Tại buổi trao đổi với Zing nhân chuyến thăm nhằm thúc đẩy hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết về khí hậu, ông Virginijus Sinkevičius - Cao ủy Ủy ban châu Âu (EC) về Môi trường, Đại dương và Ngư nghiệp - nêu lên những thách thức chung mà cả hai phía đang phải đối mặt trước khủng hoảng toàn cầu.
Cao ủy EC về Môi trường, Đại dương và Ngư nghiệp Virginijus Sinkevičius trong buổi trao đổi với Zing tối 28/11. Ảnh: Phương Lâm.
Dẫu vậy, ông đặt niềm tin vào tiềm năng to lớn của Việt Nam đối với chuyển đổi kinh tế xanh, nêu lên một số đề xuất, giải pháp thu hút đầu tư cho phát triển bền vững, đồng thời lạc quan về những gì thế hệ trẻ đang và có thể làm cho tương lai của hành tinh.
“Tiềm năng chuyển đổi sang kinh tế xanh của Việt Nam là khổng lồ. Trong thập kỷ tới, tôi có thể thấy một Việt nam xanh hơn, trong lành và lành mạnh hơn nếu việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh được tăng tốc hơn nữa”, ông Sinkevičius nói.
Trước đó, trong sáng 28/11, phát biểu tại phiên họp toàn thể Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2022, Cao ủy Sinkevičius nhấn mạnh EU nhận thức được sự cần thiết phải thay đổi toàn cầu trong chuyển đổi năng lượng, và không một quốc gia nào có thể đơn độc thực hiện chương trình nghị sự bền vững.
Ông cũng đề cập đến một số kế hoạch mới nhằm hỗ trợ Việt Nam, bao gồm kế hoạch hành động về nền kinh tế tuần hoàn mới; chiến lược đa dạng sinh học mới; chiến lược về thực phẩm bền vững; kế hoạch hành động không ô nhiễm không khí, nước và đất; và chiến lược hóa chất mới.
“Để thực hiện những chiến lược này, chúng tôi đang đề xuất luật mới trong các lĩnh vực như vấn đề phá rừng, phục hồi thiên nhiên, pin và thiết kế sinh thái”, ông nói tại phiên họp GEFE 2022. “Kết hợp lại với nhau, các chiến lược và công cụ này sẽ giúp mang lại quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và xanh, đồng thời đưa chúng ta hướng tới một nền kinh tế tái tạo hơn”.
Cũng tại cuộc họp, ông Sinkevičius cho biết để hỗ trợ việc thực hiện Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020, tài chính đa dạng sinh học phải được mở rộng từ mọi nguồn (công và tư, trong nước và quốc tế). Vì vậy, “EU sẽ tăng gấp đôi nguồn tài trợ bên ngoài cho đa dạng sinh học lên 7 tỷ euro trong giai đoạn 2021-2027”, trong đó có Việt Nam.
Một năm sóng gió với các cam kết khí hậu
- Ông đánh giá thế nào trước các ý kiến rằng một số nước đang do dự về cam kết khí hậu, sau cuộc khủng hoảng năng lượng tăng cao trong năm nay?
- Tôi cho rằng nguyên nhân đầu tiên đến từ việc thị trường khó đoán do xung đột Ukraine. Điều đó gây thêm áp lực lên hóa đơn hộ gia đình. Cùng với lạm phát, tất cả chúng khiến các cuộc thảo luận về mục tiêu khí hậu trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, chúng tôi đã cam kết và chắc chắn rằng sẽ đạt được toàn bộ cam kết về khí hậu đến năm 2030.
Chúng tôi cũng đẩy mạnh các khoản đầu tư, quỹ phát triển liên quan đến khí hậu, cũng như kêu gọi các nước phát triển làm điều tương tự, do các quốc gia đang phát triển cần hỗ trợ để có năng lực thực hiện các cam kết.
Ông Virginijus Sinkevičius phát biểu trong phiên họp toàn thể GEFE 2022 vào sáng 28/11. Ảnh: Trần Hoàng.
- Tình hình năng lượng thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, trở nên phức tạp hơn trong năm nay. Trong bối cảnh đó, theo ông, châu Âu, và cả Việt Nam liệu có thể đạt được các cam kết khí hậu của mình tại COP26 không?
