Những sự kiện quốc tế lớn thường có tác động rất lớn đến nhà đầu tư trong nước, mới nhất câu chuyện căng thẳng Nga - Ukraine lại khiến thị trường chứng khoán dậy sóng với nhiều tác động khác nhau.
Một trong các ảnh hưởng của sự kiện này là giá dầu và giá hàng hóa liên tục lập các mức đỉnh mới, từ đó khiến giới đầu tư lo ngại về một chu kỳ lạm phát mới.
Trong chương trình Bí mật đồng tiền, CEO Passion Investment Lã Giang Trung nhận định nếu giá dầu tiếp tục tăng lên 120- 150 USD /thùng, kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt rủi ro lớn.
"Nếu điều đó xảy ra có thể dẫn đến tình trạng lạm phát đình đốn (stagflation) mà rất lâu rồi thế giới mới có thể xảy ra. Tức là lạm phát rất mạnh nhưng tình trạng nền kinh tế lại suy thoái, đình đốn", ông Trung nói.
Vị này giải thích thông thường kinh tế tăng trưởng mạnh mới có lạm phát. Tuy nhiên, kinh tế thế giới hiện tại đình đốn vì Covid-19, trong khi giá dầu lại tăng mạnh bởi nguồn cung sụt giảm và dẫn đến lạm phát tăng, điều này là rất khác so với thông thường.
Do yếu tố lạm phát đình đốn trên nên các ngân hàng trung ương sẽ khó tăng lãi suất bởi nền kinh tế suy giảm vì Covid-19, đó là trường hợp rất khó.
Ông Trung nhắc lại căng thẳng địa chính trị đang đẩy giá dầu và giá hàng hóa tăng mạnh có khả năng gây lo ngại về lạm phát đình đốn, đứt gãy chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu.
"Sắp tới FED dự kiến sẽ tăng lãi suất nhưng trước tình trạng như hiện tại họ có thể lưỡng lự. Không tăng thì lạm phát tăng quá nhanh mà tăng lãi suất thì kinh tế thế giới rơi vào trạng thái rủi ro. Đây là giai đoạn rủi ro với nền kinh tế thế giới và đối với các thị trường chứng khoán", vị chuyên gia đánh giá.
Đối với lo ngại về giá dầu tăng đến anh ninh năng lượng Việt Nam, Phó giám đốc SSI Research Phạm Lưu Hưng cho rằng tác động là không nhiều.
Việt Nam có 2 nhà máy lọc dầu và đang mở rộng thêm các dự án. Tính về mặt công suất thì các nhà máy này đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và Việt Nam vẫn còn kênh nhập khẩu từ các thị trường xung quanh.
"Ngoài ra, khi giá dầu tăng cao thì thu ngân sách nhà nước liên quan cũng khá lớn. Số liệu thu ngân sách về xăng dầu 2 tháng đầu năm và số tiền đó có khả năng thừa để bù đắp cho phần sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu", chuyên gia SSI chia sẻ.
Về kiểm soát lạm phát trong nước, CEO Passion Investment đánh giá Việt Nam đã có kinh nghiệm kiểm soát lạm phát rất tốt trong thời gian vừa qua.
Vị chuyên gia nhấn mạnh lạm phát trong nước cũng đã có dấu hiệu tăng lên do ảnh hưởng từ lạm phát trên thế giới, dù nền kinh tế chưa hồi phục nhanh như nhiều nước khác. Do đó, bài toán tăng lãi suất cũng rất khó với Việt Nam.
Với kinh nghiệm kiểm soát lạm phát trước đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ rất quan tâm nếu số liệu lạm phát tháng 3 và 4 bắt đầu có vấn đề. Việc tăng lãi suất có thể chưa diễn ra nhưng có thể sẽ không nới lỏng tiền tệ nữa.
Ông Trung dẫn chứng "mức lạm phát hơn 20% của năm 2008 và 2011 đã khiến thị trường chứng khoán lao dốc rất mạnh" để kết luận rằng lạm phát tăng mạnh thường rất xấu cho đầu tư chứng khoán.