Vừa qua, nhân sự kiện Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam chính thức khai trương Hội sở mới tại Hà Nội, các lãnh đạo của Standard Chartered Việt Nam và khu vực đã dành một cuộc trả lời phỏng vấn cho báo chí. Thời báo Ngân hàng thông tin về cuộc phỏng vấn này.
Các vị nhìn nhận thế nào về thị trường Việt Nam và triển vọng thời gian tới?
Ông Patrick Lee, Tổng Giám đốc khu vực phụ trách Singapore và các thị trường ASEAN khác bao gồm Malaysia, Việt Nam, Thái Lan và các văn phòng đại diện trong khu vực kiêm Chủ tịch hội đồng thành viên Standard Chartered Việt Nam: Chúng tôi đánh giá tích cực về Việt Nam cũng như vị trí của Việt Nam trong ASEAN. Standard Chartered hiện diện ở cả 10 thị trường ASEAN và trong đó Việt Nam là một trong những thị trường hết sức quan trọng. Chúng tôi định hình Việt Nam là một thị trường có tiềm năng cao, hiệu quả cao. Tôi cho rằng, nền kinh tế Việt Nam được quản lý và vận hành tốt, có tăng trưởng nhanh và ổn định. Mặc dù gần đây chúng ta thấy những cơn gió ngược, những thách thức và bất định lớn từ bên ngoài nhưng nếu nhìn vào Việt Nam và vị thế của Việt Nam trong ASEAN, chúng tôi vẫn thấy những tiềm năng rất lớn.
Một số yếu tố có thể kể ra như: (1) Các tập đoàn, DN lớn vẫn đang trong quá trình tìm kiếm mở rộng và đa dạng hóa chuỗi cung ứng và sản xuất của họ và trong bối cảnh đó, ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng vẫn là những điểm đến được hưởng lợi rất lớn từ quá trình này. Việt Nam có nền chính trị ổn định, hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư, hoàn thiện; luồng vốn FDI vào Việt Nam và ASEAN tiếp tục tăng cao và xu hướng này vẫn tiếp tục; (2) Với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, đây là khu vực có vị trí địa lý và nhân khẩu học quan trọng, với tầng lớp dân số trung lưu ngày càng gia tăng - qua đó nhu cầu dịch vụ, tiêu dùng cũng sẽ ngày càng tăng lên và cho thấy dư địa lớn cho phát triển của thị trường nội địa, nội khối.
Việt Nam là một thị trường năng động và đóng một vai trò quan trọng trong mạng lưới hoạt động của Standard Chartered trên toàn cầu. Việc Standard Chartered Việt Nam vừa chính thức khai trương Hội sở mới tại Hà Nội ngày 22/6 chính là khẳng định cam kết mạnh mẽ và lâu dài của Standard Chartered tại Việt Nam. Chúng tôi nhìn nhận thị trường Việt Nam rất tích cực và sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng hoạt động, nâng cao thương hiệu của Standard Chartered tại thị trường này.
Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam: Góc nhìn của tôi từ trước đến nay là rất rõ ràng. Năm nay, theo dự báo của Standard Chartered, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,7%. Chúng tôi vẫn tự tin vào sự phục hồi của kinh tế Việt Nam và không chỉ trong năm nay mà năm tới (2023), chúng tôi dự báo tăng trưởng có thể ở mức 7%. Tôi cho rằng nếu Chính phủ vẫn tập trung vào hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động kinh tế và giữ lãi suất tái cấp vốn ổ định sẽ là tín hiệu tích cực để tiếp tục thúc đẩy các hoạt động kinh tế của đất nước.
Một điểm khác mà tôi cho là cũng rất tích cực là việc Việt Nam đã kiểm soát thành công Covid-19. Hiện Việt Nam đang tiếp tục đẩy việc tiêm mũi vắc xin thứ 4, bản thân tôi cũng đã được mời tiêm mũi vắc xin thứ 4. Tôi nghĩ rằng, nếu chính sách đối phó với Covid như vậy được tiếp tục, Việt Nam giữ được là một trong số sáu quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin cao nhất thế giới thì đây là yếu tố rất tích cực với tất cả chúng ta. Bởi khi dòng vốn FDI vào tìm kiếm cơ hội đầu tư, họ không chỉ quan tâm tới những yếu tố như ông Patrick Lee vừa đề cập mà còn rất quan tâm đến cách thức kiểm soát, quản lý với đại dịch Covid.
Cho nên, tôi thấy mọi thứ đều đang rất tích cực. Chúng ta đang sinh sống và làm việc ở đây, trên đất nước này và đều thấy thế này: Nếu chỉ nhìn từ tháng 10 năm ngoái so với hiện nay, sẽ thấy một sự khác biệt rõ rệt. Mọi thứ lúc này đã trở lại bình thường.
