Tình hình thị trường chung
Việt Nam đang nhận được nguồn vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào thị trường tài chính, chiếm 93% tổng số vốn đầu tư nhận được. Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia dẫn đầu về tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm. Trong đó, ngành tài chính - ngân hàng đang chứng kiến xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ.
Mobile banking (ngân hàng di động) tăng trưởng 200%, với 30 triệu người dùng hàng ngày trên khắp cả nước. Ngân hàng số, tương tác ảo, số hóa quy trình vận hành là các xu hướng chủ đạo trong chuyển đổi ngành tài chính. Trong đó, 95% tổ chức tài chính đã, đang hoặc có kế hoạch chuyển đổi số, chỉ có 6% đã số hóa các kênh giao tiếp với khách hàng
Về phía doanh nghiệp: thị trường việc làm cho ngành ngân hàng – tài chính đang có dấu hiệu bùng nổ. Trong năm 2022, thị trường có 15.309 doanh nghiệp cần 97.331 vị trí tuyển dụng, với tổng giá trị thị trường vào 155,3 triệu USD, giá trị trung bình mỗi đầu việc là 797,76 USD; tương đương tăng 55,1% - 14,7% - 46,1%, chỉ chỉ số cuối cùng giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng trong quý III/20222, thị trường có tổng vị trí tuyển dụng là 29.484 từ 7.737 doanh nghiệp, tổng giá trị là 51,8 triệu USD, giá trị trung bình mỗi đầu việc là 868,25 USD; tương đương tăng 78,2% - 57,5% - 62,4% và giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Mặc dù số lượng việc làm tăng tới 55,1%, nhưng giá trị trung bình mỗi đầu việc (mức lương đề xuất) lại giảm 6% trong năm 2022”, Founder kiêm CEO của JobHopin - Kevin Tùng Nguyễn chia sẻ trong buổi họp báo giới thiệu sự kiện Finovate Product Day: Định hình tương lai ngành dịch vụ tài chính, do công ty anh tổ chức.
Về phía người tuyển dụng: năm 2022, thị trường có 132.066 nhân sự, tổng giá trị thị trường vào khoảng 127,2 triệu USD, giá trị trung bình trên 1 nhân sự là 962,83 USD; tương đương giảm 3,1% và 32,1% so với năm 2021. Quý III/2022, số lượng nhân sự là 41.245, tổng giá trị thị trường 41,6 triệu USD, giá trị trung bình trên mỗi nhân sự 1.077,82 USD; tương đương tăng 11,3% và giảm 19,4%.
“Đang có sự mất cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường nhân lực ngành ngân hàng – tài chính. Mặc dù số lượng việc làm đang tăng lên đáng kể nhưng số lượng nhân sự trong quý III/2022 chỉ tăng 11,3%, dẫn đến tổng giá trị nhân tài thấp hơn 20% so với giá trị công việc.
Ngoài ra, giá trị trung bình của mỗi nhân sự (mức lương kỳ vọng) cao hơn 16% so với giá trị công việc. Điều này cho thấy một tình thế tiến thoái lưỡng nan mà cả nhà tuyển dụng và người tìm việc phải đối mặt, khi nhà tuyển dụng muốn trả ít hơn kỳ vọng của người lao động”, CEO JobHopin phân tích tiếp.
Cũng theo JoHopin, quan hệ khách hàng, chăm sóc khách hàng và pháp chế là 3 mảng đang ‘khát nhân lực’ nhất; cả 3 đều tăng trưởng 100% trong năm nay song ứng viên từng ngày lại đang giảm tương đương 25% - 50% - 0%.
Trong quá trình tuyển dụng, JobHopin nhận thấy các ngân hàng thường yêu cầu cao về kinh nghiệm của ứng viên (đã từng làm và có sẵn hiểu biết về ngành ngân hàng) nhằm tiết kiệm chi phí đào tạo. Điều này dẫn đến khó khăn trong quá trình tuyển dụng.
Founder kiêm CEO của JobHopin đang chia sẻ trong buổi giới thiệu sự kiện Finovate Product Day: Định hình tương lai ngành dịch vụ tài chính.
Bên cạnh đó, do sụt giảm trong nguồn cung nhân lực, các doanh nghiệp sẽ cần có những chiến lược khôn ngoan nhằm tiếp cận người tìm việc một cách dễ dàng hơn.
