"Nền kinh tế lớn nhất EU không thể thiếu Trung Quốc"
Hãng tin RT dẫn lời ông Ola Kaellenius trả lời tờ Bild am Sonntag cho biết, ngày càng có nhiều lo ngại ở Liên minh châu Âu (EU) nói chung và Đức nói riêng về sự phụ thuộc kinh tế của khu vực này vào Trung Quốc, một trong những đối tác thương mại hàng đầu, cũng là nhà cung cấp nguyên liệu thô quan trọng cho quá trình chuyển đổi xanh.
Ông Kaellenius nói: "Những người chơi chính trong nền kinh tế toàn cầu – Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc – liên kết với nhau chặt chẽ đến mức việc tách khỏi Trung Quốc là ảo tưởng và không ai mong muốn".
Trung Quốc có thị trường ô tô lớn nhất thế giới và các nhà sản xuất ô tô Đức phụ thuộc rất nhiều vào thị trường này.
Các cổ đông chính của Mercedes-Benz là Tập đoàn BAIC Trung Quốc và Chủ tịch Geely Li Shufu. Theo Reuters, vào năm 2022, Trung Quốc chiếm 18% doanh thu và 37% doanh số bán ô tô của Mercedes-Benz.
Ngoài ra, dữ liệu cho thấy trong quý đầu tiên của năm 2023, Mercedes-Benz đã giao tổng cộng 181.284 xe mới tại Trung Quốc, đạt được sự phát triển chất lượng cao trong nhiều phân khúc kinh doanh.
"Số liệu bán hàng của chúng tôi ở Trung Quốc đang tăng lên và tôi khá lạc quan rằng chúng tôi cũng sẽ tăng trưởng trong năm nay", ông Kaellenius cho biết.
Khi được hỏi liệu Mercedes-Benz có thể ngừng kinh doanh tại Trung Quốc hay không, ông chủ Mercedes-Benz trả lời: "Điều đó là không thể tưởng tượng được đối với gần như toàn bộ ngành công nghiệp Đức".
Đức phụ thuộc vào Trung Quốc về lĩnh vực điện tử
Một phân tích gần đây của Viện Kiel cho thấy sự phụ thuộc của nền kinh tế Đức vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có giảm nhưng nhìn chung Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp thống trị thị trường thế giới và Đức, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử.
Theo phân tích này, các nhóm sản phẩm không thể thiếu đối với nền kinh tế Đức và đặc biệt phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, là máy tính xách tay với tỷ trọng nhập khẩu khoảng 80%, điện thoại di động (68%), một số sản phẩm dệt may (69%), linh kiện chụp ảnh và LED (61%), bảng mạch in (58%) v.v...
Một số nguyên tố đất hiếm và nguyên liệu thô quan trọng phục vụ sản xuất trong lĩnh vực công nghệ đặc biệt và được EU xếp vào danh mục then chốt cũng bị Trung Quốc chi phối.
Ví dụ, Đức nhập hơn 85% scandium và antimon từ Trung Quốc. Những nguyên tố này được sử dụng trong sản xuất pin hoặc lớp phủ bề mặt.
Đức cũng rất phụ thuộc Trung Quốc về một số sản phẩm y tế, như khẩu trang y tế hoặc thuốc giảm đau, với tỷ trọng nhập khẩu trong một số trường hợp lên tới hơn 90%.