Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài hơn 188km, quy mô phân kỳ 4 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng gần 44.700 tỷ đồng, được triển khai đầu tư theo hình thức đầu tư công.
Dự án được chia thành 4 dự án thành phần với mục tiêu kết nối các trục dọc, các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam.
Hơn nửa số gói thầu xây lắp đã chọn xong đơn vị thi công
Theo báo cáo từ Bộ Giao thông Vận tải, dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được chia làm 4 dự án thành phần gồm dự án thành phần 1 chiều dài 57,01km, tổng mức đầu tư khoảng 13.799 tỷ đồng do tỉnh An Giang làm cơ quan chủ quản; dự án thành phần 2 chiều dài khoảng 37,42 km, tổng mức đầu tư khoảng 9.845 tỷ đồng do thành phố Cần Thơ làm cơ quan chủ quản; dự án thành phần 3 chiều dài khoảng 36,68 km; tổng mức đầu tư khoảng 9.927 tỷ đồng do tỉnh Hậu Giang làm cơ quan chủ quản; dự án thành phần 4 chiều dài khoảng 58,37km, tổng mức đầu tư khoảng 11.120 tỷ đồng do tỉnh Sóc Trăng làm làm cơ quan chủ quản.
Theo kế hoạch, một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn của dự án sẽ được hoàn thành năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026. Toàn dự án sẽ được đưa vào khai thác đồng bộ năm 2027.
Về công tác giải phóng mặt bằng, hiện tại các địa phương đã bàn giao mặt bằng gần 1.200 ha, đạt 90,5%. Trong đó, dự án thành phần 1 được bàn giao gần 1.358 ha, đạt 91%; dự án thành phần 2 được hơn 207ha, đạt gần 87%; dự án thành phần 3 đạt xấp xỉ 238ha, đạt hơn 91% và dự án thành phần 4 đạt hơn 30ha, đạt 92%.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đang phấn đấu bàn giao diện tích còn lại trước ngày ngày 31/12/2023 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Dự án cao tốc sử dụng 11 khu tái định cư gồm 4 khu có sẵn (An Giang 2 khu, Cần Thơ 2 khu) và 7 khu xây dựng mới (An Giang 1 khu, Hậu Giang 2 khu, Sóc Trăng 4 khu); các khu tái định cư hiện đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng.
Về tiến độ triển khai thi công, trong 14 gói thầu xây lắp thuộc 4 dự án thành phần, tính đến hết tháng 8/2023 có 8 gói thầu đã lựa chọn được nhà thầu. Trong đó, 5 gói thầu đang thi công, các nhà thầu đang huy động công trường tập kết máy móc thiết bị thi công các hạng mục liên quan, xây dựng lán trại và tập trung thi công đào bóc hữu cơ và nền đường công vụ.
Đối với 6 gói thầu còn lại, tiến độ công tác thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu triển khai còn chậm. Vì thế, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu việc lựa chọn nhà thầu với các gói xây lắp còn lại dự kiến hoàn thành trong quý 4/2023.
Nguồn cung cấp cát đắp nền cho dự án còn chậm
Một trong những thách thức lớn nhất đối với việc thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hiện nay là nguồn vật liệu.
Theo kết quả tính toán, tổng nhu cầu vật liệu cho dự án gồm cát đắp nền đường khoảng 29,73 triệu m3 ; cát xây dựng khoảng 0,99 triệu m3; đá xây dựng các loại khoảng 4,48 triệu.
Với vật liệu cát đắp nền, tỉnh An Giang (dự án thành phần 1), tỉnh Sóc Trăng (dự án thành phần 4) đã có phương án bố trí các mỏ trên địa bàn để cung cấp đủ cho dự án.
Bên cạnh đó, thành phố Cần Thơ (dự án thành phần 2) và tỉnh Hậu Giang (dự án thành phần 3) đã làm việc và được tỉnh An Giang (nơi có nguồn cát) thống nhất cung cấp khoảng 7,5 triệu m3.
Hiện nay, các địa phương đang phối hợp để thống nhất về phương án, thủ tục giao mỏ cho nhà thầu triển khai các thủ tục để khai thác. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá việc cung cấp cát đắp nền của các địa phương chậm so với yêu cầu.
Cụ thể, tại tỉnh An Giang, nguồn cát tại địa phương cơ bản cân đối đủ cát đắp nền của dự án thành phần 1 nhưng do khu vực đang triển khai đồng loạt nhiều dự án quan trọng, phải điều phối cát, trữ lượng cung cấp cát cho dự án bị ảnh hưởng.
Với tỉnh Sóc Trăng, tháng 7/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 35 quyết định biện pháp quản lý, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho dự án thành phần 4 (gồm 7 mỏ, tổng trữ lượng khoảng 17 triệu m3).
Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đang hoàn thiện thủ tục để khai thác 7 mỏ trong quy hoạch, sau khi được khai thác sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu. Trong khi chờ hoàn thành thủ tục, chủ đầu tư chưa có phương án cụ thể về nguồn cát thực hiện gói thầu đã khởi công.
Tại thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, tổng nhu cầu cát đắp khoảng hơn 12 triệu m3. Tỉnh An Giang đã cam kết chuyển giao một số mỏ cát tại khu vực Bình Phước Xuân, Long Điền A, Kiến An cho Cần Thơ và Hậu Giang khai thác, tổng trữ lượng khoảng 7,5 triệu m3, chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Mặt khác, các mỏ này hiện vẫn đang vướng mắc về thủ tục khai thác.
Vào ngày 9/2/2023, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã chủ trì buổi làm việc với các địa phương để trao đổi về việc dự kiến giao 2 mỏ cát cho thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang. Dù vậy, đến nay 2 mỏ cát nêu trên chưa hoàn thành thủ tục khai thác.
Do đó, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác nguồn vật liệu xây dựng thông thường cấp cho dự án, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Quốc hội hội xem xét ban hành Nghị quyết hoặc nghiên cứu điều chỉnh một số Luật liên quan (Luật Khoáng sản, Luật Đất đai) theo hướng cho phép giao mỏ trực tiếp để khai thác phục vụ riêng cho dự án nhằm đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản và được phép thu hồi đất đối với các mỏ vật liệu nằm trong hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu để phục vụ thi công công trình trọng điểm.