Tony Fernandes, nhân vật gắn liền với cuộc cách mạng hàng không giá rẻ ở châu Á, đang có kế hoạch chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm tại AirAsia để tập trung nhiều hơn vào những lĩnh vực như y tế, giáo dục và vốn cổ phần tư nhân.
Quyết định được doanh nhân 58 tuổi người Malaysia đưa ra trong bối cảnh ngành hàng không đang hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch. Giống như các hãng khác, tập đoàn AirAsia do Fernandes sáng lập đã gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây. AirAsia Nhật Bản và Ấn Độ buộc phải phá sản, nhưng tập đoàn vẫn hoạt động tốt tại các thị trường Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines, hơn nữa còn có kế hoạch xâm nhập thị trường Campuchia.
Lớn nhanh như thổi
Fernandes, người lớn lên ở Malaysia và Anh, bắt đầu bước chân vào ngành hàng không khi ngoài 30 tuổi. Tháng 9/2001, ông mua AirAsia từ 1 tập đoàn nhà nước với giá 1 ringgit tròn trĩnh, tương đương khoảng 0,3 USD theo tỷ giá ở thời điểm đó.
Khởi đầu chỉ với 2 chiếc máy bay, AirAsia tái định vị là 1 hãng hàng không giá rẻ vào tháng 1/2002 với các chuyến bay nội địa có giá vé chỉ từ 3 USD, thậm chí trong các dịp khuyến mại còn có vé 0 đồng. Đầu năm 2004, AirAsia bắt đầu khai thác các chặng từ thủ đô Kuala Lumpur tới nhiều điểm đến quốc tế.
Với khẩu hiệu “Giờ đây ai cũng có thể bay”, những chiếc máy bay màu đỏ và trắng của AirAsia trở thành lựa chọn được ưa thích của các hành khách muốn tới những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Đông Nam Á như Bangkok, Singapore, Jakarta và Phnom Penh. AirAsia góp phần không nhỏ giúp ngành hàng không Đông Nam Á bùng nổ, đáp ứng nhu cầu bay của tầng lớp trung lưu mới nổi có nhu cầu du lịch rất cao.
Fernandes cũng gần như trở thành gương mặt đại diện của công ty. Ông là nhân vật nổi tiếng, truyền cảm hứng cho nhiều người, thường xuyên xuất hiện trước công chúng. Ông đồng sở hữu cả 1 đội đua Công thức 1, 1 đội bóng đá ở London và là host của chương trình “Người tập sự” phiên bản châu Á.
“Fernandes thực sự là người tiên phong trong lĩnh vực hàng không giá rẻ ở châu Á, một người có tầm nhìn đã giúp rất nhiều người có thể đi lại bằng đường hàng không nhờ mức giá rẻ”, Tim Bacchus, chuyên gia phân tích của Bloomberg Intelligence ở Hong Kong nói.
Giờ đây Fernandes đang đặt mục tiêu áp dụng những kinh nghiệm ở AirAsia trong những lĩnh vực khác. “Tôi rất thích mô hình vốn cổ phần tư nhân với cách quản lý chủ động và giúp những người trẻ tuổi tạo ra sự thay đổi”, ông chia sẻ với phóng viên Bloomberg. “Tôi tin rằng trong lĩnh vực y tế và giáo dục cũng có thể áp dụng mô hình giá rẻ. Đây là 2 lĩnh vực thể hiện rõ nhất chênh lệch giàu nghèo”.
Cơ hội gõ cửa
Fernandes tốt nghiệp ngành kế toán tại Trường Kinh doanh London năm 1987. Sau đó ông làm mảng tài chính tại công ty truyền thông Virgin Media Communications của tỷ phú Richard Branson. Năm 2011, Branson từng ăn mặc như 1 tiếp viên hàng không trên 1 chuyến bay từ thiện của AirAsia sau khi thua cược với Fernandes.
Năm 1992, ông quay trở lại Kuala Lumpur và trở thành lãnh đạo cấp cao ở Warner Music Malaysia. Năm 2001, ông thế chấp ngôi nhà đang ở để thành lập Tune Air cùng các cộng sự, sau đó chính công ty này đã mua lại AirAsia.
Fernandes từng chia sẻ ông nhìn thấy cơ hội bước chân vào ngành hàng không khi đang ngồi ở 1 quán bar tại London xem Stelios Haji-Ioannouon, nhà sáng lập EasyJet, phát biểu về hàng không giá rẻ. Đó cũng là thời điểm mà những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch như Lastminute.com bắt đầu thu hút được nhiều sự chú ý và trở thành “con cưng” của các nhà đầu tư.
