"Tuy kinh tế thế giới tăng trưởng chậm hơn dự kiến, các hãng bay không thấy những dấu hiệu tương tự trong nhu cầu mua vé của công chúng. Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không vẫn duy trì ở mức cao ngay cả khi giá vé tăng", ông Guillaume Faury, Giám đốc Điều hành của Airbus - nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới, trả lời Wall Street Journal tại triển lãm hàng không Paris.
Ông Faury đưa ra phát biểu trên khi những nhà sản xuất máy bay nhận được hàng loạt đơn hàng lớn từ các hãng hàng không trong thời gian gần đây. Nổi bật nhất chính là thỏa thuận bán 500 chiếc máy bay thương mại của Airbus cho hãng hàng không IndiGo của Ấn Độ vào hôm 19/6.
Kể từ đầu năm nay, các hãng hàng không và doanh nghiệp cho thuê đã đặt mua tổng cộng 1.429 chiếc máy bay từ 2 tập đoàn Boeing và Airbus, bao gồm cả những hợp đồng được công bố trong tuần này. Con số trên lớn hơn mức 1.377 máy bay được đặt mua trong cả năm 2019.
Tuy nhiên, bất chấp nhu cầu lớn của ngành hàng không, các nhà sản xuất máy bay đang gặp khó khăn trong việc tăng công suất do thiếu hụt nguồn cung các bộ phận thiết yếu như động cơ, chip cũng như nhân công. Cả 2 nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới là Airbus và Boeing đều có danh sách đơn hàng tồn đọng lớn.
"Chúng tôi sản xuất không kịp máy bay để đáp ứng nhu cầu. Một đơn hàng mua máy bay ở thời điểm hiện tại có nghĩa bạn sẽ được xếp vào danh sách chờ, do khả năng sản xuất và nguồn cung của chúng tôi có hạn", vị giám đốc điều hành của Airbus phát biểu trong văn phòng tạm thời của hãng tại một sân bay nhỏ ở phía đông bắc thủ đô Paris.
Đây là văn phòng phục vụ hoạt động của Airbus tại triển lãm hàng không trong tuần này.
Ngay cả hợp đồng mua 500 máy bay A320 của IndiGo cũng phải đợi đến ít nhất là năm 2030 mới giao hàng.
Airbus đang đặt mục tiêu sản xuất 75 chiếc A320 mỗi tháng vào năm 2026, sau khi buộc phải cắt giảm sản lượng về mức 40 chiếc mỗi tháng trong thời gian diễn ra đại dịch. Tập đoàn này đã nhiều lần phải lùi thời hạn nâng sản lượng máy bay do các vấn đề về chuỗi cung ứng