Theo Bloomberg, khi Mỹ kiện 3 sàn giao dịch tiền mã hóa lớn trong năm nay, khối lượng giao dịch trị giá hàng tỷ USD đã dần chuyển sang châu Á. Sự thay đổi đó có thể được đẩy mạnh hơn nữa khi một số quốc gia đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tích cực chào đón các nhà giao dịch tài sản kỹ thuật số.
Tiềm năng của một thị trường khổng lồ
Các nhà đầu tư và doanh nghiệp tiền mã hóa đang đổ xô đến Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây là Hong Kong. Theo CryptoQuant, hoạt động giao dịch Bitcoin tại khu vực châu Á đã diễn ra nhiều hơn trong năm nay. Trái lại, tình hình đang đi xuống tại Mỹ và châu Âu.
Theo một số nhà đầu tư tổ chức, châu Á có môi trường pháp lý ít rủi ro hơn. Ông Jonny Caldwell, Giám đốc bộ phận quản lý tài sản tại Trovio Group, cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng các quy định về tài sản kỹ thuật số ở Mỹ còn nhiều bất ổn.
Hiện giao dịch tiền mã hóa vẫn bị cấm ở Trung Quốc. Trong khi đó, Ấn Độ lại mạnh tay áp thuế để cản trở hoạt động này. Hai quốc gia chiếm hơn một nửa dân số châu Á vẫn đang có cái nhìn không mấy thiện cảm với tiền mã hóa. Nếu hai đất nước tỷ dân nới lỏng chính sách, đây sẽ là cơ hội lớn đối với thị trường.
“Cơ sở người dùng mới ở châu Á là rất lớn. Tôi hy vọng giao dịch sẽ tiếp tục được chuyển từ Mỹ và châu Âu sang châu Á”, ông Chuan Jin Fong, Trưởng bộ phận kinh doanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại GSR Markets, cho biết.
Việc xoay trục sang châu Á đã được tiến hành trước khi Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) siết chặt việc quản lý thị trường trong năm nay. Dự trữ Bitcoin và Ether, một chỉ báo về nơi các nhà giao dịch đang di chuyển tài sản của họ, đã giảm mạnh tại những sàn giao dịch có trụ sở tại Mỹ sau sự sụp đổ của FTX vào tháng 11 năm ngoái.
Xu hướng đó tiếp tục diễn ra trong năm nay khi SEC đệ đơn kiện Gemini, Binance, Coinbase và ông Justin Sun, người điều hành Huobi Global.
Cơ quan này cho biết có ít nhất 19 đồng tiền mã hóa được nhận dạng là chứng khoán. Điều này đồng nghĩa với việc các loại tiền mã hóa này sẽ thuộc phạm vi quản lý của SEC. Tuyên bố này đã gây ra một đợt bán tháo mạnh đối với những đồng tiền đó.
Doanh nghiệp đổ xô đến châu Á
Châu Âu đã đạt được những bước tiến trong quy định về tiền mã hóa. Tuy nhiên, Đạo luật Thị trường tiền điện tử (MiCA) phải đến năm 2024 mới chính thức được ban hành. Anh cũng đang xây dựng các quy tắc riêng đối với tiền mã hóa. Trong đó có việc cấm người dùng giới thiệu bạn bè dùng tiền mã hóa để nhận thưởng, điều đã trở nên rất phổ biến trên thị trường.
Theo Công ty Kaiko, thị trường toàn cầu của Binance đã ổn định kể từ tháng 4. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn gặp nhiều khó khăn tại châu Âu và Mỹ. Sàn giao dịch này sẽ rời khỏi thị trường Hà Lan sau khi không thể đăng ký với chính quyền nước sở tại. Không chỉ vậy, Binance còn sắp phải đối mặt với các cuộc điều tra tại Pháp.
Binance.US, một đơn vị riêng biệt phục vụ cho thị trường Mỹ, đã chứng kiến thị phần gần như “bốc hơi” sau các vụ kiện từ SEC và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC). Đối lập với tình hình trên, ông Clara Medalie, Giám đốc nghiên cứu của Kaiko, cho biết Binance lại có một cơ sở người dùng lớn tại châu Á.
Làn sóng thay đổi đã gây ra một cuộc chạy đua giữa các sàn giao dịch và những đơn vị đầu tư. Kể từ tháng 11 năm ngoái, Binance đã thâm nhập thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc thông qua các thương vụ mua lại. Liên doanh của công ty tại Thái Lan, Gulf Binance, đã nhận được giấy phép của địa phương vào tháng trước và sẽ bắt đầu hoạt động trong quý IV.
Sàn giao dịch Gemini, đơn vị đã tìm cách bác bỏ vụ kiện mà SEC đệ trình vào tháng 1, cho biết Singapore sẽ là trung tâm của công ty tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Doanh nghiệp này sẽ công bố kế hoạch tăng số lượng nhân viên ở thành phố lên tới hơn 100 người trong 12 tháng tới.
FalconX, một đơn vị chuyên về tài sản kỹ thuật số có trụ sở tại San Mateo (Mỹ), cũng đã tính đến việc mở rộng phạm vi hoạt động tại châu Á. Ông Matt Long, Tổng giám đốc của công ty tại chi nhánh APAC, cho biết doanh nghiệp đã thành công trong việc xin giấy phép tại Singapore.