Hồi đầu năm nay, chúng tôi đã dự báo rằng, việc mở cửa trở lại sẽ giúp nền kinh tế phục hồi nhanh và sự phục hồi trên diện rộng sẽ rõ nét từ quý II này và đến nay thì thực tế đang diễn ra đúng như vậy. Ví dụ vào tháng trước, doanh thu mảng bán lẻ của Standard Chartered Việt Nam đã tăng trưởng tới 26% so với cùng kỳ.
Vì thế tôi tin rằng, khi nền kinh tế không còn bị đóng cửa vì đại dịch Covid, Chính phủ tiếp tục quyết liệt hành động để hỗ trợ phục hồi, hướng đến tương lai với những cải cách được tiếp tục thì tương lai của Việt Nam là xán lạn.
Lạm phát và cuộc khủng hoảng năng lượng đang là chủ đề nóng hiện nay, tạo ra nhiều thách thức cho kinh tế toàn cầu. Vậy, ông/bà đánh giá thế nào về các tác động của vấn đề này với Việt Nam?
Bà Michele Wee: Chúng tôi đã từng nói, Việt Nam là một ngôi sao đang lên trong thương mại quốc tế cũng như trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng ta đều đồng ý với thực tế đó. Và cùng vì thực tế đó, nên tất nhiên những bất ổn địa chính trị và kinh tế hiện nay trên thế giới, trong đó có vấn đề năng lượng, cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nói, chúng ta cần tồn tại và thích ứng với bối cảnh như vậy. Và tôi đã nhìn vào tất cả các cải cách đã được thiết lập như trong Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0; việc tiếp tục hỗ trợ các DN với gói hỗ trợ lãi suất 2%; việc kéo dài Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đến hết năm tới… tất cả đều cho thấy các tín hiệu tích cực, cho thấy Chính phủ đang cố gắng tạo thuận lợi và giúp nền kinh tế phục hồi.
Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy các áp lực lạm phát từ phía nguồn cung, việc các nền kinh tế lớn tăng mạnh lãi suất để đối phó với lạm phát… sẽ gây ra các khó khăn cho tất cả và là vấn đề mà cả thế giới phải đối mặt hiện nay. Chúng ta (Việt Nam) sẽ không thể tách biệt (không chịu ảnh hưởng gì) từ các vấn đề như vậy. Nhưng tôi nghĩ, các tác động như vậy có thể sẽ có độ trễ đến Việt Nam và có thể về mặt chính sách tiền tệ, chúng ta sẽ thấy Chính phủ, NHNN sẽ ứng phó với các tác động này bằng cách tăng lãi suất vào năm tới. Đây là những vấn đề cần phải theo dõi sát. Tuy nhiên năm nay, tôi cho rằng ưu tiên và tập trung của Chính phủ vẫn cần phải tập trung vào phục hồi các hoạt động kinh tế và giữ lãi suất thấp như hiện nay để đưa nền kinh tế trở lại mức tăng trưởng như trước đại dịch.
Ông Patrick Lee: Đúng là vấn đề khủng hoảng giá năng lượng đang là vấn đề không chỉ Việt Nam mà tất cả các nền kinh tế khác trên toàn cầu đang phải đối mặt hiện nay. Nhưng tôi nghĩ Việt Nam đã có những hành động để giảm bớt tác động và cũng đang có kế hoạch để giảm thiểu tác động cho cả ngắn và trung hạn cũng như trong dài hạn. Bên cạnh đó, Việt Nam vừa là nước phải nhập khẩu xăng dầu cho tiêu thụ trong nước nhưng cũng là nước có nguồn từ sản xuất và một phần dầu thô cho xuất khẩu nên cũng giúp giảm được phần nào tác động từ bên ngoài trong vấn đề nhập khẩu xăng dầu. Tuy nhiên, đây đúng là một thách thức lớn trong hiện tại.
Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện nay (với triển vọng xấu đi) diễn ra cùng lúc với lạm phát tăng cao; việc Fed tăng mạnh lãi suất hơn dự kiến, cuộc xung đột tại Ucraine… cũng là nhưng vấn đề đặt ra lúc này. Nhưng tôi tin các vấn đề này theo các cách thức khác nhau sẽ dần bớt căng thẳng, giá dầu cũng sẽ dần hạ nhiệt, từ đó giúp giảm bớt các áp lực.
Thưa Michele Wee, bà vừa nói tác động đến Việt Nam sẽ chậm hơn các nước khác, tại sao vậy?
