Thời gian gần đây, trên các hội nhóm du dịch xuất hiện những bài đăng tố các đơn vị, đại lý bán tour du lịch rồi quỵt tiền hay các cá nhân rủ rê lập nhóm leo núi để trục lợi, số tiền lên đến hàng chục triệu đồng. Bằng công cụ quảng cáo trên mạng xã hội, các đơn vị kinh doanh du lịch có thể dễ dàng tiếp cận với đối tượng khách hàng mục tiêu. Đó cũng là cách mà các đối tượng xấu sử dụng để lừa đảo du khách.
Mới đây, N.N.Q.H. (sống tại Hà Nội) đã đăng bài trên một nhóm với hơn 87.000 thành viên, tố cáo việc bị đơn vị Trekking Viet Nam lừa đảo, quỵt 12 triệu đồng tiền tour tham quan Phong Nha.
Tạo trang bán tour lừa tiền du khách
Nhóm du khách của Q.H. gồm 3 người đã đặt tour khám phá - trải nghiệm Phong Nha 3 ngày 2 đêm với giá 3,85 triệu đồng/khách, dự kiến xuất phát ngày 14/4 tại Hà Nội. Đến ngày khởi hành, nhóm du khách vẫn không nhận được thông tin thời gian và địa điểm đón. Khi được hỏi, đại diện Trekking Viet Nam cho biết thời tiết xấu, không đảm bảo an toàn cho cả đoàn nên buộc phải hủy tour và cam kết bảo lưu chi phí tour vĩnh viễn cho đoàn hoặc hoàn lại 100% chi phí tour sau 10 ngày.
Tuy nhiên sau nhiều ngày chờ đợi, nhóm du khách vẫn chưa nhận được tiền hoàn lại như đã thỏa thuận. Q.H. đã nhiều lần nhắn tin cho Trekking Viet Nam yêu cầu được hoàn trả số tiền trên nhưng đại diện đơn vị chỉ ậm ờ, đưa ra những lý do như đang dẫn khách trekking trong rừng, không có sóng điện thoại để trì hoãn.
Đến ngày 11/5, sau khi nữ du khách đăng bài tố cáo, bên phía Trekking Viet Nam đã không còn phản hồi tin nhắn hay nghe máy nữa. “Trong mấy hôm tới, tôi sẽ thu thập bằng chứng và trình báo cơ quan công an trong khu vực”, nữ du khách nói.
Đây không phải là lần đầu đơn vị này bị du khách tố cáo quỵt tiền tour. Chia sẻ với Zing, du khách V.H. (Hà Nội) cho biết mình từng bị Trekking Viet Nam lừa đảo với cách thức tương tự. “Khi nhìn thấy quảng cáo tour trekking Kỳ Quan San của đơn vị này, tôi đã tìm đọc review, thấy đánh giá không tệ nên quyết định đặt tour trekking ngày 17-19/2 với giá 4 triệu đồng”, chị V.H. nói.
Với lý do nhóm 6 du khách ghép tour ngày hôm đó có việc bận, đơn vị đã thông báo hủy tour và sẽ hoàn lại tiền. Tuy nhiên đơn vị không hoàn tiền như đã trao đổi dù nữ du khách nhắn tin nhắc nhở nhiều lần. “Giờ thì bên phía Trekking Viet Nam không nghe điện thoại của tôi nữa”, chị nói.
Lợi dụng tâm lý sợ phiền phức khi nhờ công an can thiệp, số tiền cũng chỉ vài triệu đồng, những đối tượng xấu đã thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của du khách.
Một số cá nhân còn lợi dụng, lừa đảo bằng hình thức đăng bài rủ đi phượt, leo núi vào các dịp cuối tuần trong các hội nhóm. Vì các cung leo núi thường cần người dẫn đường, nhiều trekker lần đầu leo cung đường đó bị sa lưới. Các đối tượng thường thu tiền trước rồi biến mất hoặc có hành vi thu chi không minh bạch trong chuyến đi để trục lợi.
Thông tin tràn lan, khó xác thực
Giữa hàng trăm, hàng nghìn đơn vị, cá nhân bán tour, để chọn được đơn vị uy tín là một khách thức dành cho du khách. “Khi phát hiện mình đã bị lừa tôi mới biết Trekking Viet Nam không phải là công ty cũng như không có văn phòng đại diện”, chị Q.H. nói.
Người này cho biết đã nhiều lần nhìn thấy quảng cáo tour của đơn vị này trên Facebook. “Trước khi đặt tour, tôi đã kiểm tra trang của Trekking Viet Nam. Khi thấy số lượt thích trang lên đến 15.000, có website rõ ràng, cộng thêm việc có nhiều lượt bình luận và chia sẻ nên tôi nghĩ có thể tin cậy được”, nữ du khách nói.
Các đối tượng xấu sử dụng nhiều hình thức khác nhau để tạo niềm tin cho khách hàng như đặt tên gần giống với các công ty du lịch lớn, mua lại những tài khoản mạng xã hội có nhiều lượt theo dõi, sử dụng nhiều tài khoản ảo để bình luận tăng độ tin cậy, khiến nhiều du khách tưởng rằng mình đang giao dịch với đơn vị có uy tín. Các đối tượng còn thường xuyên đưa ra những chương trình ưu đãi hấp dẫn, giá rẻ để thu hút du khách.
Việc lừa đảo bán tour, combo du lịch giá rẻ trong các hội nhóm trên mạng xã hội không còn mới nhưng vẫn nhiều du khách gặp phải. Khi đặt các tour hoặc combo du lịch giá rẻ, khách hàng thường không được trải nghiệm những dịch vụ như đã quảng cáo hoặc phải trả thêm một số chi phí.
Để tránh bị lừa đảo, thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến kế hoạch du lịch, khách hàng cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin của đơn vị lữ hành trước khi đặt tour. Nên lựa chọn những công ty lớn, có uy tín trong ngành du lịch.
Khi gặp vấn đề, du khách cần nhanh chóng liên hệ, phản ánh đến các cơ quan chức năng để được hỗ trợ và hướng dẫn xử lý kịp thời. Sở Du lịch Hà Nội đã công bố đường dây nóng 1800556896 để kịp thời hỗ trợ du khách. Sau khi tiếp nhận thông tin, Thanh tra Sở sẽ can thiệp, hỗ trợ để đảm bảo an toàn, tạo môi trường du lịch thân thiện cho khách trong và ngoài nước.