- Xung đột ở Ukraine quả thật đã gây áp lực lên ngành năng lượng, nhưng tôi nghĩ đây thực sự là một lời nhắc nhở khác rằng chúng ta cần thực hiện các mục tiêu COP26 của mình, đặc biệt là về vấn đề năng lượng, bởi vì hiện nay sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch là rất nguy hiểm.
Chúng ta đang phải trả giá rất đắt khi phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch như khí đốt và dầu mỏ. Vì vậy, tôi cho rằng ưu tiên hàng đầu của chúng ta hiện nay nên là thực hiện các cam kết tại COP26 cũng như các mục tiêu của Thỏa thuận xanh, và đảm bảo rằng chúng ta giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch sớm nhất có thể. Chúng tôi có các luật về khí hậu rất rõ rằng sẽ giảm 55% lượng phát thải ròng vào năm 2030, và đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
- Gần đây, lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia phát thải lớn nhất thế giới - đã nối lại đối thoại về biến đổi khí hậu, sau nhiều tháng đình chỉ liên lạc. Ông đánh giá như thế nào về tiến triển này?
- Tôi nghĩ rằng việc đối thoại luôn là điều tốt, đặc biệt khi nó có thể biến thành hành động. Nếu nó trở thành cạnh tranh về năng lượng xanh, điều đó còn tốt hơn, và người duy nhất phải thắng là hành tinh của chúng ta.
Tiềm năng kinh tế xanh của Việt Nam
- Những công nghệ, sáng kiến hoặc lĩnh vực bền vững nào Việt Nam nên được đầu tư nhiều nhất để phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, xét đến bối cảnh hiện nay? Châu Âu có thể giúp đỡ Việt Nam như thế nào trong bối cảnh năng lượng phức tạp hiện nay?
- Tất nhiên quá trình chuyển đổi năng lượng là rất quan trọng, và tôi chú trọng đến điện gió ngoài khơi, điện gió trên bờ, và quang năng. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi năng lượng trong ngành giao thông vận tải cũng đáng chú ý.
Chúng tôi đã có những hỗ trợ cho Việt Nam (thông qua các quỹ khí hậu) trong việc tiến tới phát triển bền vững. Bây giờ, là cơ hội tuyệt vời để thực hiện một chương trình chuyển đổi năng lượng, trong đó trọng tâm là loại bỏ dần than đá. Tôi cho rằng đây sẽ là cách hiệu quả nhất để sử dụng quỹ đó, nhằm đảm bảo sẽ sớm loại bỏ than đá.
Ông Sinkevičius (cà vạt xanh) cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính (cà vạt tím), các quan chức Việt Nam và châu Âu cắt băng khai mạc Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2022. Ảnh: GEFE 2022.
- Theo ông, các nước đang phát triển, bao gồm Việt Nam cần áp dụng các mô hình như thế nào để đạt hiệu hiệu quả trong việc vừa chuyển đổi năng lượng sạch tốt mà vẫn nằm trong phạm vi năng lực?
- Tôi cho rằng thị trường (chuyển đổi năng lượng) Việt Nam đang nhận được rất nhiều sự quan tâm, nhưng Việt Nam phải tạo một số điều kiện nhất định cho thị trường và trung hòa rủi ro để thu hút các nhà đầu tư và phát triển các dự án lâu dài. Vì vậy, các điều luật cụ thể, rõ ràng sẽ có ý nghĩa quan trọng, đóng vai trò lớn đối với sự phát triển của năng lượng tái tạo.
Tôi hiểu rằng khi phát triển các dự án năng lượng tái tạo, điều các bạn quan tâm nhất không phải là các mô hình loại rẻ, mà là loại có thể đảm bảo hiệu quả và tạo ra năng lượng với mức giá ổn định cho người tiêu dùng, sự đảm bảo liên tục, bền vững của nguồn cung năng lượng, cũng như giải pháp năng lượng hiệu quả.
Tôi tin tất cả điều này đều có thể đạt được và có thể được tạo điều kiện thuận lợi thông qua các quỹ khí hậu, cũng như thông qua luật pháp trong nước. Điều này sẽ đảm bảo một sân chơi bình đẳng để có thể thu hút đầu tư.
- Là cựu Bộ trưởng Kinh tế Lithuania - một trong những quốc gia được đánh giá là phát triển nhanh nhất châu Âu - ông có đề xuất gì để Việt Nam phát triển nhanh hơn mà không gây thiệt hại lớn đến môi trường?
