Ngày 25/11, sự kiện giảm giá nổi bật hàng đầu thế giới - Black Friday, hay còn gọi là “Thứ sáu đen tối” được hưởng ứng ở nhiều quốc gia. Người tiêu dùng mong đợi những chương trình khuyến mãi với mức giảm sâu đậm từ các doanh nghiệp bán lẻ trên toàn thế giới. Thông thường (theo đúng tinh thần của ngày này) các mặt hàng, nổi bật là ngành hàng thời trang, sẽ được giảm giá mạnh, lên đến 70-90%.
Black Friday được xem là một trong những lễ hội mua sắm đáng mong đợi nhất hành tinh. Ảnh: Teamgate.
Thời trang được quan tâm hàng đầu
Theo trang History, tiền thân của “Thứ sáu đen tối” được xem là khoảng thời gian sau ngày Lễ Tạ Ơn và trước dịp Giáng sinh của các tín đồ Thiên chúa giáo cuối thế kỷ 19. Tuy nhiên, cụm từ Black Friday chính thức xuất hiện vào năm 1962 sau sự kiện hàng trăm nghìn người Mỹ tại Philadelphia chen chúc nhau ở các khu mua sắm, để sửa soạn cho Lễ Noel.
USA Today cho rằng ngày Black Friday lần đầu được nhắc tới vào năm 1939, khi Franklin D. Roosevelt - Tổng thống thứ 32 của Mỹ đứng trước sức ép dư luận về việc chuyển Lễ Tạ Ơn từ ngày thứ năm cuối cùng thành thứ năm lần thứ 4 trong tháng 11, với mục đích kéo dài mùa mua sắm Giáng Sinh.
Khi đó, “in the black” ám chỉ cho việc các doanh nghiệp kinh doanh sinh lợi nhuận, trái ngược với “in the red” nói về tình trạng làm ăn thua lỗ. Bên cạnh Cyber Day hay Boxing Day, Black Friday trở thành một trong những dịp mua sắm hấp dẫn bậc nhất của người tiêu dùng. Và đặc biệt là những người quan tâm mặt hàng thời trang, quần áo.
Trang Archive and Public Culture cho biết việc mặc quần áo, giày dép,... bắt nguồn từ truyền thống không thể thiếu trong dịp Giáng sinh. Khoảng những năm 1800s, người theo đạo Thiên chúa quan niệm rằng bộ quần áo mới đại diện cho cho sự ra đời và tính thuần khiết của Chúa trong đêm Noel. Do đó, thời trang trở thành ngành hàng được ưa chuộng trong những ngày mua sắm tiền Giáng sinh, cụ thể là Black Friday.
Theo thống kê của trang Black Friday Global, thời trang đứng đầu danh sách các mặt hàng được mua nhiều nhất trong ngày Black Friday tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Ở Việt Nam, các thương hiệu thời trang và người tiêu dùng đều hưởng ứng phong trào mua sắm vào mùa Black Friday. Ảnh: Thanh Thương.
Những "kẻ khổng lồ" chối từ Black Friday
Tuy nhiên, có một thực tế rằng, giới mộ điệu thời trang, nhất là thời trang xa xỉ vẫn khó có cơ hội mua đồ giảm giá nhân ngày "Thứ sáu đen tối".
Với các thương hiệu thời trang thuộc phân khúc cao cấp như Louis Vuitton, Gucci hay Chanel, người tiêu dùng dường như khó bắt gặp những tấm băng rôn khuyến mãi tại cửa hàng của họ.
Theo quan sát của Zing tối 25/11, những cửa hàng của Louis Vuitton, Dior hay Hermès ở TP.HCM khá vắng vẻ, đìu hiu. Không khí ở các cửa hàng này vẫn như những ngày thường, thậm chí còn vắng hơn, trái ngược với cảnh đông đúc, thậm chí xếp hạng ở nhiều cửa hàng thời trang khác.
Theo chuyên gia Tim Jackson - Trưởng khoa Thời trang tại Trường đại học Glasgow Caledonian tại London, những nhà mốt nổi tiếng thường không hưởng ứng dịp Black Friday do việc giảm giá trị thương hiệu và mối quan hệ với khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề.
Tuy nhiên, người tiêu dùng với mong muốn mua sắm hàng hiệu với giá hời hơn trong dịp Black Friday cũng không hẳn là bất khả thi.
Năm nay, các nhà bán lẻ uy tín như Farfetch, Norstorm, Lyst... vẫn có mức giảm giá lên đến 50% vào ngày Black Friday cho những sản phẩm thuộc phân khúc thời trang cao cấp.
Đây cũng là một trong những phương thức bán hàng của những hãng thời trang xa xỉ. Thông thường, các nhà bán lẻ thời trang sẽ mua hàng từ thương hiệu theo phương thức sỉ, tức giá cả sẽ thấp hơn nhưng số lượng nhập hàng sẽ cao. Do đó, việc người tiêu dùng chi tiêu cho các sản phẩm thời trang cao cấp thông qua đơn vị bán lẻ sẽ giúp các nhà mốt dễ dàng có những đợt xuất hàng với số lượng lớn sau dịp Black Friday.
