Trước khi bị bắt bất ngờ vào đêm thứ Hai, ngày 12 tháng 11, Sam Bankman-Fried đã nói với các cơ quan quản lý của Bahamas rằng anh ấy “vô cùng xin lỗi vì đã để mình đến bước đường này”. Chưa rõ Sam xin lỗi vì điều gì, nhưng khi bị áp giải và còng tay, anh đã thẳng thừng phủ nhận hành vi lừa đảo của mình trước nhà báo Andrew Ross Sorkin của CNBC và người dẫn chương trình George Stephanopoulos của ABC News.
Một ngày sau khi bị bắt, các công tố viên và cơ quan quản lý liên bang đã công bố hàng chục trang hồ sơ và cáo buộc liên quan đến vụ việc chấn động. Sam Bankman-Fried không chỉ thực hiện hành vi lừa đảo mà còn thực hiện hành vi đó “ngay từ đầu”.
SEC và Ủy ban giao dịch hàng hóa kỳ hạn (CFTC), cùng với các công tố viên liên bang từ Văn phòng công tố Hoa Kỳ đã cáo buộc Bankman-Fried là người đứng sau toàn bộ vụ gian lận này. Đây được coi là một trong những vụ án tài chính lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Các cáo buộc được trình lên với tốc độ đáng kinh ngạc. Sam Bankman-Fried đã thành lập quỹ phòng hộ tiền điện tử Alameda Research vào tháng 11 năm 2017 và thuê văn phòng tại Berkeley, California. Sam tốt nghiệp MIT, làm việc tại Công ty quản lý quỹ kinh doanh Jane Street Capital và tham gia vào lĩnh vực tiền điện tử với một người bạn cùng lớp - Gary Wang.
Alameda Research về cơ bản là một công ty chuyên kinh doanh chênh lệch giá, mua bitcoin với giá thấp hơn từ một sàn giao dịch và bán nó với giá cao hơn tại một sàn giao dịch khác. Chênh lệch giá cả ở Hàn Quốc so với các quốc gia còn lại trên thế giới đã cho phép Bankman-Fried và Wang thu được lợi nhuận khổng lồ.
Vào tháng 4 năm 2019, Bankman-Fried và Wang đã thành lập FTX.com - một sàn giao dịch tiền điện tử quốc tế. Chỉ ngay sau một tháng mở công ty, Sam đã âm thầm “biển thủ” tài sản của khách hàng gửi trong FTX để chi trả cho Alameda Research. Việc này ngoài một nhóm nhỏ “trong cuộc” thì không một ai biết.
Có một thuật ngữ mang tên Rehypothecation. Thuật ngữ này cho phép doanh nghiệp được quyền sử dụng tài sản của khách hàng để đầu cơ và đầu tư một cách hợp pháp. Tuy nhiên, Bankman-Fried không được phép làm điều này. Các điều khoản của FTX quy định Sam hay Alameda không được sử dụng tiền của khách hàng cho bất kỳ mục đích gì, trừ khi họ cho phép.
Theo báo cáo từ năm 2019 của FTX do CFTC trích dẫn, giá hợp đồng tương lai của sàn giao dịch này đã lên tới hơn 100 triệu USD một ngày.
CFTC cáo buộc Bankman-Fried đã sử dụng tiền của khách hàng để “rót” vào các khoản đầu cơ cá nhân thông qua Alameda.
Đây là sự sụp đổ hoàn toàn đối với vị vua một thời của tiền điện tử, người mới hai tháng trước được ca ngợi là vị cứu tinh của giới tiền số. Giờ đây, Bankman-Fried sẽ đến một tòa án Bahamian vào thứ Hai để thực hiện quy trình dẫn độ của Mỹ. Một phiên tòa hình sự đang chờ đợi cựu CEO này.
Đế chế Alameda-FTX
FTX như một “hắc mã” trong ngành, ra mắt đồng FTT token vào tháng 7 năm 2019 và giành được khoản đầu tư vốn cổ phần từ Binance vào tháng 11 năm đó.
Đến năm 2021, theo hồ sơ của CFTC, FTX và các công ty con đã nắm giữ khối tài sản trị giá khoảng 15 tỷ USD và chiếm 10% khối lượng giao dịch số toàn cầu.
FTX có thể hoạt động vượt trội như vậy, giải quyết khối lượng lớn giao dịch mỗi ngày và thu hút sự quan tâm của thế giới là bởi công ty có DMM của riêng mình. Trong tài chính truyền thống, DMM là công ty mua và bán chứng khoán cho khách hàng và kiếm lợi nhuận bằng chênh lệch giá. Alameda là công ty như vậy. Mối quan hệ cộng sinh của Alameda và FTX đem lại lợi ích cho cả hai trong đế chế phát triển của Bankman-Fried.
SEC đã đưa ra cáo buộc rằng khi FTX phát triển hơn, nhiều nhà tạo lập thị trường đã đề nghị cung cấp thanh khoản nhưng Alameda vẫn là nhà cung cấp lớn nhất cho FTX. Điều này tạo điều kiện để Sam “tung hoành” theo âm mưu của mình.
