Nội dung chính:
- Khi lãi suất tiết kiệm tăng, người dân có xu hướng chuyển tiền vào tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn khiến CASA tại nhiều ngân hàng giảm sút nhưng toàn hệ thống vẫn tăng nhẹ 0,8%.
- Thu nhập lãi thuần (khoản thu nhập từ hoạt động huy động tiền gửi và cho vay) năm 2022 của 26 ngân hàng tăng 23% so với năm liền trước, cho thấy CASA không phải là động lực tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng.
- Năm 2022, các ngân hàng nắm giữ lượng CASA lớn nhất hệ thống vẫn giữ vững vị trí. Trong khi 5 ngân hàng có Tỷ lệ CASA cao nhất đã thay đổi thứ hạng.
Trong năm 2022, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại có thời điểm đạt mức 12 - 13%/năm cho dài hạn.
Với mức lãi suất này, người dân và doanh nghiệp có xu hướng chuyển tiền vào tài khoản tiền gửi có kỳ hạn thay vì duy trì tại tài khoản thanh toán với mức lãi suất không kỳ hạn chỉ xung quanh 0,1 - 0,2%/năm.
Nhưng thực tế, năm qua, lượng tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng vẫn duy trì ở mức ổn định. Tại ngày 31/12/2022, tổng tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng tại 26 ngân hàng được thống kê đạt 1,69 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 0,8% so với đầu năm. Trong đó, có 14 ngân hàng tăng nắm giữ tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng.
Chứng khoán Yuanta dự báo tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn vẫn sẽ ở mức thấp trong nửa đầu năm 2023 do lãi suất đối với tiền gửi có kỳ hạn vẫn ở mức cao và điều kiện thanh khoản vẫn hạn hẹp trong thời gian tới.
CASA không phải là động lực tăng trưởng của ngân hàng
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia ngân hàng cho rằng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) không phải là động lực tăng trưởng mà là yếu tố giúp tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh, giúp giảm chi phí huy động vốn và tăng thu nhập từ khác khoản phí dịch vụ.
Theo dữ liệu từ FiinPro, 24/26 ngân hàng có mức thu nhập lãi thuần năm 2022 tăng so với năm liền trước. Trong đó, BIDV có mức thu nhập lãi thuần đứng đầu hệ thống, hơn 56 nghìn tỷ đồng, tăng 19,7% so với năm 2021. PG Bank là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng thu nhập lãi thuần cao nhất, gần 64%.
Các ngân hàng có CASA sụt giảm mạnh nhất năm qua cũng đều ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng trưởng hai chữ số như Saigon Bank (tăng 49%), Sacombank (tăng 43%), OCB (tăng 21%),...
Các ngân hàng dẫn đầu về CASA vẫn giữ vững vị trí
Nhóm Big 4 ngân hàng (riêng Agribank chưa công bố báo cáo tài chính năm 2022) vẫn chứng tỏ vị trí đầu ngành khi sở hữu khối lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn nhất. Cụ thể, tính đến cuối năm 2022, Vietcombank, BIDV và VietinBank đều nắm giữ trên 200 nghìn tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng. Riêng tiền gửi không kỳ hạn tại Ngân hàng Vietcombank lên đến hơn 402 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cuối năm 2021.
Xếp sau 3 ngân hàng thuộc nhóm Big 4 là MBBank với số tiền gửi không kỳ hạn xấp xỉ 167 nghìn tỷ đồng, giảm 2,6% so với thời điểm cuối năm 2021.
Tại ngày 31/12/2022, Techcombank đang có 123 nghìn tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng, giảm 16,8% so với đầu kỳ. Mặc dù CASA sụt giảm trong năm qua, Techcombank vẫn duy trì lượng tiền gửi không kỳ hạn ở mức cao trong hệ thống ngân hàng.
Tỷ lệ CASA toàn hệ thống ngân hàng giảm hơn 2 điểm %
Tại ngày 31/12/2022, Tỷ lệ CASA (CASA/Tiền gửi của khách hàng) của 26 ngân hàng được thống kê đạt 20,3% - giảm gần 2,2 điểm % so với đầu năm. Trong đó, mức giảm mạnh nhất thuộc về Techcombank - “cựu quán quân” về Tỷ lệ CASA năm 2021.
MBBank, Techcombank, Vietcombank, MSB và ACB tiếp tục là 5 nhà băng có Tỷ lệ CASA cao nhất hệ thống, tuy nhiên thứ hạng đã có sự thay đổi. 4/5 ngân hàng trong nhóm này đều ghi nhận tỷ lệ CASA cuối năm 2022 sụt giảm so với đầu năm.
Tỷ lệ CASA của MBBank giảm từ 44,6% hồi cuối năm 2021 xuống 37,6% vào cuối năm 2022. Nhưng nhờ sụt giảm với biên độ hẹp hơn Techcombank, MBBank đã vươn lên ngôi đầu bảng về Tỷ lệ CASA sau nhiều năm bị “vượt mặt”.
Tiền gửi không kỳ hạn liên tục giảm kể từ quý II/2022 khiến Techcombank đánh mất vị trí dẫn đầu về Tỷ lệ CASA. Tỷ lệ CASA của nhà băng này từ mức 47% giảm về còn hơn 34% vào cuối năm 2022.
Lãnh đạo Techcombank từng chia sẻ tại buổi cập nhật kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2022 rằng Tỷ lệ CASA của ngân hàng này liên tục sụt giảm so với quý liền trước do toàn thị trường đều có thanh khoản không dồi dào, dẫn đến huy động có kỳ hạn tăng lên và CASA giảm đi.
Tuy Tỷ lệ CASA sụt giảm, thu nhập lãi thuần năm 2022 của MBBank và Techcombank đều tăng trưởng đáng kể. Theo đó, thu nhập lãi thuần của MBBank tăng đến 37,5% so với năm liền trước, đạt hơn 36 nghìn tỷ đồng. Techcombank, ngân hàng có CASA giảm mạnh nhất trong top 5, vẫn đạt mức thu nhập lãi thuần gần 30.300 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2021.
Vietcombank là ngân hàng duy nhất trong top 5 giữ vững Tỷ lệ CASA ở mức 32,3%. Từ đầu năm 2022, Vietcombank đã áp dụng miễn toàn bộ phí dịch vụ trên ngân hàng số. Đây được xem là chính sách quan trọng giúp nhà băng này duy trì tỷ lệ CASA ổn định, bất chấp thị trường nhiều biến động.
Theo Chứng khoán Yuanta, biên lãi ròng của các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao như Techcombank, MBBank và Vietcombank sẽ đỡ bị tác động hơn các ngân hàng có tỷ lệ CASA thấp trong bối cảnh lãi suất tăng.
*Tiền gửi không kỳ hạn đề cập trong bài viết là tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng.