Sau một ngày làm việc vất vả hồi tháng 8, Kamal - một lao động người Nepal tại Qatar - và các đồng nghiệp bất ngờ bị cảnh sát Qatar bắt giữ. Họ bị đưa lên xe cảnh sát mà không nhận được lời giải thích nào, và phải ngồi trong trại giam suốt một tuần sau đó.
“Khi họ bắt tôi, tôi không thể nói dù chỉ một lời vì quá sợ hãi”, Kamal nói với CNN. Theo Kamal, anh vẫn chưa được trả khoản tiền thưởng 7.000 rial Qatar (gần 2.000 USD) từ chủ sử dụng lao động trước đó. Một khoản tiền bảo hiểm 7.000 rial khác cũng chưa được chi trả, sau khi anh bị thương ở hai ngón tay.
Kamal là một trong những lao động nhập cư tại Qatar muốn kể cho thế giới về câu chuyện không chỉ toàn màu hồng khi xuất khẩu lao động tại Qatar, quốc gia sắp đăng cai một trong những kỳ World Cup đặc biệt nhất lịch sử bóng đá thế giới.
Bị bắt và trục xuất
Kamal tin rằng anh bị bắt giữ vì làm thêm công việc thứ hai, qua đó vi phạm luật lao động của Qatar, khiến anh bị giới chức nước này hủy bỏ giấy phép lao động. Kamal cho biết anh làm thêm 2-4 giờ/ngày để có thêm thu nhập.
“Tôi không được thông báo nguyên nhân bị bắt giữ”, Kamal nói, giải thích thêm rằng anh không thể hỏi gì vì không biết tiếng Arab.
Trong phòng giam - nơi Kamal bị giam chung với 24 lao động Nepal khác - anh được cấp một chiếc chăn, một chiếc gối và một tấm chiếu có rệp.
“Trại giam có công dân từ Sri Lanka, Kerala (Ấn Độ), Pakistan, Sudan, Nepal, châu Phi, Philippines”, Kamal nói. “Trại giam có khoảng 250-300 người. Khoảng 24-25 người một phòng”.
“Khi họ đưa bạn đến trại giam, bạn không lập tức được cấp phòng mà được giữ bên ngoài hành lang. Sau 1-2 ngày, khi phòng trống, họ đưa những người từ cùng một quốc gia vào một phòng”, Kamal kể lại.
Sử dụng một chiếc điện thoại được đưa lậu vào phòng giam, Kamal nhờ một người bạn mang hành lý cá nhân - bao gồm hộ chiếu - vào phòng giam. Dù vậy, anh chỉ được thả sau khi Đại sứ quán Nepal gửi một bản sao hộ chiếu tới trại giam. Sau khi rời Qatar, anh đã trở về làm ruộng tại quê nhà.
“Khi họ đưa tôi lên máy bay, tôi bắt đầu nghĩ rằng: Tại sao họ gửi công nhân về nước đột ngột như vậy. Đây không phải một, hai, 10 người, họ gửi 150, 200, 300 người trong một chuyến bay”, anh kể lại. “Một số công nhân vẫn mặc trang phục lao động khi về nước. Họ thậm chí không cho bạn thu nhặt quần áo”.
Ám ảnh nắng nóng
Hari, 27 tuổi, cũng đến từ Nepal, tới Qatar để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Lương của anh tại Qatar là khoảng 700 rial (gần 200 USD)/tháng.
Sau khi tới Qatar năm 2014, anh đã làm việc ở bốn nơi: một siêu thị, một khách sạn, một sân bay và một công trình xây dựng. Trong đó, việc làm ở công trường được miêu tả là vất vả nhất.
Giữa thời tiết nắng nóng, anh phải vác ngói lợp lên các tầng cao hơn, cũng như đặt ống ngầm dưới các hố.
“Trời quá nóng”, anh kể lại. “Công việc khó khăn do nhiệt độ cao. Chúng tôi cảm thấy khó thở. Để uống nước, chúng tôi phải leo thang lên cao. Tôi đã thấy một số công nhân ngất khi làm việc - một người Bengal, một người Nepal. Chàng trai người Bengal được đưa đi chăm sóc y tế. Tôi không rõ điều gì xảy ra sau đó”.
“Một số nơi còn không có nước. Ở một số nơi, họ không mang nước đến đúng lúc. Ở một số nơi, chúng tôi phải đi tới những nhà xung quanh để xin nước”, Hari kể lại.
Trong hầu hết thời gian ở Qatar, Hari cảm thấy buồn bã và tự hỏi tại sao mình lại tới đây. Anh đã chi trả 90.000 rupee Nepal (gần 700 USD) cho một công ty xuất khẩu lao động. Theo công ty này, nếu muốn rời đi, anh sẽ phải trả 2.000-3.000 rial Qatar (khoảng 550-820 USD). Trong khi đó, mức lương kiếm được vẫn không đủ nuôi gia đình.
Giờ đây, khi đã có thể trở lại Nepal, Hari vẫn nuôi hy vọng tiếp tục ra nước ngoài làm việc, với điểm đến mong muốn là Malaysia.
“Tôi không muốn các con phải trải qua những điều giống như mình”, Hari nói. “Tôi muốn xây nhà và mua đất. Đây là điều tôi đang nghĩ đến”.
Giấc mơ tan vỡ
Khi sang Qatar, Sunit dự định ở lại đây 2 năm. Dù vậy, anh đã trở về chỉ sau 8 tháng, khi công ty xây dựng của anh bị phá sản. Anh và các đồng nghiệp vẫn bị công ty này nợ tiền.
Trước đây, Sunit từng mong muốn xem World Cup từ nóc khách sạn mà anh đã góp công xây dựng - công trình này chỉ cách một sân vận động 10 phút đi bộ. Mong muốn này đã phá sản.
“Chúng tôi thường nói về điều này. Chúng tôi có thể nhìn thấy sân vận động từ mái khách sạn”, Sunit kể lại. “Nhưng chúng tôi đã phải trở về. Giấc mơ không bao giờ trở thành sự thật”.
Công việc của Sunit là vác các bao xi măng - mỗi bao nặng 30-50 kg - lên 10-12 tầng.
“Thang máy hiếm khi hoạt động. Một số người không bê nổi và phải thả chúng xuống giữa đường. Nếu không làm xong việc, chúng tôi bị dọa giảm lương của ngày hôm đó”, Sunit nói. “Đốc công thường xuyên phàn nàn rằng chúng tôi nghỉ uống nước quá sớm khi làm việc”.
Sunit kể lại rằng anh đã trả cho một người môi giới ở Nepal 240.000 rupee (khoảng 1.840 USD) trước khi tới Qatar. Khi không thể làm hết hai năm lao động như hợp đồng, anh đã nộp hồ sơ lên cảnh sát, nhưng vụ việc chưa tiến triển. Trong khi đó, chủ sử dụng lao động tại Qatar đã bị bắt vì không trả tiền cho người lao động.
Đã có lúc Sunit không có việc, không có tiền và phải vay mượn để mua đồ ăn. Sau đó, anh và các đồng nghiệp đã được cảnh sát Qatar cung cấp thực phẩm.
“Sau 10-15 ngày, cảnh sát quay lại và cho biết đã bắt giữ. Họ nói với chúng tôi rằng công ty đã phá sản, và chính quyền sẽ đưa tất cả lao động về nước”, Sunit hồi tưởng. “Tôi rất buồn. Tôi tức giận với công ty, nhưng tôi đâu thể làm gì?”.
Bỏ mạng nơi xứ người
Dù vậy, Kamal, Hari hay Sunit vẫn may mắn hơn nhiều đồng bào của mình, những người đã thiệt mạng tại Qatar khi đi xuất khẩu lao động.
Theo số liệu được Guardian công bố năm 2021, khoảng 6.500 lao động từ Nam Á đã thiệt mạng tại Qatar từ năm 2010. Hầu hết nạn nhân đều làm các công việc nguy hiểm, lương thấp và phải đối mặt với nắng nóng.
Theo một số tổ chức phi chính phủ, chính việc phải làm việc thời gian dài dưới nắng nóng là nguyên nhân gây tử vong đáng lưu tâm đối với các lao động nước ngoài tại Qatar.
Một nghiên cứu được tạp chí y khoa Cardiology Journal đăng tải năm 2019 cho thấy sự liên hệ giữa nắng nóng và việc những lao động trẻ tử vong do vấn đề về hệ tuần hoàn trong giai đọn 2009-2017.
Bên cạnh đó, cường độ làm việc cao và điều kiện lao động - sinh hoạt tồi tệ cũng khiến người lao động dễ bị tổn thương hơn, theo giáo sư Natasha Iskander tại Đại học New York (Mỹ).
“Một trong những điều ít được nhắc đến khi đưa tin về World Cup - cũng như sự xuất hiện bùng nổ các công trình xây dựng lớn - là sự lành nghề và sự anh hùng của những công nhân đã xây nên chúng”, giáo sư Iskander nói. “Đóng góp của họ với World Cup ít khi được đưa tin và thường bị coi nhẹ”.