Tờ Fortune cho hay câu chuyện nhà sáng lập Rupert Murdoch đã 92 tuổi mới quyết định ‘nhường ngôi’ cho người con 50 tuổi Lachlan Murdoch lên nắm quyền đế chế truyền thông Fox News đã khiến cánh báo chí bàn tán xôn xao thời gian gần đây.
Thế nhưng câu chuyện gây chú ý ở đây không phải là những biến đổi của đế chế Fox News sẽ ảnh hưởng thế nào tới giới truyền thông mà là độ tuổi 92 của Rupert Murdoch.
Theo Fortune, thế giới hiện nay đang có rất nhiều nhà lãnh đạo đã lớn tuổi và sự tranh cãi liên quan đến việc chuyển giao quyền lực cho lớp kế cận đang ngày một nóng lên.
Ngoài Rupert Murdoch, tỷ phú Warren Buffett cũng đã bước sang tuổi 93 nhưng ông vẫn nắm giữ chức vụ CEO của Berkshire Hathaway, thậm chí cho biết ngày nhường ngôi cho người thừa kế còn rất xa.
Kể cả cánh tay phải của Buffett là Phó chủ tịch Charlie Munger hiện cũng đã 99 tuổi và cũng chẳng hề có ý định nghỉ hưu. Thế rồi hàng loạt những cái tên đình đám khác như Michael Bloomberg, Carl Icahn, Larry Ellison...cũng dần lớn tuổi nhưng chưa thực sự rời bỏ quyền lực.
Tại nước Mỹ, độ tuổi phù hợp cho một nhà lãnh đạo là một vấn đề khó trả lời.
Câu chuyện bệnh tật do tuổi tác trở thành điều kiêng kỵ để đem ra bàn luận khi rất nhiều doanh nhân, nhà quản lý thành đạt dù đã lớn tuổi nhưng không chịu nghỉ hưu do còn đam mê cũng như muốn để lại di sản cho đời sau.
Tờ Fortune cho hay tuổi thọ của người Mỹ đã tăng từ 68 vào năm 1950 lên 76 tuổi hiện nay, trong khi độ tuổi nghỉ hưu trung bình tăng từ 57 năm 1991 lên 61 hiện nay.
Trong khi những người lớn tuổi phải đối mặt với tình trạng tiền tiết kiệm hưu trí ngày một cạn kiệt và sự lụi tàn của các khoản lương hưu truyền thống thì Thung lũng Silicon lại phát triển được các công nghệ kéo dài tuổi thọ cho giới nhà giàu.
Hệ quả là các chuyên gia nhận định thế hệ công nhân về sau này sẽ làm việc lâu hơn cha mẹ của họ rất nhiều.
Thậm chí, nhiều người đã nói về kỷ nguyên của những CEO 100 tuổi, khi giới lãnh đạo, doanh nhân, tỷ phú già kéo dài tuổi thọ và tiếp tục sự thống trị của mình.
“Tôi sẽ không đi đâu cả”
Tờ Fortune nhận định giới giám đốc ngày nay đang dần được lấp đầy bởi những người lớn tuổi. Độ tuổi trung bình của một CEO mới được bổ nhiệm trong danh sách các công ty thuộc S&P 500 là khoảng 54, trong khi với danh sách Fortune 500 là 58.
Với sự phát triển của công nghệ y học ngày nay thì khả năng con số này được nâng lên 90 là điều hoàn toàn có thể trong tương lai.
Ngoài Rupert Murdoch và Warren Buffett, những cái tên nổi tiếng không kém nhưng cao tuổi khác có thể kể đến Carl Icahn, 87 tuổi nhưng vẫn đang điều hành Icahn Enterprise, hay Michael Bloomberg, 81 tuổi và vẫn điều hành đế chế Bloomberg của mình.
“Tôi sẽ không đi đâu cả”, ông Bloomberg tuyên bố thẳng.
Chưa dừng lại đó, nhà sáng lập Larry Ellison đã 78 tuổi của Oracle vẫn giữ chức CEO, hay Bob Iger vẫn nắm quyền Disney dù đã bước sang tuổi 72.
Ngay cả thiên tài George Soros đã 92 tuổi của Open Society Foundation thì cũng mới chỉ tuyên bố nghỉ hưu vào tháng 7/2023.
Trong mảng thời trang, vị tỷ phú giàu nhất nhì thế giới Bernard Arnault đã 74 tuổi nhưng vẫn chưa thực sự chỉ định ai là người kế vị đế chế LVMH của mình.
Vậy là một cuộc so tài giữa 5 người anh chị em trong gia đình bắt đầu diễn ra khi mỗi người chịu trách nhiệm một mảng kinh doanh để chứng tỏ thực lực với người cha.
Tờ Fortune cho hay dù nhiều nhà sáng lập huyền thoại đã chỉ định người kế nhiệm nhưng vẫn còn nhiều CEO lớn tuổi bị cáo buộc là không chịu nhường sân khấu cho thế hệ kế cận.
