Ngày 17/7/2023, SGDCK Tp.HCM (HoSE) đã công bố danh mục cổ phiếu thành phần, thông tin về cập nhật thay đổi về tỷ lệ free-float, khối lượng lưu hành các trọng số liên quan của các bộ chỉ số mà HoSE đang quản lý. Ngày 4/8/2023 sẽ là ngày cuối cùng các ETF hoàn thiện việc cơ cấu theo danh mục mới.
Trong đó, chỉ số VN100 thêm cổ phiếu HHV, HAG, VGC; loại bỏ cổ phiếu SCR, HPX, NVL. Bộ ba vừa được thêm vào là những doanh nghiệp có câu chuyện riêng, đặc biệt HHV của CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công, đặc biệt cao tốc Bắc – Nam; HAG của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) trên đường tái sinh sau hơn thập niên ngập trong thua lỗ; và VGC của Viglacera đang tiếp tục xúc tiến quá trình thoái vốn Nhà nước.
HHV: Nửa đầu năm trúng 2 gói thầu trị giá hơn 15.000 tỷ đồng
Cụ thể, HHV là thành viên trong hệ sinh thái Tập đoàn Đèo Cả, đã đầu tư thi công chuỗi hầm đường bộ dọc dải đất miền Trung bao gồm hầm Đèo Cả - Cổ Mã - Cù Mông - Hải Vân, tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận… Hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công hiện nay, HHV đầu năm nay đã trúng thầu 2 dự án mới là Quảng Ngãi – Hoài Nhơn (tổng giá trị hợp đồng hơn 14.500 tỷ đồng) và đèo Prenn (tổng giá trị hợp đồng 550 tỷ đồng). Hiện, Công ty cũng đang tham gia thi công các dự án lớn khác như Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đường ven biển Bình Định…
Về kinh doanh, năm 2022, HHV đạt doanh thu thuần đạt 2.095 tỷ - tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 297 tỷ đồng - tăng nhẹ 2,33%. Trong bối cảnh đầu tư công thuận lợi, năm 2023 HHV đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 2.478 tỷ đồng, tăng 18% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 338 tỷ - tăng 14%.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo, HHV đang cùng công ty mẹ là Tập đoàn Đèo Cả tham gia đấu thầu một số gói thầu tại các dự án trọng điểm như Sân Bay Long Thành. Theo đó, dự kiến năm nay HHV sẽ huy động thêm 1.564 tỷ để nâng cao năng lực vốn.
Trên thị trường, HHV đang giao dịch tại vùng giá 16.150 đồng/cp, khối lượng khớp lệnh hơn 4,8 triệu cổ phiếu trong phiên sáng 25/7.
HAGL: “Rục rịch” lên kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ
Về HAGL, Công ty từng là doanh nghiệp lớn và được săn đón bởi loạt quỹ đầu tư lớn. Tuy nhiên, từ cú ngã “cao su” năm 2005, HAGL vùi mình trong thua lỗ và ngập nợ. Đến năm 2021, người đứng đầu là bầu Đức sau khi bán đi mảng nông nghiệp (HAGL Agrico), tái cấu trúc HAGL theo hướng nông nghiệp đã và đang đưa doanh nghiệp tái sinh.
Năm 2022, HAGL công bố chiến lực chủ đạo là trồng chuối xuất khẩu và tận dụng chuối thải nuôi heo. Cùng năm này, bầu Đức gây xôn xao khi ra mắt chuỗi cửa hàng Bapi và thương hiệu thịt mát Heo ăn chuối Bapi HAGL. Chỉ số kinh doanh tăng trưởng, lợi nhuận quay về mốc 1.000 tỷ đưa tên tuổi HAG được chú ý trở lại trên sàn chứng khoán.
Mới đây, HAGL gây chú ý khi công bố Nghị quyết về việc chốt ngày đăng ký cuối cùng để lập danh sách cổ đông, nhằm thực hiện việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Hiện, thông tin về đợt chào bán này chưa được công bố cụ thể. Tuy nhiên, thanh khoản tại HAG những phiên gần đây có biến động. Điều này dấy lên nghi vấn Công ty đang muốn tái khởi động kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ đã thất bại năm ngoái?
Trước đó hồi tháng 4/2023, Công ty đã không thành công trong đợt phát hành riêng lẻ thông qua hồi năm 2022, nguyên nhân do diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường không phù hợp với giá chào bán nên các nhà đầu tư đã từ chối mua. Không huy động được tiền nên năm 2023, HAGL chỉ duy trì quy mô trồng trọt và chăn nuôi heo, không mở rộng.
Động thái khởi động lại kế hoạch chào bán cổ phiếu của HAGL diễn ra trong bối cảnh giá heo đang hồi phục tốt, bình quân hiện vào mức 61.500 đồng/kg. Điều này gợi nhớ lời người đứng đầu HAGL là bầu Đức tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua: “Giá heo mà lên 70.000 đồng/kg thì có quyền gáy lại”. Tại đây, ông cũng nhấn mạnh kế hoạch là vậy, nhưng nếu thị trường heo khởi sắc HAGL sẽ huy động vốn để mở rộng quy mô.
Trên thị trường, HAG đang giao dịch tại mức 8.720 đồng/cp, thanh khoản đạt hàng triệu cổ phiếu mỗi phiên.
VGC: Đang tìm tư vấn định giá để thoái vốn nhà nước, cổ phiếu tăng vọt 60%
Và VGC, mã này cũng đang trong xu hướng tăng điểm đáng kể trên thị trường. VGC đang giao dịch tại vùng giá 48.000 đồng/cp, tăng 60% thị giá sau 4 tháng.
Cuối tháng 5 vừa qua, Công ty đã có thư mời báo giá liên quan đến phương án chuyển nhượng vốn Nhà nước. Theo thông báo, VGC đang trong giai đoạn xây dựng và xem xét các đề xuất phương án chào bán cũng như tiêu chí nhà đầu tư. Công ty sắp tới cũng sẽ tổ chức các buổi giới thiệu liên quan đến đợt chào bán này. Tổng nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2022 là 14.136 tỷ đồng. Thời gian thẩm định giá dự vào ngày 30/6/2023.
Hiện, VGC đang có vốn điều lệ 4.483,5 tỷ đồng, trong đó Bộ Xây dựng sở hữu 38,58% cổ phần (tương đương 173 triệu cổ phiếu). Cổ đông lớn nhất của VGC hiện là Gelex (GEX) - sở hữu 50,21%.
Năm 2023, VGC đặt kế hoạch doanh thu đạt 16.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.300 tỷ đồng, giảm đến 44% so với năm qua. Kết thúc quý 1/2023, VGC ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.775 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp Viglacera đạt 666 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ,biên lợi nhuận gộp thu hẹp về 24%.
Công ty cho biết trong kỳ doanh thu mảng kinh doanh nhà ở thương mại của Công ty bị sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, cùng với đó, lĩnh vực vật liệu xây dựng cũng gặp khó khăn trong công tác tiêu thụ, giá bán và sản lượng tiêu thụ giảm gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Với kết quả trên, quý đầu năm VGC đã đã hoàn thành được 17,3% kế hoạch doanh thu và 11,7% kế hoạch lợi nhuận.
Tính đến 31/3/2023, tổng tài sản Công ty ở mức 23.317 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,5% so với đầu năm. Về phía nguồn vốn, Công ty đang ghi nhận 14.092 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 60%. Tổng nợ vay ở mức 4.041 tỷ đồng.