Bà Michele Wee: Đây chỉ là quan điểm cá nhân của tôi. Nhưng tôi cho rằng, hiện có nhiều dấu hiệu tích cực. Ví dụ, Việt Nam được hưởng lợi từ chiến lược Trung Quốc +1 của các tập đoàn đa quốc gia và hoạt động xuất khẩu vẫn rất tích cực; việc kiểm soát và quản lý đại dịch Covid của Việt Nam rất tốt đã giúp các hoạt động kinh tế trở lại bình thường và nền kinh tế tổng thể mạnh mẽ; và chúng ta vẫn thấy nhu cầu và dòng vốn FDI đổ mạnh vào Việt Nam… Đấy là những yếu tố cho thấy những tín hiệu tích cực. Nói cách khác Việt Nam đang có được đà/động lực tốt và nếu động lực này được duy trì thì những tác động bên ngoài sẽ chậm lại, có thể rõ nét hơn sẽ vào năm 2023.
Tất nhiên nó còn phụ thuộc vào diễn biến bên ngoài cụ thể thế nào. Ví dụ, nếu xảy ra suy thoái với kinh tế Mỹ - đối tác xuất khẩu số 1 của Việt Nam - thì sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam sớm hơn. Vì thế chúng ta phải theo dõi sát các biến động vĩ mô và những tác động của nó.
Vậy liệu rủi ro Stagflation (kinh tế đình lạm: tăng trưởng thấp, lạm phát cao) với kinh tế Việt Nam như nhiều tổ chức, chuyên gia thời gian gần đây đã cảnh báo với nhiều nền kinh tế trên toàn cầu có xảy ra?
Ông Patrick Lee: Tôi cho rằng kinh tế toàn cầu năm nay sẽ chậm lại đi cùng với lạm phát tăng cao nhưng với khu vực ASEAN và Việt Nam nói riêng, sự chậm lại sẽ không đáng kể. Tôi nghĩ, Việt Nam đang có những động lực, có những gối đệm để giảm bớt tác động hoặc đối phó lại với xu hướng trên của toàn cầu. Như tôi đã nói, FDI vẫn chảy vào Việt Nam trong bối cảnh nhiều DN toàn cầu đang nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng và sản xuất. Thực tế, chúng ta đã thấy có nhiều doanh nghiệp, trong đó có các khách hàng của chúng tôi đã chuyển hoạt động sản xuất, dịch chuyển chuỗi cung ứng của họ sang ASEAN, đặc biệt là Việt Nam. Vì vậy, xu hướng dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam vẫn rất tích cực. Điều này sẽ giúp phần nào giảm bớt tác động của nguy cơ tăng trưởng chậm lại.
Bên cạnh đó, với dân số đông và nhân khẩu học với lực lượng dân số trẻ tham gia vào thị trường lao động tăng, tầng lớp dân số trung lưu ngày càng gia tăng sẽ giúp nhu cầu với các dịch vụ và tiêu dùng ngày càng tăng lên trong những năm tới. Đây cũng là những yếu tố giúp giảm nguy cơ kinh tế suy giảm nếu xảy ra các trường hợp như xuất khẩu vào Mỹ, EU giảm xuống, cũng như giúp phần nào giảm bớt áp lực của giá nhiên liệu tăng cao.
Bà Michele Wee: Tôi muốn bổ sung thêm một ý liên quan đến vấn đề này: Năm nay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống là 14%, và hiện nay thì mục tiêu này đã đạt quá nửa. Một trong những công cụ mà NHNN có thể sử dụng để ngăn chặn nếu lạm phát tăng quá cao là cắt giảm tăng trưởng tín dụng. Chúng ta cần tiếp tục thận trọng theo dõi xem cách thức mà Chính phủ và NHNN sẽ quản lý và đối phó nếu lạm phát tăng quá nhanh thế nào.
Nên đúng là có rủi ro, như bạn vừa hỏi, đó là rủi ro lạm phát tăng trong khi các hoạt động kinh tế chậm lại. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này thế nào cần xem xét rất thận trọng, đảm bảo giữ được sự cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và giữ cho các hoạt động kinh tế diễn ra bình thường. Chúng tôi cũng đang xem xét và theo dõi xem NHNN sẽ quản lý vấn đề này như thế nào. Nhưng trong vai trò là Chủ tịch mới của Nhóm công tác Ngân hàng (Banking Working Group thuộc VBF) thì Nhóm công tác Ngân hàng luôn thường xuyên có các trao đổi, phản hồi với NHNN về các vấn đề mà các tổ chức tín dụng gặp phải trong hoạt động.
Xin cảm ơn ông, bà về cuộc trao đổi này.