Đây là chuyện thường thấy khi các doanh nhân huyền thoại lo lắng đế chế mà họ mất công xây dựng không thể phát triển đúng ý mình hoặc không đi đúng hướng nếu thiếu họ.
Thật vậy, sự lưỡng lự của các CEO khi rời bỏ quyền lực được thể hiện rõ trong bức thư chia tay của Rupert Mudoch: “Tôi sẽ theo dõi các chương trình phát sóng của công ty với ánh mắt soi xét, đọc các bài báo của Fox với sự quan tâm cao độ và thậm chí sẽ liên hệ với đài về những suy nghĩ, ý tưởng và lời khuyên nếu có...Khi tôi đến thăm các chi nhánh ở những nước khác, có thể nhân viên công ty sẽ phải gặp tôi vào chiều muộn thứ 6.”
Thế rồi câu chuyện về hiệu năng của các CEO lớn tuổi ngày nay cũng được đem ra bàn tán. Điều gì sẽ xảy ra nếu một CEO đột quỵ hay bị ảnh hưởng về sức khỏe gây tác động đến các quyết định quan trọng của tập đoàn?
Thậm chí ngay cả khi khỏe mạnh, tờ Fortune nhận định sự hiện diện kéo dài của những lãnh đạo già này có thể làm mất tinh thần của lớp kế cận, can thiệp vào công việc và khiến các tài năng trẻ không thể phát huy hết hiệu quả.
“Thật ích kỷ khi cứ trì hoãn việc nghỉ hưu của mình”, giám đốc Jim Schleckser của CEO Project, một công ty chuyên mảng huấn luyện quản trị, cho biết.
Sự thông thái không bao giờ già
Ở một khía cạnh khác, nhiều chuyên gia cho rằng đánh giá năng lực của một lãnh đạo thông qua tuổi tác là điều không chính xác và mang tính chủ quan.
Mặc dù khả năng nhận thức và vận động suy giảm theo năm tháng nhưng có một thứ không bao giờ lỗi thời, đó là sự thông thái.
Đồng quan điểm, giáo sư Mo Wang của trường đại học Florida trả lời Fortune rằng không có bất kỳ lý do gì để giới hạn độ tuổi của các CEO. Những dữ liệu hàng thập kỷ qua cho thấy ở cấp độ lãnh đạo cá nhân, tuổi tác không có nhiều mối tương quan với hiệu suất công việc.
“Câu chuyện người càng cao tuổi thì năng lực càng giảm sút chỉ là khuôn mẫu sáo rỗng không chính xác. Trên thực tế, người cao tuổi có xu hướng thân thiện và đồng cảm hơn so với lãnh đạo trẻ tuổi. Khi bước vào những năm cuối đời, họ hài lòng về cuộc sống hơn, qua đó đem lại sự ổn định hơn về cảm xúc”, giáo sư Wang nhận định.
Hầu hết những nhà sáng lập giỏi về cuối đời sẽ bắt đầu suy ngẫm về di sản hay những đóng góp của họ cho xã hội. Sự thay đổi về giá trị quan cũng như mối quan tâm ưu tiên này tác động đến phong cách lãnh đạo và tạo ra sự khác biệt với các doanh nhân trẻ.
Thêm nữa, những lãnh đạo lớn tuổi có “kho dữ liệu” để ứng đối mỗi khi có tình huống phát sinh, qua đó có kinh nghiệm hơn trong việc đưa ra quyết định lúc khó khăn.
Tác giả Chip Conley của cuốn “Wisdom at Work: The Making of a Modern Elder” và là người sáng lập học viện “Modern Elder Academy” cho hay những lao động có sự thông thái thì đáng quý hơn nhiều so với những nhân viên có nhiều tri thức.
Nguyên nhân là tri thức thì có thể học trong sách vở và được đào tạo, nhưng kinh nghiệm và sự thông thái thì cần trải nghiệm của chính bản thân.
Đây là nguyên nhân mà trí tuệ thông minh nhân tạo (AI) có thể sao chép được tri thức nhưng không học được sự thông thái của con người.
Tất nhiên, sự suy giảm trong việc ghi nhớ và xử lý thông tin mới khiến các CEO lớn tuổi có vẻ kém hiệu quả trong mắt các cổ đông chỉ nhìn vào lợi nhuận.
Do đó việc kết hợp giữa sự nhanh nhạy của lớp trẻ và sự thông thái của lãnh đạo lớn tuổi là cần thiết.
Năm 2019, một cuộc khảo sát với hơn 10.000 quản lý đã cho thấy các lãnh đạo trẻ thường có hướng xử lý lấy bản thân làm trung tâm (Self-centered approach), trong khi đó những người lớn tuổi lại có sự thấu hiểu và thông cảm cho cấp dưới nhiều hơn.
“Thông thường, người cao tuổi sẽ bỏ qua cơ hội cạnh tranh vươn lên ngôi đầu, qua đó nhường người khác trưởng thành và tự tin hơn”, nhà sử học La Mã Plutarch đã viết vào năm 100 sau Công nguyên.
*Nguồn: Fortune