Những đơn hàng khổng lồ
Airbus đã được hưởng lợi lớn từ hiện tượng AirAsia khi hãng hàng không này trở thành một trong những khách hàng lớn nhất của nhà sản xuất máy bay đến từ châu Âu. Tại triển lãm Farnborough Air Show năm 2014, Fernandes đã ký hợp đồng trị giá gần 14 tỷ USD đặt hàng 50 chiếc máy bay thân rộng do Airbus sản xuất.
AirAsia X, đơn vị chuyên khai thác những chuyến bay đường dài, là khách hàng hàng đầu của dòng máy bay thân rộng Airbus A330neo. Tổng giá trị đơn đặt hàng lên đến khoảng 23 tỷ USD.
Tuy nhiên những chặng bay đường dài giá rẻ cuối cùng lại không mấy thành công vì tất cả những lợi thế mà hàng không giá rẻ có được trên những chặng bay ngắn hoàn toàn bị triệt tiêu, theo Robert Mann, chuyên gia đang làm việc tại hãng tư vấn R.W.Mann. “AirAsia X không phải là ngoại lệ dù ban đầu có lẽ Fernandes tự tin ông sẽ tạo nên sự khác biệt”.
Chặng đường đầy thử thách
Năm 2020, Fernandes từ chức CEO AirAsia giữa lúc bị giới chức Anh điều tra do nghi ngờ hối lộ liên quan đến 1 đơn đặt hàng với Airbus (sau đó ông được tuyên bố vô tội). Hiện nay ông cũng đang bị giới chức Ấn Độ điều tra.
Năm 2014, AirAsia đối mặt với 1 thảm họa khi 1 chiếc máy bay gặp nạn ở vùng biển Indonesia, khiến 162 người tử vong. Nguyên nhân gây ra thảm họa được cho là do phi công mắc lỗi và linh kiện máy bay có vấn đề.
Gần đây, Covid đã mang đến cho toàn ngành hàng không những thách thức chưa từng thấy. Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) ước tính các hãng trên toàn thế giới đã thiệt hại 200 tỷ USD trong 3 năm qua. Thị trường chủ chốt là Trung Quốc có 1 thời gian dài đóng cửa với các chuyến bay quốc tế và sẽ phải mất ít nhất 1 năm nữa tính từ thời điểm hiện tại để đạt được lượng hành khách ngang bằng với thời điểm trước dịch.
Đối với AirAsia, lượng hành khách giảm mạnh từ gần 52 triệu trong năm 2019 xuống chỉ còn 4,8 triệu trong năm 2021. Gần 200 chiếc máy bay trong đội bay hùng hậu của hãng đã phải “nằm im” vì các lệnh phong tỏa khiến nhu cầu giảm xuống gần như bằng 0.
Đại dịch qua đi, nhu cầu đi lại đã hồi phục nhưng các hãng lại phải đối mặt với giá nhiên liệu tăng cao và nền kinh tế nói chung diễn biến không mấy thuận lợi khiến nhu cầu bị hạn chế. Bên cạnh đó, thời hoàng kim của vé máy bay siêu rẻ có lẽ đã trở thành dĩ vãng khi mà các hãng đều cố gắng bù đắp những năm tháng lỗ nặng vừa qua.
Dẫu vậy AirAsia vẫn bán vé khứ hồi giá 70 USD từ Kuala Lumpur tới Singapore dịp nghỉ lễ Lao động tháng 5. Trên Booking.com, giá vé rẻ nhất của Singapore Airlines đối với cùng chặng và cùng ngày bay lên tới 186 USD.
Cuộc đại cải tổ
Mặc dù mảng hàng không vẫn lấy thương hiệu AirAsia, Fernandes đã thực hiện 1 cuộc cải tổ lớn trong năm ngoái, đổi tên mảng này thành Capital A Bhd. Ông cũng cho ra mắt siêu ứng dụng có thể được sử dụng để đặt vé máy bay, phòng khách sạn, xe taxi và cả đồ ăn cũng như các dịch vụ fintech.
Fernandes cho biết thay đổi thương hiệu là để phản ánh mối quan tâm của tập đoàn không chỉ dừng lại ở hàng không mà còn đầu tư vào nhiều mảng khác liên quan đến du lịch và lối sống. AirAsia không còn đơn thuần chỉ là 1 hãng hàng không.
Capital A kỳ vọng đến năm 2026 các mảng ngoài hàng không sẽ đóng góp khoảng 50% doanh thu của tập đoàn. Khi đó Fernandes có thể vui vẻ trao lại “đứa con tinh thần” AirAsia cho người kế nhiệm và tập trung vào những lĩnh vực khác.