Sau khi toàn bộ ngân hàng niêm yết công bố báo cáo tài chính bán niên 2024, bức tranh kinh doanh của ngành ngân hàng đã được định hình. Hầu hết ngân hàng vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nợ xấu tại nhiều nhà băng cũng đã tăng khá mạnh.
"Bài toán khó" của các ngân hàng quốc doanh
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 6 là 795.500 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023.
Tỷ lệ nợ xấu tính đến ngày 30/6 ở mức 4,56% tổng dư nợ, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm ngoái và cao hơn nhiều so với mức 2,03% cuối năm 2022.
Số liệu thống kê từ báo cáo tài chính bán niên của 28 ngân hàng cho thấy tổng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) cũng đã tăng 5% so với đầu năm, lên gần 135.200 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nợ xấu. Trong đó, 24 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng so với đầu năm.
Đáng chú ý, trong 6 tháng vừa qua, cả 3 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, VietinBank và BIDV đều ghi nhận quy mô nợ xấu gia tăng so với cùng kỳ năm trước.
Vừa là ngân hàng có lợi nhuận trước thuế cao nhất kỳ bán niên 2024, Vietcombank cũng đồng thời là ngân hàng có quy mô nợ xấu cao nhất trong nhóm Big 4.
Tính đến hết ngày 30/6, nợ có khả năng mất vốn của nhà băng này đã vượt 10.000 tỷ đồng, tăng gần 28% so với cuối năm ngoái và chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu nợ xấu (nhóm 3-5) của nhà băng này.
Cũng chỉ trong 6 tháng, nợ nhóm 3 - nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nhóm 4 - nợ nghi ngờ tại ngân hàng này đã tăng lần lượt 75% và hơn 17% lên mức 3.048 tỷ đồng và 3.380 tỷ đồng.
Điều này khiến tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank đã tăng từ 0,98% vào cuối năm 2023 lên 1,2% vào cuối quý II vừa qua. Kéo theo tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã giảm từ 230% xuống 212%. Dù vậy, đây vẫn là tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất ngành ngân hàng.
Với VietinBank, khép lại 2 quý kinh doanh đầu năm, nợ nhóm 4 - nợ nghi ngờ tại nhà băng này cũng tăng hơn 2 lần, trong khi 2 nhóm nợ còn lại cải thiện nhẹ.
Tại BIDV, tỷ lệ nợ xấu trên tổng tài sản đã tăng từ mức 0,97% cuối năm ngoái lên 1,14% tại thời điểm cuối quý II. Nguyên nhân là các nhóm nợ 3-5 đều tăng lên đáng kể. Đặc biệt, nợ nhóm 3 - nợ dưới tiêu chuẩn đã tăng 86%.
Với Agribank, tín hiệu khả quan hơn khi nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn sau 2 quý đầu năm đã giảm 17%. Tuy nhiên, Agribank vẫn chứng kiến nợ nhóm 3- nợ dưới tiêu chuẩn tăng gần gấp đôi và nợ nhóm 4 - nợ nghi ngờ tăng gần 20% trong nửa đầu năm nay.
Chất lượng tài sản nhóm ngân hàng tư nhân ra sao?
Ngoài nhóm ngân hàng quốc doanh kể trên, nợ xấu tại nhóm ngân hàng tư nhân cũng ghi nhận xu hướng tăng trong nửa đầu năm nay.
Sự chuyển dịch các khoản nợ nhóm 4 - nợ nghi ngờ sang nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn đang diễn ra tại Sacombank.
Đến cuối quý II, nợ nhóm 4 - nợ nghi ngờ của nhà băng này đã giảm gần 2 lần so với đầu năm, xuống còn hơn 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn lại tăng gần gấp đôi lên hơn 8.400 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu (nợ nhóm 3-5) tại thời điểm cuối tháng 6 của Sacombank là 12.548 tỷ đồng, tăng 14% so với hồi cuối năm 2023. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay tăng từ 2,28% lên 2,43%.
Tỷ lệ nợ xấu cũng tăng lên tại ACB, báo cáo tài chính nhà băng này cho thấy tổng nợ xấu/tổng tài sản của nhà băng này đã tăng từ 0,82% lên 1,06% trong 6 tháng đầu năm nay. Số dư nợ xấu của ACB đã tăng 38% lên hơn 8.000 tỷ đồng vào cuối quý II. Trong đó, nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh nhất 42%, lên hơn 5.500 tỷ đồng.
Một số ngân hàng tư nhân lớn khác cũng ghi nhận chất lượng tài sản đi xuống trong 6 tháng đầu năm nay là Techcombank và VPBank.
Còn ở nhóm ngân hàng vừa và nhỏ, BVBank là nhà băng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất nửa đầu năm nay cũng ghi nhận tổng nợ xấu đến cuối quý II tăng 17% so với đầu năm, đạt hơn 2.200 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay theo đó cũng đã tăng từ 3,31% đầu năm lên 3,77% cuối quý II.
Chỉ sau 6 tháng đầu năm, nợ xấu của BacABank đã tăng 65%i. Ảnh: BAB.
BacABank cũng là ngân hàng ghi nhận xu hướng nợ xấu gia tăng cao trong nửa đầu năm nay. Chỉ trong 6 tháng, số dư nợ xấu của nhà băng này đã tăng 65% so với đầu năm, đạt trên 1.500 tỷ đồng.
Nợ xấu của ngân hàng này tăng chủ yếu ở nhóm 4 - nợ nghi ngờ khi tăng gần 3 lần. Nợ nhóm 3 - nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng hơn 40%. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của ngân hàng theo đó bị kéo lên mức 1,48%, so với mức 0,92% hồi đầu năm.
Hay ở KienlongBank, nhà băng này ghi nhận các khoản nợ nhóm 1-2 giảm hai chữ số trong nửa năm qua nhưng nợ nhóm 3-5 lại tăng mạnh.
Ngoài ra, những ngân hàng cùng có vốn điều lệ dưới 10.000 tỷ đồng như VietABank, PGBank, SaigonBank, Baoviet Bank cũng đang ghi nhận xu hướng chất lượng tài sản đi xuống kể trên.
Theo các chuyên gia phân tích, thực tế bức tranh chất lượng tài sản của ngành ngân hàng còn kém sắc hơn những gì thể hiện trên báo cáo tài chính. Bởi các khoản nợ “có nguy cơ” vẫn đang được cho phép cơ cấu lại nợ theo Thông tư 02/2023 và hiện được kéo dài đến hết năm nay theo Thông tư 06/2024 của NHNN.
Theo quy định, các khoản nợ này sẽ chưa phải phân loại nợ nhưng các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng theo đúng nhóm nợ thực tế. Đây là lý do khiến nhiều ngân hàng ghi nhận xu hướng tăng tích lập dự phòng rủi ro tín dụng nửa đầu năm qua.