ChatGPT không thể nhìn thấy tương lai, nhưng nó có giá trị đối với các nhà đầu tư muốn dự đoán các động thái trong tương lai trên thị trường chứng khoán.
Đây là kết luận từ một bài báo nghiên cứu mới của hai giáo sư tài chính thuộc Đại học Florida, và được công bố trên Mạng lưới Nghiên cứu Khoa học Xã hội.
ChatGPT vượt trội so với 'các phương pháp phân tích truyền thống'
Các nhà nghiên cứu đã cung cấp cho chatbot hơn 50.000 tiêu đề tin tức về các công ty kể từ tháng 10/2021 và yêu cầu chatbot xác định xem các tiêu đề đó là tin tốt, xấu hay không liên quan đến giá cổ phiếu của công ty. Họ đã sử dụng phân tích tâm lý này để tính toán "điểm số ChatGPT" và phân tích xem những điểm số này có dự đoán được hiệu quả hoạt động trên thị trường chứng khoán của công ty vào ngày hôm sau hay không.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối tương quan tích cực có ý nghĩa thống kê giữa những điểm số này và hiệu suất cổ phiếu vào ngày hôm sau của các công ty mà họ phân tích. Các công ty có điểm số cao hơn có xu hướng thu được lợi nhuận tốt hơn so với những công ty có điểm số thấp hơn.
Nghiên cứu cũng cho thấy ChatGPT vượt trội so với "các phương pháp phân tích truyền thống" khác cũng sử dụng dữ liệu từ các tiêu đề và phương tiện truyền thông xã hội để dự báo chuyển động của thị trường chứng khoán - mặc dù các nhà nghiên cứu thừa nhận họ đã không kiểm tra từng phương pháp trong nghiên cứu này.
"Nói tóm lại, nghiên cứu của chúng tôi chứng minh giá trị của ChatGPT trong việc dự đoán lợi nhuận của thị trường chứng khoán", các nhà nghiên cứu viết.
Họ nói thêm: "Kết quả của chúng tôi cho thấy rằng việc kết hợp các mô hình ngôn ngữ tiên tiến vào quy trình ra quyết định đầu tư có thể mang lại những dự đoán chính xác hơn và nâng cao hiệu suất của các chiến lược giao dịch định lượng".
Dự đoán chứng khoán của ChatGPT có thể đúng một cách kỳ lạ, nhưng không phải tất cả
Trước đó, trang Business Insider đưa tin phiên bản Rogue-ChatGPT (một phiên bản giả mạo ChatGPT) đã dự đoán nỗi sợ lạm phát, giảm chi tiêu của người tiêu dùng và căng thẳng địa chính trị sẽ khiến thị trường chứng khoán sụp đổ vào ngày 15/3.
"Dựa trên phân tích của tôi, tôi dự đoán thị trường chứng khoán sẽ sụp đổ vào ngày 15/3/2023. Nguyên nhân là do sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm tỷ lệ lạm phát gia tăng, người tiêu dùng suy giảm chi tiêu, và căng thẳng địa chính trị", đây là những gì Rogue-ChatGPT đã dự đoán.
Kết quả là, vào ngày 15/3, thị trường chứng khoán đã bán tháo đáng kể, Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones và S&P 500 giảm hơn 2%. Các khoản lỗ cũng tăng nhanh vào sáng hôm đó sau khi dữ liệu doanh số bán lẻ của Hoa Kỳ cho thấy mức giảm 0,4% trong tháng Hai, đảo ngược một số mức tăng mạnh đã thấy trong tháng Giêng. Dữ liệu cho thấy những dấu hiệu người tiêu dùng cuối cùng cũng đang rút lại thói quen chi tiêu của mình, như Rogue-ChatGPT đã dự đoán.
Cuối cùng, một máy bay chiến đấu của Nga đã hạ gục một máy bay không người lái của Mỹ trên vùng biển quốc tế. Sự việc đã dẫn đến sự sụt giảm trong thời gian ngắn trên thị trường chứng khoán và làm nổi bật những căng thẳng địa chính trị gia tăng đang hoành hành ở Mỹ và Nga.
Tuy vậy, động lực chính đằng sau sự sụt giảm gần đây của thị trường chứng khoán không phải là lạm phát, căng thẳng địa chính trị hay sự sụt giảm chi tiêu của người tiêu dùng. Thay vào đó, đó là một cuộc khủng hoảng ngân hàng bắt đầu với sự kiện Ngân hàng Thung lũng Silicon ở Mỹ và giờ dường như đang bùng phát ở châu Âu, khi niềm tin vào Credit Suisse giảm sút.
Hơn nữa, mặc dù không có định nghĩa chính thức về mức độ bán tháo trên thị trường chứng khoán cần phải lớn đến mức nào để tạo thành một "sự sụp đổ", nhưng người ta thường hiểu rằng ít nhất “sự sụp đổ” cũng xảy ra theo cách bất ngờ và thị trường ít nhất giảm hơn 10%. Trong khi đó, sự sụt giảm 6% của S&P 500 vừa qua thực sự diễn ra khá trật tự khi kết nối điều này với vụ đổ vỡ ngân hàng lớn nhất của Hoa Kỳ kể từ năm 2008 vừa mới xảy ra.
Dự đoán về thị trường chứng khoán của ChatGPT có thể có một số điều đúng một cách kỳ lạ, nhưng không phải tất cả.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, nếu ChatGPT có thể hiểu các bản tin tài chính và phân tích cách chúng tác động đến giá cổ phiếu, các công việc được trả lương cao trong ngành tài chính sẽ gặp rủi ro. Theo ước tính của công ty Goldman Sachs, khoảng 35% công việc liên quan tới tài chính có nguy cơ bị AI tự động hóa.