Kể từ thời điểm đại dịch bùng nổ tại nhiều quốc gia trên thế giới, hoạt động thanh toán thông qua các thiết bị di động bắt đầu bứt phá do người dùng chuyển đổi hình thức mua sắm từ truyền thống sang thương mại điện tử. Dẫu vậy, xu hướng này không đồng nhất ở từng khu vực trên thế giới.
Dữ liệu từ WorldPay từ FIS cho thấy khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thị phần thanh toán di động lớn nhất. Trong đó, 44% các giao dịch được thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp tại POS (điểm bán hàng) thông qua điện thoại thông minh thay vì dùng thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ. Tỷ lệ này ghi nhận tại các gian hàng trực tuyến lên tới 69%.
Đáng chú ý, Trung Đông và châu Phi có tỷ lệ thanh toán thanh toán di động tại POS cao thứ 2, đạt 12% trong khi châu Âu, châu Mỹ chỉ có lần lượt 8% và 10% giao dịch tại POS được thực hiện trên thiết bị di động.
Mặt khác, số giao dịch thanh toán di động trên thương mại điện tử đạt 27% và 29%, cao hơn khu vực Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Phi.
Từ lâu, Châu Á đã trở thành khu vực đi đầu trong lĩnh vực thanh toán di động. Theo công ty tư vấn McKinsey, Đông Nam Á là khu vực ưu tiên thanh toán qua ví điện tử. Ví thanh toán di động đã trở thành một phần quan trọng trong lối sống của người dùng Đông Nam Á, cho phép hàng triệu người tiếp cận các dịch vụ tài chính.
Giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành, chi tiêu trực tuyến tăng vọt và thúc đẩy số lượng người dùng mới đăng ký sử dụng ví điện tử. “Việc áp dụng công nghệ tiện lợi này hiện vượt xa công nghệ thẻ tín dụng ở các thị trường mới nổi trong khu vực. Điều này giúp hệ sinh thái thanh toán hồi sinh”, công ty McKinsey cho biết.
Thanh toán di động không chỉ thuận lợi cho xu hướng mua ngay trả sau (BNPL) mà còn được ưa chuộng trong các hoạt động giải trí, mua hàng qua nền tảng truyền thông xã hội.
Theo Statista, ngoài tính năng dễ sử dụng và tiếp cận cơ sở người dùng lớn, thanh toán bằng ví di động còn mang lại cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính cho những người không có tài khoản ngân hàng.