Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc khai thác, cung ứng vật liệu cát cho dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Gấp gáp tìm nguồn cát từ ba địa phương
Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được khởi công từ ngày 01/01/2023.
Ngay sau khi khởi công, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu chủ đầu tư quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu khẩn trương huy động nhân vật lực, máy móc thiết bị, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tổ chức triển khai thi công các hạng mục ít phụ thuộc vào nguồn vật liệu cát đắp nền, với mục tiêu hoàn thành sản lượng khoảng 35% giá trị hợp đồng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để triển khai các thủ tục cấp mỏ vật liệu theo cơ chế đặc thù cho dự án.
"Đến nay, các nhà thầu huy động 440 máy móc thiết bị các loại, cùng 1.072 nhân sự, tổ chức 140 mũi thi công. Sau hơn 11 tháng triển khai thi công sản lượng dự án đến nay chỉ đạt 15% giá trị hợp đồng, chậm so với kế hoạch đặt ra", Bộ Giao thông vận tải cho biết.
Theo Bộ Giao thông vận tải, nguyên nhân chậm chủ yếu do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường.
Do đó, các nhà thầu chỉ có thể triển khai thi công đường công vụ, các cầu, đúc cấu kiện bê tông và một số hạng mục phụ trợ.
Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu cát đắp, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trực tiếp kiểm tra, làm việc với các địa phương và có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về thủ tục cấp mỏ vật liệu cho dự án.
Tại phiên họp lần thứ 5 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ưu tiên bố trí ngay nguồn cát đắp cho dự án với khối lượng: An Giang 7 triệu m3 (năm 2023 là 3,3 triệu m3), Đồng Tháp 7 triệu m3 (năm 2023 là 3,3 triệu m3), Vĩnh Long 5 triệu m3 (năm 2023 là 2,5 triệu m3).
Kết quả đạt được đến nay, về xác định nguồn vật liệu, tỉnh An Giang xác định được 7,3 triệu m3; tỉnh Đồng Tháp được 7,2 triệu m3.
Riêng tỉnh Vĩnh Long được 2,86 triệu m3, còn thiếu 2,14 triệu m3.
Về thủ tục cấp mỏ vật liệu, Bộ Giao thông vận tải cho biết tỉnh An Giang hoàn thành thủ tục cấp cho dự án 1,6 triệu m3, đang hoàn thiện các thủ tục đối với 04 mỏ với trữ lượng 5,7 triệu m3.
Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp hoàn thành thủ tục, đủ điều kiện khai thác 05 mỏ với trữ lượng 4,5 triệu m3, đang hoàn thiện các thủ tục đối với 02 mỏ với trữ lượng 2,7 triệu m3.
Còn tỉnh Vĩnh Long hoàn thành thủ tục cấp cho dự án 0,5 triệu m3, đang hoàn thiện thủ tục đối với 03 mỏ với trữ lượng 2,36 triệu m3.
Về tình hình cung ứng vật liệu, đã đưa về công trường tổng cộng 1,071 triệu m3. Trong đó, tỉnh An Giang 0,285 triệu m3 với công suất khoảng 4.000m3/ngày; tỉnh Đồng Tháp 0,785 triệu m3 với công suất 18.000m3/ngày. Sau ngày 12/12/2023 khai thác toàn bộ các mỏ hoàn thành thủ tục với công suất 28.000m3/ngày.
Tỉnh Vĩnh Long cần phải tuyển rửa nên mới lấy được 2.300 m3.
Sản lượng khai thác, cung ứng cát mới đạt 25% yêu cầu
Mặc dù thủ tục cấp mỏ và nguồn cung ứng vật liệu cho dự án của các địa phương đã đạt được kết quả như đã báo cáo ở trên, tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải lo lắng vì hiện nay sản lượng khai thác và cung ứng mới chỉ đạt khoảng 22.000 m3/ngày, chưa đáp ứng nhu cầu vật liệu để hoàn thành dự án (khoảng 86.000 m3/ngày) cũng như không đáp ứng được chỉ tiêu năm 2023 (9,1 triệu m3).
Đến khi các địa phương hoàn thành thủ tục để đưa toàn bộ các mỏ vào khai thác mới có thể nâng công suất khai thác đạt 66.000 m3/ngày.
Riêng các mỏ có trữ lượng từ 1 triệu m3 trở lên, nếu công suất khai thác khoảng 4.000 m3/ngày thì đến hết tháng 6/2024 cũng không khai thác hết trữ lượng mỏ nên vẫn thiếu hụt nguồn cát.
“Như vậy, ngoài việc xác định đủ nguồn cung ứng cần phải đẩy nhanh thủ tục để khai thác toàn bộ các mỏ cũng như xem xét nâng công suất khai thác các mỏ có trữ lượng lớn mới đáp ứng yêu cầu”, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.
Theo tính toán của tư vấn, để bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án vào cuối năm 2025 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, cần phải hoàn thành toàn bộ khối lượng đắp cát 18,5 triệu m3 trước ngày 30/6/2024 để chuyển sang giai đoạn chờ lún (thời gian chờ lún thường từ 12-15 tháng).
Do đó, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng có công điện chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long quyết liệt, khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành triển khai đồng thời các thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện giữa các bước để hoàn thành, đảm bảo đủ điều kiện để các nhà thầu tổ chức khai thác chậm nhất vào cuối tháng 12/2023 đối với 9 mỏ mở mới gồm: tỉnh An Giang 4 mỏ, tỉnh Đồng Tháp 2 mỏ, tỉnh Vĩnh Long 3 mỏ.
Các địa phương nói trên cũng sẽ phải rà soát, để có phương án nâng công suất khai thác các mỏ, đảm bảo hoàn thành việc cung ứng toàn bộ khối lượng đã được Thủ tướng giao: An Giang 7 triệu m3, Đồng Tháp 7 triệu m3, Vĩnh Long 5 triệu m3 trước ngày 30/6/2024.
Trường hợp không đủ điều kiện nâng công suất tại các mỏ, cần bổ sung thêm các mỏ mới để cấp cho dự án hoặc cung cấp từ các mỏ đang khai thác trên địa bàn nhằm đáp ứng tiến độ triển khai dự án.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất Thủ tướng giao UBND tỉnh Vĩnh Long xác định đủ nguồn cung cho khối lượng khoảng 2,14 triệu m3 còn thiếu và hoàn thành thủ tục để khai thác trong tháng 2/2024.
“Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh để kịp thời hướng dẫn thủ tục cấp mỏ, nâng công suất mỏ cũng như bổ sung thêm các mỏ phục vụ dự án, bảo đảm tiến độ yêu cầu”, Bộ Giao thông vận tải đề xuất.
Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có tổng chiều dài 109 km, có tổng mức đầu tư hơn 27.254 tỷ đồng. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang dài 37 km, vốn đầu tư 9.769 tỷ đồng; đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài 73 km, vốn 17.485 tỷ đồng.