Đoàn công tác của Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa đến làm việc tại một số cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Hà Nội và một số địa phương về việc tháo gỡ vướng mắc trong thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giai đoạn trước năm 2021.
Tại Hà Nội, Đoàn công tác đã làm việc với Bệnh viện Bạch Mai. Ông Vũ Văn Hồng, Phó Giám đốc phụ trách kinh tế Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trong 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bệnh viện Bạch Mai - đơn vị được thí điểm tự chủ toàn phần gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực tài chính. Riêng với việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vẫn là một trong những vấn đề tồn đọng thời gian dài với nhiều vướng mắc.
Theo báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay, một số vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của bệnh viện thuộc giai đoạn 2017-2020. Trong đó, các nội dung đã được thanh toán sau khi có kết luận của Bộ Y tế hoặc sau khi bệnh viện làm việc với lãnh đạo cơ quan bảo hiểm xã hội nhưng chưa được thanh toán giai đoạn trước kết luận khoảng gần 4 tỷ đồng. Các nội dung từ chối thanh toán gồm 13 hạng mục, chủ yếu liên quan tới các dịch vụ kỹ thuật.
Ông Vũ Văn Hồng, Phó Giám đốc phụ trách kinh tế Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh - BHXH Việt Nam.
Đối với một số vướng mắc chưa thống nhất, Bệnh viện Bạch Mai đưa ra 9 hạng mục với khoảng 26 tỷ đồng chưa được thanh toán. Đặc biệt, riêng khoản chi phí vượt tổng mức thanh toán năm 2020 là gần 21,8 tỷ đồng.
Về số tiền hơn 3,1 tỷ đồng bị từ chối thanh toán trong khoảng thời gian năm 2016-2017 (đối với nội dung xuất toán phẫu thuật mổ Oarm), Bệnh viện Bạch Mai khẳng định và cam kết "tất cả các dịch vụ kỹ thuật trên đã thực hiện cho người bệnh bảo hiểm y tế trong thời gian thí điểm, chờ quyết định phê duyệt chính thức và theo đúng yêu cầu chuyên môn, không lạm dụng, không thu của người bệnh bất cứ chi phí nào thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế". Ngoài ra, Bệnh viện Bạch Mai cũng nêu 4 nội dung bất cập về cơ chế, chính sách với số tiền đề nghị thanh toán là hơn 1,1 tỷ đồng.
Bệnh viện Bạch Mai kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam một số nội dung như: Phối hợp với Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ bãi bỏ Điều 24 Nghị định số 146/NĐ-CP; dữ liệu gửi hồ sơ thay thế được phép gửi trước ngày 15 của tháng kế tiếp; đối với các máy đưa vào sử dụng từ năm 2018 trở về trước nhưng không đầy đủ hồ sơ máy, xem xét thanh toán khi nhóm thiết bị đã ghi nhận trong số tài sản cố định của bệnh viện.
Cho rằng những nội dung mà Bệnh viện Bạch Mai đề cập đa phần đều tồn tại từ thời gian trước, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội nhấn mạnh, có những nội dung phải thực hiện theo đúng quy trình và quy định của pháp luật. “Hiện còn tồn khoảng 10.000 hồ sơ, trong đó có 34 hồ sơ bệnh viện không cung cấp được hồ sơ bệnh án, nên phía Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội không thể thanh toán được”, ông Hòa nêu rõ.
Liên quan đến vấn đề thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tồn đọng trong giai đoạn 2020-2021, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định Bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) nhấn mạnh, Điều 32 Luật Bảo hiểm y tế có quy định thời điểm quyết toán là tháng hoặc quý.
Vì vậy, Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội đã thực hiện đúng công tác thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với Bệnh viện Bạch Mai. Riêng đối với những đề xuất hồi tố chi phí của Bệnh viện Bạch Mai, ông Dương Tuấn Đức cho rằng, cần phải nghiên cứu, thảo luận kỹ hơn, bởi việc này thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý cấp cao hơn.
Theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), thời gian qua, con số thanh quyết toán của Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2019-2021 giảm rõ rệt, ảnh hưởng lớn tới hoạt động của bệnh viện mà nguyên nhân chủ yếu được nhận định là do tác động của dịch Covid-19.
Ông Phúc cho rằng để khắc phục những tồn đọng này, Bệnh viện Bạch Mai cần tập trung chuẩn hóa dữ liệu để phục vụ hiệu quả công tác thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, cũng như quản lý quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế… Đối với những kiến nghị của Bệnh viện Bạch Mai, theo ông Phúc, cần nêu rõ các nội dung như chậm thanh toán hay chưa thanh toán và nguyên nhân…
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn. Ảnh: BHXH Việt Nam.
Về các nội dung đề cập của Bệnh viện Bạch Mai, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn nhấn mạnh rằng cần thống nhất cách đặt vấn đề, nhìn nhận vấn đề theo đúng thực tế. “Cơ quan bảo hiểm xã hội không nợ chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh. Những khoản chưa thanh toán được hiện nay là do hồ sơ chưa đủ, chưa đúng. Vì vậy, cần giải quyết sao cho hồ sơ đúng, đủ, đảm bảo cho công tác thanh quyết toán đúng quy định”, ông Sơn nêu rõ.
Đối với một số khoản chưa thanh toán được do khó khăn về phân loại, cần có một tổ phân loại, bóc tách các cấu phần để thanh toán, với những khoản thanh toán được thì sẽ thực hiện ngay.
“Quan điểm chung của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đặt quyền lợi người bệnh lên trên hết. Tuy nhiên, đối với những việc có nguy cơ vi phạm pháp luật thì phải xử lý”, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn nhấn mạnh.