Tính đến ngày 18/7/2023, đã có 203 ngân hàng và doanh nghiệp niêm yết đại diện 42,2% tổng giá trị vốn hóa trên HOSE, HNX và UPCoM đã có báo cáo tài chính hoặc ước tính kết quả kinh doanh Q2/2023 và 6T2023, với tổng lợi nhuận sau thuế trong quý 2 ước giảm -18,5% so với cùng kỳ. Đây là quý thứ 3 liên tiếp lợi nhuận suy giảm ở các ngân hàng và doanh nghiệp niêm yết này, theo thống kê từ FiinTrade.
Với nhóm ngành ngân hàng, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á (BAB) là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính Q2/2023, trong đó tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 717 tỷ đồng và 111,2 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm sâu so với cùng kỳ (-25%) cũng như so với quý 1/2023 (-58,6%) cho dù ngân hàng này vẫn ghi nhận tăng trưởng về tổng thu nhập hoạt động tăng 31% so với cùng kỳ và tăng 5,6% so với quý trước đó.
Nguyên nhân cho sự suy giảm về lợi nhuận bao gồm (1) chi phí hoạt động tăng 54% so với quý trước trong Q2/2023 chủ yếu do chi phí lương tăng mạnh tăng 72% so với quý trước (chiếm 44,8% chi phí hoạt động) và số lượng nhân viên tăng +4% và (2) chi phí trích lập dự phòng rủi ro tăng lên hơn 33 tỷ đồng sau khi hoàn nhập dự phòng hơn 9 tỷ đồng trong Q1/2023.
Trước BAB, LPB ước tính lợi nhuận sau thuế cho Q2/2023 đạt 704 tỷ đồng, giảm 50,9% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 43,4% so với quý liền kề trước đó. Trong khi đó, tính đến ngày 18/7/2023, chưa có ngân hàng nào thuộc top 10 (xét theo quy mô vốn chủ sở hữu) đưa ra ước tính kết quả kinh doanh cho quý 2.
Có tới 100/186 doanh nghiệp Phi tài chính ghi nhận lợi nhuận sau thuế Q2/2023 giảm so với cùng kỳ. Hầu hết các doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế suy giảm thuộc ngành Thép, Điện (QTP, HND, SBA), Phân phối Xăng dầu & Khí đốt (GAS, OIL, PGD), Cao su (TRC, BRC), Thủy sản (FMC, AAM), Bia (SMB, HAD). Tuy nhiên, ngoại trừ nhóm doanh nghiệp điện than (HND và QTP), kết quả kinh doanh kém của các doanh nghiệp thuộc những ngành còn lại không quá bất ngờ đối với đa số nhà đầu tư trên thị trường.
Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng cao ở các doanh nghiệp hoạt động trong mảng Dịch vụ & Thiết bị Dầu khí (PVD, PVS, PVB), Bất động sản khu công nghiệp (KBC, D2D, SZG), và Dược phẩm (IMP).
Kết quả kinh doanh tích cực đã hỗ trợ giá nhiều cổ phiếu bứt phá so với mức đỉnh cũ thiết lập trong khoảng từ 3 tháng đến 1 năm. Trước khi vượt đỉnh, một số cổ phiếu (bao gồm KBC, D2D, PVD) đã có một số tín hiệu “sớm”.
Riêng với ngành Thép, đã có 8 doanh nghiệp Thép công bố báo cáo tài chính Q2/2023, trong đó Cônv ty CP Gang thép Thái Nguyên (TIS) báo lỗ 98,1 tỷ đồng trong Q2/2023 (cùng kỳ lãi gần 3,8 tỷ đồng) với doanh thu giảm 38,9% và biên EBIT âm (-4,2%). Đây là quý thứ 4 liên tiếp TIS ghi nhận lỗ.
Ngoài TIS, 7 doanh nghiệp Thép còn lại có quy mô tương đối nhỏ (bao gồm MEL, KMT, TNS, TDS) và hầu hết chứng kiến lợi nhuận sau thuế Q2/2023 tiếp tục giảm sâu so với cùng kỳ trong khi hàng tồn kho giảm không đáng kể.
Nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trong nước vẫn khá yếu khi thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi và động thái đẩy mạnh xuất khẩu thép gần đây của Trung Quốc đang tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp thép nội. Trên thực tế, việc HPG vận hành trở lại 6/7 lò cao và dự kiến mở lại lò cao cuối cùng tại khu liên hợp Dung Quất sắp tới khi sản lượng tiêu thụ thép dần cải thiện trong các tháng gần đây cho thấy giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua đi.