Trái ngược với cảnh đông đúc dịp Black Friday, cửa hàng Louis Vuitton ở TP.HCM dịp vẫn có không khí như ngày thường. Ảnh: Huỳnh Duy.
Tuy nhiên, nghịch lý của các thương hiệu thời trang cao cấp đến từ việc tiêu hủy số lượng hàng tồn mỗi năm thay vì mở đợt giảm giá. Theo báo cáo thường niên của nhãn hàng Burberry tại Anh, tổng số hàng hóa bị tiêu hủy trong giai đoạn từ 2012 đến 2017 có giá trị 90 triệu bảng Anh.
Theo các nhà phân tích, những nhà mốt thời trang hàng đầu như Louis Vuitton, Chanel, Hermès... vẫn nằm trong danh sách tiêu hủy hàng tồn những năm qua nhưng vẫn tuyệt đối nói không với các chương trình giảm giá.
Trên tờ Mascola, tác giả bài viết "Black Friday là cuộc chơi khác biệt cho các thương hiệu thời trang xa xỉ" cho biết phân khúc thời trang cao cấp cần tìm cách giữ nguyên chất lượng, dịch vụ và thông điệp của các sản phẩm nếu được giảm giá trong mùa Black Friday.
Phân khúc tầm trung và đại trà giảm giá như thế nào?
Theo khảo sát của phóng viên Zing, dịp Black Friday năm nay tại Việt Nam, những thương hiệu thời trang có phần khúc tầm trung (Mid-end) vẫn hưởng ứng ngày Black Friday với mức khuyến mãi tầm 40%. Theo đó, cá sấu nước Pháp - Lacoste đã có màn giảm giá khá nhẹ nhàng so với mặt bằng chung tại thị trường Việt Nam với ưu đãi cao nhất là 30%.
Tuy xếp sau các thương hiệu thời trang lớn như Louis Vuitton hay Dior, các thương hiệu trong phân khúc này vẫn mang danh quốc tế, khiến họ chưa mạnh tay giảm giá nhằm giữ giá trị riêng biệt với thị trường nội địa, điển hình là MLB. Thay vì tung ra các mức khuyến mãi thông thường, thương hiệu này thực hiện ưu đãi như tặng voucher khi người mua đạt giá trị đơn hàng nhất định; giảm giá 10% cho tổng đơn hàng gồm 2 sản phẩm và 15% với 3 sản phẩm - áp dụng với cả các món hàng đã được giảm giá sẵn trong cửa hàng.
Trở lại với phân khúc đại trà (Mass Market) và các thương hiệu thời trang nội địa tại Việt Nam, Black Friday được xem là sân chơi lớn khi hàng loạt sản phẩm thời trang được bán ra với mức giá khá hấp dẫn. Với các thương hiệu như Zara hay H&M, người tiêu dùng Việt Nam có thể mua được chiếc áo bomber hay áo khoác vải dệt dày dặn chỉ với giá tiền của 2 đôi tất cùng thương hiệu được bán tại cửa hàng.
Một local brand Việt dành cho giới trẻ thông báo giảm giá. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, mức giảm không cao như những biển/poster quảng cáo. Ảnh: Huỳnh Duy.
Bên cạnh đó, những thương hiệu thời trang nội địa, nổi bật là SSStutter của phân khúc đồ nam hay Miều với thời trang nữ, hưởng ứng dịp Black Friday với mức khuyến mãi cao nhất là 70%. Trên thực tế, những món hàng được giảm giá sâu đậm từ các thương hiệu này vẫn đảm bảo về chất lượng, số lượng, kích cỡ cho đến khâu phục vụ. Từ đó, người tiêu dùng hoàn toàn có thể sở hữu trọn vẹn bộ đồ gồm áo sơ mi và quần tây, với mức giá chưa đến 300 nghìn đồng.
Song, một số thương hiệu thời trang nội địa vẫn treo băng rôn giảm giá khá hấp dẫn nhưng không thực sự đảm bảo chất lượng của sản phẩm, khiến người mua thất vọng. Khách hàng Minh Quý (26 tuổi) chia sẻ: "Nhiều thương hiệu chỉ thông báo giảm giá cho có, điển hình như Some How. Tôi vào cửa hàng quy mô 3 tầng lầu gồm sản phẩm cho nam giới lẫn nữ giới, doanh nghiệp này đã đặt kệ hàng giảm giá 80% ở góc trưng bày. Nhưng khi vào thì hàng giảm 80% rất thưa thớt với những sản phẩm lỗi mốt, thiếu size. Phần giảm 10% - 20% cũng không ấn tượng, số còn lại không giảm gì".
Thái Hòa - một bạn trẻ khác - chung quan điểm: "Tôi vào khu The Play Ground với đồ local brand cho Gen Z, nhiều brand treo biển giảm 70% nhưng thực tế từng mặt hàng chỉ giảm 10%, đến 20%, nhiều mẫu khác không hề giảm. Nếu không giảm, tôi nghĩ không nên treo biển hay poster thông báo giảm giá mạnh dịp Black Friday".