Một cửa hàng Chanel tại Vendome, Paris, Pháp. Ảnh: iStock.
Theo Bloomberg, Chanel đã mua lại bất động sản tại số 42 Đại lộ Montaigne, cách không xa Đại lộ Champs-Élysées ở Paris, Pháp. Thương hiệu này hiện đã sở hữu 1 cửa hàng boutique tại đây, và 1 cửa hàng khác ở số 51 trên cùng đại lộ. Theo nguồn tin thân cận, bên bán trong giao dịch này là công ty bảo hiểm Generali.
Thương vụ này nối tiếp các giao dịch mua bất động sản khác của Chanel trong năm qua tại Paris và các thành phố lớn như London (Anh) và Biarritz (Pháp).
Việc sở hữu bất động sản giúp Chanel tránh được áp lực từ giá thuê mặt bằng ngày càng tăng, đồng thời dễ dàng đầu tư lớn để biến các cửa hàng thành điểm đến hấp dẫn cho giới thượng lưu.
Các tập đoàn xa xỉ như LVMH cũng đã đầu tư mạnh tay vào các cửa hàng boutique, biến nơi đây thành những điểm giao thoa của nghệ thuật và ẩm thực.
Cách đây hơn 2 năm, LVMH khai trương cửa hàng flagship của Christian Dior tại số 30 Đại lộ Montaigne. Đây là kiến trúc tích hợp bảo tàng, nhà hàng, khu vườn và dãy phòng khách sang trọng, được tạo nên dưới bàn tay của kiến trúc sư nổi tiếng Peter Marino, người cũng từng thực hiện các dự án khác cho Chanel.
“LVMH sẽ không bao giờ xây dựng một cửa hàng như tại số 30 Montaigne cho Dior nếu chúng tôi đang thuê địa điểm đó”, Giám đốc tài chính Jean-Jacques Guiony của LVMH chia sẻ với Bloomberg hồi đầu năm. Ông khẳng định việc làm chủ bất động sản cho phép LVMH có một tầm nhìn khác.
Đại lộ Montaigne là điểm đến hàng đầu của giới mua sắm xa xỉ, trong đó có những khách hàng lưu trú tại khách sạn cao cấp Plaza Athénée, nơi giá phòng mỗi đêm lên đến 2.500 euro (tương đương khoảng 2.780 USD).
Theo đại diện Chanel, danh mục bất động sản của thương hiệu hiện có giá trị hơn 7 tỷ USD, phần lớn được mua trong thập kỷ qua. Một nguồn tin thân cận cho hay cửa hàng tại số 42 Đại lộ Montaigne dự kiến được cải tạo lớn vào năm 2029.
Không chỉ Chanel hay LVMH, nhiều thương hiệu xa xỉ khác cũng đã có những thương vụ bất động sản đình đám trong năm qua. Đơn cử, Prada mua lại địa điểm cửa hàng chủ lực của mình trên Đại lộ số 5 ở New York (Mỹ) với giá 425 triệu USD. Gucci cũng đang đầu tư vào các bất động sản bán lẻ cao cấp trên cùng đại lộ đó.
Bloomberg cho rằng các thương hiệu này không chỉ mua bất động sản để duy trì sức ảnh hưởng tại các trung tâm thời trang lớn trên thế giới thông qua các cửa hàng boutique, mà còn đang tái phát triển chúng để tạo ra những trải nghiệm mua sắm phong phú và sáng tạo hơn.