- Đầu tiên, cần tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn để thu hút đầu tư nước ngoài. Tiếp đến là đảm bảo an ninh cho đầu tư và hệ thống pháp luật với những quy định rõ ràng, có thể lường trước. Điều này sẽ giúp ích cho các doanh nghiệp nước ngoài khi họ muốn đầu tư.
Năng lượng gió ngoài khơi ở Việt Nam còn nhiều tiềm năng khai thác, Cao ủy EC Sinkevičius cho hay. Ảnh: PetroTimes.
- Với EU, tiềm năng của Việt Nam trong việc chuyển đổi kinh tế xanh như thế nào? Theo ông, dựa trên vị thế hiện tại của Việt Nam, tiến trình chuyển đổi kinh tế xanh của Việt nam sẽ như thế nào trong 10-20 năm tới?
- Tôi nghĩ tiềm năng của Việt Nam rất lớn. Các bạn có thị trường với gần 100 triệu dân. Tôi thấy có nhiều lĩnh vực còn nhiều tiềm năng khai thác như năng lượng tái tạo, năng lượng gió ngoài khơi.
Trong 10-15 năm tới, nếu tăng tốc quá trình chuyển đổi, chúng ta có thể chứng kiến giai đoạn loại bỏ hoàn toàn than đá, đồng nghĩa với môi trường xanh sạch hơn, không khí trong lành hơn, con người khỏe mạnh hơn.
Ngoài ra, trong trường hợp các doanh nghiệp được làm việc và đảm bảo rằng chuỗi cung ứng của họ hoạt động bằng năng lượng sạch, điều này sẽ tăng cường mạnh mẽ các cơ hội đầu tư vào Việt Nam.
Giới trẻ đang tích cực hành động vì tương lai
- Ông đánh giá như thế nào về mức độ quan tâm và tham gia của giới trẻ (từ thế hệ Z), bao gồm Việt Nam, hiện nay đối với vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững?
- Tôi cho rằng giới trẻ hiện nay năng động hơn nhiều và tham gia nhiều hơn khi nói đến các vấn đề về môi trường. Những người trẻ hiện nay thường hướng về môi trường bằng cả trái tim, như biết thế nào là sử dụng bền vững, tái sử dụng ly, cốc, tái chế rác, v.v.. Vì vậy, tôi cho rằng tương lai có thể tươi sáng hơn (về mặt bảo vệ môi trường).
Tuy nhiên, các quốc gia phải đảm bảo rằng sẽ có luật pháp (về môi trường và phát triển bền vững) để mang lại cho họ cơ hội tiếp tục phát huy những điều đó.
Cao ủy EC nhận định giới trẻ ngày nay có nhận thức và tham gia nhiều hơn vào các vấn đề môi trường. Ảnh: CNTravel.
Tôi rất vui khi giới trẻ có nhận thức tốt từ sớm, và tất nhiên điều này có thể được giải thích bởi họ lo lắng cho tương lai của chính mình. Chúng ta đang đạt đến ngưỡng rất nguy hiểm, nếu không nỗ lực thực hiện, có thể chúng ta sẽ gây ra hậu quả tai hại cho hành tinh của chúng ta. Và đó là tương lai mà họ sẽ phải sống. Vì vậy, tôi có thể hiểu được tại sao thế hệ trẻ có mối quan tâm lớn như vậy đến môi trường và phát triển bền vững.
- Liên minh châu Âu đã có những sáng kiến gì để cổ vũ giới trẻ gắn kết hơn nữa vào công cuộc bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững?
- Chúng tôi có những đại sứ khí hậu trẻ, chúng tôi có các chương trình đào tạo tại Hội nghị các Bên của Công ước 15 (COP15) về Đa dạng Sinh học (CBD). Đây là một chương trình dành cho giới trẻ.
Năm nay, năm 2022, cũng là năm dành cho giới trẻ của Liên minh châu Âu vì chúng tôi cảm thấy rằng do Covid-19, thế hệ trẻ là những người chịu thiệt hại nhiều nhất và đã không có cơ hội học hỏi nhiều, v.v.. Do đó, năm nay, chúng tôi thực sự nhấn mạnh rất nhiều vào vai trò của thanh niên nhằm đảm bảo rằng họ được đại diện nhiều hơn trong việc ra quyết định.
Tất nhiên, chúng tôi cũng đã đưa ra nhiều sáng kiến khác, đặc biệt là trong các cuộc đối thoại với thế hệ trẻ, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy.