nơi này mang đến nhiều điểm tham quan tự nhiên để phát triển du lịch. Với giá cả cạnh tranh hơn và số lượng cửa hàng bán lẻ lớn hơn để lựa chọn, Hải Nam có thể trở thành điểm đến mua sắm hàng đầu của người tiêu dùng Trung Quốc. Thật vậy, một số nhà phân tích Trung Quốc tin rằng Hải Nam sẽ trở thành “Hong Kong + Florida” vì nó đồng thời tự hào có nguồn tài nguyên du lịch và bán lẻ to lớn.
Ngoài ra, sáng kiến này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tiêu dùng địa phương. Cho đến nay, những khách hàng mua sắm tại các trung tâm mua sắm miễn thuế của Hải Nam chỉ có thể sử dụng các sản phẩm đã mua sau khi rời đảo. Trong tương lai, có thể Hải Nam sẽ cho phép tiêu thụ tại chỗ các mặt hàng miễn thuế, điều này sẽ tiếp tục giải phóng khả năng chi tiêu của người dân và khuyến khích du khách kéo dài thời gian lưu trú. Hơn nữa, như nhiều quan chức đã đề cập trên truyền thông, Hải Nam sẽ nâng cấp ngành khách sạn của mình để đáp ứng lượng du khách lớn hơn.
Chắc chắn rằng, Hải Nam không phải không có những thách thức riêng. Nơi đây vẫn chưa phải là một khu vực phát triển bậc nhất ở Trung Quốc. Vào năm 2022, Hải Nam đã tạo ra GDP là 99,1 tỷ USD, tăng 0,2 % so với cùng kỳ năm ngoái, xếp thứ 28 trong số 31 tỉnh của Trung Quốc.
Hòn đảo này cũng thua xa GDP năm 2022 của Hong Kong là 363,4 tỷ USD. Thu nhập khả dụng bình quân đầu người của Hải Nam năm ngoái là khoảng 4.500 USD, thấp hơn mức trung bình toàn quốc là 5.362 USD. Do đó, sẽ cần thời gian để hòn đảo này trở thành điểm đến "bắt buộc" của các nhãn hiệu quốc tế lớn.