Trong chuyến đi thăm Chiang Rai (Thái Lan) hồi tháng 7, một gia đình 5 thành viên người Singapore đã gọi một tô mì cho bữa tối tại nhà hàng khách sạn.
"Tôi đã xem kỹ thực đơn và thấy một hình lá cần sa nhỏ bên cạnh hình ảnh món ăn", Sueanne, người vợ, cho biết họ khá sốc vì không nghĩ cần sa lại có thể xuất hiện trong một món ăn bình thường được bày bán trong một nhà hàng bình thường thay vì trong cửa hàng chuyên kinh doanh.
Ngoài ra, cô cũng cho hay nhà hàng không để một dấu hiệu nào khác trong tên hay mô tả của món ăn để nói rằng nó chứa cần sa. Nhân viên phục vụ cũng không hỏi thêm gì tôi.
"Nếu lúc đó tôi để ý đến logo lá cần hay được nhân viên nhắc nhở, chắc chắn tôi sẽ không gọi món này", Sueanne nói thêm với Straits Times rằng cô cảm thấy thật may mắn khi 2 con đã không ăn món này.
Mặc cho đã có quy định các nhà bán lẻ và cung cấp phải dán nhãn hoặc thông báo với người mua rằng sản phẩm họ có chứa cần sa, một số du khách như Sueanne vẫn không tránh khỏi lo lắng.
"Nó được nấu trong canh như một loại rau bình thường và trông y chang rau muống", cô cho biết mình không gặp bất kỳ thay đổi nào sau khi ăn nó.
Tháng 6/2022, Thái Lan chính thức hợp pháp hóa cần sa. Các sản phẩm có chứa/tẩm cần sa đang xuất hiện ngày một phổ biến tại các nhà hàng, siêu thị và cửa hàng tiện lợi ở Thái lan trong 3 tháng qua. Cần sa có mặt trong mọi thứ, từ lẩu tẩm cần sa, gói gia vị cần sa và thậm chí cả sản phẩm chăm sóc da bằng cần sa.
Lỗ hổng pháp lý
Các nhà chức trách Thái Lan đã dần nới lỏng hạn chế đối với cần sa khi quốc gia này trở thành nước Đông Nam Á đầu tiên hợp pháp hóa sử dụng cần sa trong y tế vào năm 2018.
Tháng 2/2021, Thái Lan đã cho phép sử dụng cần sa trong thực phẩm và đồ uống nếu lượng tetrahydrocannabinol (THC) - thành phần tạo ra tác động tâm sinh lý chính của cần sa - nhỏ hơn 0,2% khối lượng của sản phẩm.
Tháng 6/2022, Thái Lan chính thức cho phép người dân trồng và sở hữu cây cần sa và cây gai dầu. Các nhà chức trách cho biết điều này sẽ thúc đẩy việc sử dụng cần sa vào y tế và tạo ra lợi ích kinh tế vì mọi người có thể trồng cây cho mục đích thương mại.
Đất nước này cũng có một số luật như cấm bán cần sa và các chế phẩm liên quan cho người dưới 20 tuổi và phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. Tuy nhiên, luật này chỉ là tạm thời. Thái Lan cũng đang tồn tại một lỗ hổng pháp lý về cần sa khi đưa nó ra khỏi danh sách chất ma túy.
Khi Thái Lan tuyên bố mở cửa biên giới và du lịch, nhiều du khách cảm thấy bối rối trước cần sa vì ở đất nước họ vẫn xem đây là một loại ma túy.
Lim Ai Shi (30 tuổi, người Singapore) trong chuyến nghỉ mát ở Phuket gần đây đã né tránh một số cửa hàng bán cần sa vì lo ngại sẽ có dấu vết của cần sa bám vào quần áo, tư trang.
"Có thể tôi lo hơi xa đấy, nhưng ai biết tôi sẽ gặp rắc rối gì khi nhập cảnh vào Singapore", cô nói.
