Trong một phát biểu mới đây, CEO Christian Sewing của ngân hàng Đức Deutsche Bank cho rằng nền kinh tế Đức sẽ trở thành “kẻ ốm yếu” ở châu Âu nếu các vấn đề cấu trúc của nước này không được giải quyết ngay lập tức.
“Chúng ta hiện chưa phải là ‘kẻ ốm yếu của châu Âu’”, ông Sewing nói trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh ngân hàng Handelsblatt ngày 20/9. “Nhưng sự thật là có những điểm yếu về cấu trúc kéo lùi nền kinh tế của chúng ta và khiến nền kinh tế khó phát huy được tiềm năng to lớn”.
“Chúng ta sẽ trở thành ‘kẻ ốm yếu của châu Âu’ nếu không giải quyết ngay những vấn đề cấu trúc này”, ông Sewing nói thêm.
Vị CEO cho rằng nhiệm vụ lớn nhất rơi vào các ngân hàng - lực lượng mà vai trò đang thay đổi nhanh chóng trong môi trường kinh tế vĩ mô hiện nay.
“Nhu cầu đối với các ngân hàng với tư cách nhà quản trị rủi ro và tư vấn ngày càng lớn. Đây là một trách nhiệm to lớn, nhưng cũng là cơ hội lớn để tạo ra niềm tin mới”, ông Sewing phát biểu. “Các ngân hàng Đức không nên tự lừa dối chính mình, bởi chúng ta vẫn tụt hậu so với các đối thủ quốc tế, ngay cả khi điều kiện kinh tế do lãi suất cao hiện nay có thể phần nào che giấu thực tế này”.
Ông Sewing nêu rõ những vấn đề có thể biến kinh tế Đức thành “kẻ ốm yếu của châu Âu”, bao gồm giá năng lượng cao và biến động khó lường, kết nối Internet chậm, mạng lưới đường sắt lỗi thời, những nút thắt trong quy trình số hóa, thiếu lao động kỹ năng cao, tình trạng quan liêu, và các thủ tục hành chính còn rườm rà.
Trong những tháng gần đây, đã nổi lên một cuộc tranh luận về việc Đức có đáng bị coi là “kẻ ốm yếu của châu Âu” - biệt danh được sử dụng lần đầu tiên để miêu tả nền kinh tế lớn nhất khu vực vào năm 1998, trong bối cảnh nước Đức trải qua những thách thức to lớn sau khi thống nhất.
Nhiều trong số những khó khăn mà nền kinh tế Đức đối mặt hiện nay được coi là thách thức toàn cầu - theo chiến lược gia trưởng Peter Oppenheimer ngân hàng Goldman Sachs.
“Trở ngại mà nền kinh tế đang gặp phải ở thời điểm hiện nay xuất phát từ một số nguyên nhân”, ông Oppenheimer nói với hãng tin CNBC, đề cập đến tình trạng đi xuống của lĩnh vực sản xuất toàn cầu, sự phục hồi hậu Covid-19 đáng thất vọng của kinh tế Trung Quốc và giá năng lượng tăng cao.
Đây là những nguyên nhân quan trọng khiến tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Đức giảm trong quý 4 năm ngoái và quý 1 năm nay - đáp ứng định nghĩa suy thoái kỹ thuật.
Kinh tế Đức tăng trưởng âm 0,4% trong quý 4/2022 và tăng trưởng âm 0,1% trong quý 1/2023 – theo số liệu từ cơ quan thống kê quốc gia Đức Destatis.
“Đây không phải là một cuộc suy thoái sâu, nhưng kinh tế Đức vẫn đang bị ảnh hưởng bởi những thách thức rõ rệt”, ông Oppenheimer nói.
Trong quý 2, GDP của Đức đi ngang, với mức tăng 0%. Một số tổ chức dự báo, bao gồm Ngân hàng Trung ương Đức và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho rằng nền kinh tế sẽ giảm trở lại trong quý 3 này.
“Tình hình kinh tế Đức đang ngày càng xấu đi”, Viện nghiên cứu Ifo nhận định trong một báo cáo hồi tháng 8, sau khi một cuộc khảo sát doanh nghiệp của viện này cho thấy niềm tin kinh doanh ở Đức giảm tháng thứ ba liên tiếp.
Nhà kinh tế trưởng Jorg Kramer của ngân hàng Đức Commerzbank nhận định với hãng tin Reuters: “Không may là sẽ không có sự cải thiện nào trong thời gian trước mắt. Môi trường lãi suất tăng trên toàn cầu đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực”.
IMF dự báo Đức sẽ là nền kinh tế phát triển duy nhất của thế giới tăng trưởng âm trong năm nay. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp - xương sống của nền kinh tế Đức - đang gây nhiều lo ngại nhất trong bối cảnh thương mại toàn cầu tụt dốc. Doanh nghiệp sản xuất của Đức vẫn đang dựa vào lượng đơn hàng tích lũy từ thời đại dịch Covid, nhưng lượng đơn hàng mới ngày càng giảm, báo hiệu khó khăn phía trước. Trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay, lượng đơn hàng mới đã giảm hơn 6% so với kỳ 3 tháng trước đó - theo tờ báo Đức DW.