Theo một cuộc khảo sát do JobHopin thực hiện trên 132.000 hồ sơ nhân sự trong ngành dịch vụ tài chính, trước khi ứng tuyển vào công ty, 73% người tìm việc nghiên cứu về công ty thông qua trang web của họ, tham khảo các đánh giá về công ty trên các nền tảng HR như LinkedIn, Facebook và các nhóm trò chuyện trên nền tảng Zalo.
“Vậy nên, để đạt được hiệu quả tuyển dụng cao hơn, các công ty cần đầu tư cho công tác Xây dựng Thương hiệu Nhà tuyển dụng”, Kevin Tùng Nguyễn đề xuất.
Ngành dịch vụ tài chính với ngân hàng
Cụ thể: Trong quý III/2022, ngân hàng cần 18.220 nhân sự tăng 61,89%, bảo hiểm cần 2.016 tăng 6,85% và dịch vụ tài chính (fintech/đầu tư/môi giới/kế toán-kiểm toán) tăng 31,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị thị trường – giá trị/công việc của ngành ngân hàng là 27,7 triệu USD – 761 USD, ngành bảo hiểm 3,6 triệu USD – 893 USD, ngành dịch vụ tài chính là 20,5 triệu USD – 1.113 USD.
Có thể xem ngành dịch vụ tài chính là ‘ngôi sao mới nổi’ của ngành ngân hàng – tài chính ở thời điểm hiện tại.
Nhu cầu thị trường nhân lực ngành ngân hàng - tài chính trong tương lai.
“Theo số liệu ở ảnh trên, trong tương lai, giả định, số lượng việc làm trong ngành ngân hàng – tài chính sẽ tăng đáng kể do hiện nay đang là mùa cao điểm tuyển dụng dù sẽ không tăng mạnh như năm ngoái (55%). Tuy nhiên, giá trị thị trường vẫn sẽ không tăng do nhiều nguyên nhân dẫn đến các công ty phải cắt giảm chi phí.
Trong tất cả, dịch vụ tài chính sẽ có mức tăng cao nhất cả ở số lượng lẫn chất lượng do Việt Nam vẫn được coi là thị trường an toàn để đầu tư và có nhiều tiềm năng tăng trưởng. Điều này được chứng minh qua việc tăng trưởng GDP quý III/2022 đã đạt 13,67% và có tiềm năng tiếp tục tăng trong quý IV.
Ví dụ: lượng nhân sự mà ngành dịch vụ tài chính cần trong tương lai sẽ tăng 30% trong khi ngành ngân hàng chỉ tăng 15%; giá trị/công việc của ngành dịch vụ tài chính là 1.027 USD trong khi ngành ngân hàng chỉ 715 USD.
Tuy nhiên, giá trị trên mỗi đầu việc sẽ giảm do các công ty sẽ phải đối phó với những thách thức mới trên thị trường”, CEO JobHopin kết luận.
Cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tài chính (fintech). Thị trường fintech nói riêng và thị trường tài chính nói chung tại Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo Nikkei, Việt Nam thuộc nhóm thị trường fintech cạnh tranh nhất châu Á, đặc biệt là giữa các công ty fintech nội địa với những startup kỳ lân giàu tiềm lực.
Báo cáo Thị trường Fintech Việt Nam năm 2021 cũng chỉ ra: cả nước có 156 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực này, tăng gần 255% từ năm 2017. Trong đó các công ty hướng đến nhiều phân khúc đa dạng như dịch vụ thanh toán, đầu tư tài chính, kế toán-kiểm toán, cho vay cá nhân, cho vay doanh nghiệp, tín dụng tiêu dùng, tiền điện tử, ngân hàng số, v.v.
Việc áp dụng các sản phẩm công nghệ cho phép khách hàng chủ động kiểm soát hơn với dữ liệu cá nhân, tăng số lượng giao dịch và tăng doanh thu toàn thị trường.
Dòng vốn đầu tư mạo hiểm ước tính lên tới hàng tỷ USD từ nước ngoài đổ vào các startup fintech cho thấy tiềm năng khổng lồ của lĩnh vực này. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp fintech và tỷ lệ giao dịch phi tiền mặt tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với những nước khác trong Đông Nam Á.
Theo đó, các ngân hàng truyền thống đang đối mặt với thách thức trong cuộc đua số hóa bởi họ phải vừa phải không ngừng đổi mới để bắt kịp dòng chảy công nghệ vừa phải hợp tác với các công ty fintech, nếu không muốn bị tụt lại phía sau.