Luật ma túy của Singapore quy định công dân cũng như thường trú nhân bị phát hiện tiêu thụ các loại ma túy như cần sa ở nước ngoài vẫn có thể bị kết tội tiêu thụ ma túy khi về nước.
"Tuy nhiên, nếu một người chứng mình được họ chỉ vô tình tiêu thụ ma túy thì họ không có tội", Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Pháp luật Singapore K. Shanmugam trả lời nghị sĩ hồi tháng 9.
Cục Ma túy Trung ương Singapore (CNB) cho biết họ không có số liệu thống kê về số người vô tình tiêu thụ cần sa. Cơ quan này cũng nói thêm rằng bất kỳ ai có kết quả xét nghiệm nước tiểu dương tính với cần sa hoặc các loại ma túy khác sẽ bị điều tra, bất kể họ đã tiêu thụ cần sa như thế nào.
Không cấm, chỉ khuyên
Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) khuyên du khách nên nghiên cứu và tuân thủ các quy định về cần sa và cây gai dầu ở đất nước họ sẽ đến tiếp theo.
Theo luật pháp Thái Lan, đồ ăn và thức uống có cần sa không được chứa nhiều hơn 0,2% THC trọng lượng của sản phẩm. Những mặt hàng này cũng phải được dán nhãn rõ ràng cho biết chúng chứa cần sa.
"Điều này sẽ giúp du khách tránh vô tình tiêu thụ cần sa dẫn đến phạm tội tại quốc gia hoặc điểm đến tiếp theo của họ", TAT nói.
Một số người bán hàng ở các điểm nóng du lịch tại Thái Lan như Chợ Chatuchak cũng đã treo biển không được phép sử dụng cần sa tại các quán ăn với hy vọng du khách có thể giảm bớt lo lắng.
"Có một chuỗi nhà hàng nhưng tôi chỉ bán chế phẩm từ cần sa tại một tiệm duy nhất vì quy trình đăng ký với chính phủ rất phức tạp. Vả lại, bán bánh vị cần sa cũng chẳng tăng bao nhiêu doanh thu", anh Kreephet Hanpongpipat (33 tuổi, người điều hành một chuỗi cửa hàng tráng miệng nổi tiếng Thái Lan có bán bánh có hương vị cần sa) cho biết.
Các món ăn dán nhãn có chứa cần sa cũng xuất hiện trong thực đơn tại một chuỗi nhà hàng khác ở Bangkok và Chiang Mai.
"Tôi tin người dân địa phương và du khách đến đây chỉ để trải nghiệm ẩm thực thay vì để phê pha", Quản lý nhà hàng Nuttapong Lenglerdphol cho biết thêm nhân viên nhà hàng cũng được huấn luyện phải cảnh báo thực khách không nên ăn quá nhiều món có chứa cần sa cũng như các nhóm trẻ em, phụ nữ mang thai cần thận trọng với những món này.
Không chỉ nhà hàng, các cửa hàng chuyên bán cần sa, búp cần sa và dụng cụ hút cần sa cũng mọc lên như nấm ở Thái Lan. Không khó để bắt gặp một biểu tượng lá cần sa lớn, rực rỡ xuất hiện tại mặt tiền một cửa hàng trên đường phố quốc gia này.
"Hầu như du khách đến đây đều đã có kinh nghiệm sử dụng chất này, trong đó có khá nhiều người Singapore", những chủ cửa hàng bán cần sa tiết lộ với Straits Times.
Dự luật về cần sa của Thái Lan đã bị rút lại trước phiên họp thứ 2 vì một số nhà lập pháp cho rằng nước này thiếu những điều khoản đầy đủ để ngăn chặn việc làm dụng chất này. Điều này có thể trì hoãn quy định việc sử dụng cần sa rộng rãi cho mục đích giải trí tới năm 2023.
"Chúng tôi sẽ thay đổi để tôn trọng luật pháp. Nhưng chúng tôi hy vọng mọi người biết rằng sử dụng cần sa không xấu nếu không nhà nước có thể kiểm soát được việc lạm dụng nó", anh Ong-ard Panyachatiraksa, chủ một cửa hàng bán cần sa cho biết.