Vào tháng 8 năm 2019, Bankman-Fried đã điều phối nhân viên FTX lập trình một mã giao dịch ngoại lệ cho phép Alameda duy trì tài khoản ngân hàng dù số dư âm và không bị ràng buộc bởi bất kỳ yêu cầu thế chấp nào. Không một tài khoản ngân hàng nào khác tại FTX được làm điều này. Nghĩa là tài khoản Alameda dù không có tiền vẫn có thể thực hiện giao dịch trên sàn nhưng thực tế là giao dịch bằng tiền của khách hàng.
Cựu Giám đốc điều hành của Alameda, Caroline Ellison, đã từng ám chỉ điều này trong một cuộc phỏng vấn được phổ biến rộng rãi. “Chúng tôi không có lệnh cắt lỗ”, Ellison nói. Vì tài khoản của Alameda sẽ không bao giờ có thể cạn kiệt nếu vẫn còn âm thầm “bòn rút” tiền của nhiều người dùng khác.
FTX có cổng API giúp khách hàng dễ dàng liên kết tài khoản của sàn với các ứng dụng danh mục hoặc bot giao dịch. Người dùng bình thường vẫn phải chịu sự kiểm tra thông thường: chẳng hạn như xác minh rằng họ có đủ tiền trong tài khoản hay không.
Theo CFTC, các nhà giao dịch của Alameda có thể truy cập vào một “đường dẫn riêng” - cho phép họ vượt qua những người dùng khác và thực hiện giao dịch nhanh hơn vài “mili” giây. Đây là một “đặc ân” đối với một sàn có tần suất giao dịch cao như FTX.
Quỹ phòng hộ tiền điện tử tệ hại
Hồ sơ tòa án chỉ ra rằng Alameda đã lỗ hơn 3,7 tỷ USD kể từ khi thành lập. Các khoản lỗ và cơ cấu cho vay của Alameda là một phần quan trọng dẫn đến sự sụp đổ cuối cùng của FTX. Alameda không chỉ “chơi” quá nhanh mà còn không hề có chiến lược đối với tiền của khách hàng. Quỹ phòng hộ đã vay mạnh từ nhiều đơn vị bao gồm cả Voyager Digital và BlockFi Lending. Cả hai công ty này đều đã phá sản trong năm nay.
Alameda đã bảo đảm các khoản vay của mình với Voyager và BlockFi bằng FTT của FTX và để toàn bộ FTT đó có giá bằng giá thị trường. Alameda lẽ ra phải thừa nhận thực tế rằng các token của họ không thể được bán với mức giá cao như họ mong muốn.
Alameda cũng đã sử dụng phương pháp này với các đồng tiền khác như Solana và Serum để thế chấp hàng tỷ USD. Tình thế đã thay đổi sau sự sụp đổ của Luna. Cú sập này khiến giá tiền điện tử lao dốc và nhiều nhà đầu tư trắng tay. Những công ty cho vay lớn ở Alameda, như Voyager đã tuyên bố phá sản.
CFTC cho biết từ tháng 5 đến tháng 6 năm 2022, Alameda đã phải chịu “một số lượng lớn lệnh gọi ký quỹ và thu hồi khoản vay.” Các nhà đầu tư, người cho vay hoặc cơ quan quản lý không hề hay biết rằng Alameda không có đủ tài sản lưu động để thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng cho vay của mình.
Vụ lừa đảo bị vạch mặt
Theo các nhà quản lý CFTC, Sam Bankman-Fried đã từ chức lãnh đạo của mình tại Alameda Research vào tháng 10 năm 2021 nhằm mục đích vạch rõ giới hạn giữa FTX và quỹ phòng hộ Alameda. Nhưng Sam vẫn phụ trách quản lý và kiểm soát công ty.
Bankman-Fried bị cáo buộc đã ra lệnh cho Alameda được sử dụng tài sản của khách hàng và rút tiền “không giới hạn” tại FTX. Đến giữa năm 2022, Alameda nợ các khách hàng của FTX khoảng 8 tỷ USD. Sau đó, vào ngày 2 tháng 11, quân cờ domino đầu tiên đổ xuống. CoinDesk đã công khai chi tiết bảng cân đối kế toán của Alameda, cho thấy tài sản trị giá khoảng 14,6 tỷ USD. Trong đó, hơn 7 tỷ USD là FTT hoặc tiền mã hóa Solana, Serum do Sam cung cấp. 2 tỷ USD khác ở trong các khoản đầu tư cổ phần.
Alameda vẫn còn hàng tỷ khoản nợ thế chấp chưa thanh toán. Nếu giá trị tài sản thế chấp của FTT giảm quá sâu, những người cho Alameda vay sẽ thực hiện các cuộc gọi ký quỹ tiếp theo và yêu cầu hoàn trả đầy đủ số tiền.
Bị cáo buộc, giá FTT trượt dốc, Alameda và FTX phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng thanh khoản nặng nề.
CFTC cáo buộc Sam, FTX và Alameda đã biển thủ 8 tỷ USD tiền của khách hàng. Một số khách hàng chắc chắn đã mất tiền tiết kiệm cả đời, tiền học đại học của con, hay các khoản tiền chuẩn bị cho tương lai. Theo phép tính riêng của Bankman-Fried, anh thừa nhận những hành vi sai trái của mình gây ảnh hưởng tới bốn triệu người.
Tham khảo: CNBC