Tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến đất đai, xây đựng và lâm nghiệp diễn ra phức tạp tại TP. Phú Quốc thời gian qua.
Theo đó, để lập lại trật tự về lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp và xây dựng trên địa bàn thành phố Phú Quốc, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã có Quyết định số 1397/QĐ-UBND ngày 07/6/2022 thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm kiểm tra thực địa các khu vực đã bị các tổ chức, cá nhân có hành vi tác động, vi phạm pháp luật về lấn, chiếm đất; lấn, chiếm rừng; phá rừng trái pháp luật; sử dụng đất không đúng mục đích; xây dựng công trình không đúng quy định; khai thác khoáng sản trái pháp luật, rà soát thống kê từng trường hợp các hành vi vi phạm, điều tra xử lý đúng theo quy định hiện hành.
Đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các vi phạm nói trên diễn ra từ ngày 15/6 đến ngày 15/7/2022.
Nhận định về tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng và lâm nghiệp trên địa bàn TP. Phú Quốc thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh nhận định có sự diễn biến ngày càng phức tạp, tạo dư luận không tốt đến an ninh, trật tự trên địa bàn, tiềm ẩn nguy cơ trở thành điểm nóng về lấn, chiếm đất; lấn, chiếm rừng; phá rừng trái pháp luật; sử dụng đất không đúng mục đích; xây dựng công trình không đúng quy định trên đất rừng, đất nông nghiệp và các hành vi vi phạm khác.
Theo đó, ông Lê Quốc Anh cho biết, trong đợt cao điểm ra quân lần này, các ngành, các lực lượng tập trung thực hiện ở các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, đất quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp, đất rừng Vườn Quốc gia Phú Quốc quản lý trước đây không quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp bàn giao cho địa phương quản lý, các dự án đã có chủ trương cho doanh nghiệp đầu tư và các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố Phú Quốc. Kiên quyết di dời, tiêu hủy các loại cây trồng, vật kiến trúc, công trình xây dựng không đúng quy định và thu hồi diện tích đất bị sử dụng trái pháp luật, buộc các đối tượng vi phạm khắc phục hậu quả và trồng lại rừng.
Phát biểu tại Lễ ra quân triển khai kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp và xây dựng trên địa bàn thành phố Phú Quốc ngày 20/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kien Giang Lê Quốc Anh cũng đã yêu cầu, các sở ngành, chính quyền địa phương các cấp theo chức năng nhiệm vụ được giao, khẩn trương triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng. Phải xây dựng kế hoạch truy quét triệt để tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng, lấn, chiếm đất quy hoạch lâm nghiệp trái pháp luật,… có biện pháp ngăn chặn kịp thời, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật đúng quy định, không để xảy ra điểm nóng trên địa bàn quản lý.
Được biết, theo lịch trình, Tổ công tác của UBND tỉnh Kiên Giang sẽ phối hợp với UBND thành phố Phú Quốc và Vườn quốc gia Phú Quốc xác định trọng điểm, rà soát phân loại hiện trạng sử dụng đất, các hành vi vi phạm pháp luật, xem xét xử lý dứt điểm từng trường hợp và bàn giao tổ chức quản lý chặt chẽ không để bị tái chiếm sử dụng đất sai mục đích. Giao Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời các vụ án tội hủy hoại rừng. Đồng thời lập chuyên án điều tra xử lý tội phạm trên địa bàn thành phố Phú Quốc theo quy định của pháp luật.
Nhiều sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra
Ngày 29/4/2020, Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo Kết luận Thanh tra số 636/TB-TTCP về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (thời kỳ 2011-2017).
Theo Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn 2011-2014, toàn bộ 145 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Kiên Giang không lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết do quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chậm được phê duyệt.
Tỉnh này còn chậm triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng phân khu chức năng trong Khu kinh tế Phú Quốc, dẫn đến Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc giao đất, cho thuê đất đối với một số tổ chức để thực hiện dự án đầu tư chưa phù hợp hoặc vượt diện tích so với chỉ tiêu sử dụng đất đã được Thủ tướng phê duyệt.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc và Vườn quốc gia Phú Quốc đã buông lỏng quản lý rừng, dẫn tới tình trạng các hộ dân lấn chiếm diễn ra trong một thời gian dài nhưng chậm được ngăn chặn, xử lý.
Kết luận thanh tra xác định Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang trong giai đoạn 1/1/2016 - 31/12/2017 đã phê duyệt không đúng thẩm quyền đơn giá đất để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với 16 dự án đầu tư.
UBND tỉnh Kiên Giang xác nhận ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung cho Công ty TNHH Ngôi Sao chưa đúng quy định, dẫn đến phải truy thu về cho ngân sách Nhà nước số tiền hơn 62 tỷ đồng. Sở Tài chính tỉnh cũng xác định sai giá đất với Công ty Cổ phần Sài Gòn Sovico Phú Quốc - chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái đảo Phú Quốc - và phải truy thu về cho ngân sách Nhà nước gần 18 tỷ đồng.
Đặc biệt, từ năm 2016 đến tháng 8/2018, UBND huyện Phú Quốc và các xã, thị trấn đã buông lỏng quản lý về đất đai và trật tự đô thị nên nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng hạ tầng trái phép trên đất nông nghiệp nhằm mục đích phân lô, tách ra nhiều thửa nhỏ để bán nền, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai.
Từ ngày 1/1/2016 đến 9/6/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang cho phép tách 17.808 thửa đất nông nghiệp tại Phú Quốc với diện tích nhỏ (dưới 500 m2) không vì mục đích sản xuất nông nghiệp. Trong khi quy định của pháp luật về đất đai trong giai đoạn này không có quy định về tách thửa đất nông nhiệp dẫn đến tình trạng chuyển nhượng đất nông nghiệp ở Phú Quốc diễn ra rất phức tạp.
Cũng tại Kết luận Thanh tra nêu trên, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị cương quyết thu hồi chủ trương đầu tư hoặc thu hồi dự án gắn với thu hồi quyền sử dụng đất đối với 43 dự án đầu tư chậm triển khai, vi phạm pháp luật về đầu tư.