Các doanh nghiệp đua hiện diện
Chỉ có 6 trên tổng số 32 đội bóng đá sẽ thi đấu ở giải World Cup tại Qatar lần này. Trong khi đó, số các công ty có trụ sở tại châu Á chiếm 9/14 đối tác và các nhà tài trợ World Cup của FIFA.
Đó là sự thay đổi rất đáng chú ý so với 20 năm trước, khi Nhật Bản và Hàn Quốc đồng đăng cai tổ chức World Cup lần đầu tiên ở châu Á. Khi đó, chỉ có 6/15 nhà tài trợ của sự kiện này đến từ các quốc gia đăng cai, còn lại đến từ châu Âu và Mỹ.
Tài trợ là một vấn đề lớn đối với FIFA. Đứng sau bản quyền phát sóng, các khoản tài trợ là nguồn thu nhập lớn cho nhà tổ chức World Cup.
Các nhà tài trợ giải được chia làm 2 thành phần: những đối tác có quan hệ trực tiếp với FIFA; và các nhà tài trợ toàn cầu cũng như ở khu vực có liên quan trực tiếp tới sự kiện World Cup.
Trong số những nhà tài trợ lần đầu tiên của World Cup năm nay có công ty khởi nghiệp giáo dục Ấn Độ Byju, mặc dù đội bóng Ấn Độ không tham gia giải đấu năm nay. Tình huống này xảy ra tương tự đối với 4 nhà tài trợ Trung Quốc và 1 nhà tài trợ Singapore.
Thị trường truyền hình châu Á
Trong khi các đội bóng châu Á vẫn chiếm một tỷ lệ tương đối nhỏ trong tổng số các đội tham gia, các nhà tài trợ của khu vực này hy vọng sẽ tiếp cận được lượng lớn khán giả, cả trong và ngoài nước. FIFA báo cáo rằng, ở giải đấu năm 2018 ở Nga, số người xem ở châu Á là 1,6 tỷ người, chiếm 43% tổng số người xem trên toàn cầu.
Simon Chadwick, giáo sư thể thao và kinh tế địa chính trị tại trường kinh doanh Skema có trụ sở tại Pháp nói với Nikkei Asia: "Thị trường truyền hình châu Á rất lớn, mặc dù có thể không sinh lời bằng những nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, giả thiết đặt ra rằng, sự hiện diện mạnh mẽ ở các thị trường châu Á mang lại sức hấp dẫn về kinh doanh có thể sẽ tăng lên trong 10 năm tới."
Tại World Cup 2018, 3/5 quốc gia dẫn đầu về lượng người xem là ở châu Á. Những con số này đang khuyến khích các nhà tài trợ như Byju.
Arunava Chaudhuri, nhà tư vấn thể thao người Ấn Độ từng làm việc với các câu lạc bộ lớn ở châu Âu, cho biết: “Đã có xu hướng chung về các nhà tài trợ châu Á cho bóng đá, nhưng có rất ít nhà tài trợ từ Ấn Độ, điều đó có nghĩa là trường hợp của Byju trong năm nay là điều đáng chú ý. Họ coi thể thao là một cách để kết nối với người tiêu dùng tiềm năng, đồng thời giúp công chúng biết đến thương hiệu và sản phẩm của họ."
Byju đặt mục tiêu tiếp cận 10 triệu sinh viên ở Ấn Độ vào năm 2025 và cũng xây dựng danh tiếng toàn cầu của mình. "Chúng tôi rất vui mừng vì được tài trợ cho FIFA World Cup Qatar 2022," người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Byju Raveendran cho biết vào tháng 3.
Các nhà tài trợ World Cup cũng háo hức nắm bắt cơ hội tiếp cận lượng lớn khán giả quốc tế và trong nước. Trung Quốc chiếm 18% lượng khán giả toàn cầu của World Cup và hiện chiếm hơn 1/4 số đối tác của FIFA, cũng là các nhà tài trợ toàn cầu cho World Cup 2022.
Andrew Woodward, cựu giám đốc điều hành tài trợ toàn cầu của Visa cho biết: “Các công ty Trung Quốc coi tài trợ là một hoạt động tiếp thị hoặc mua bán thương mại. Đây là cơ hội để họ tăng hiện diện hoặc cho người tiêu dùng ở Trung Quốc thấy rằng họ sánh vai cùng các thương hiệu lớn trên toàn cầu."
Nhà tài trợ duy nhất từ Đông Nam Á là Crypto.com của Singapore, tham gia với tư cách là nền tảng giao dịch tiền điện tử chính thức của FIFA.
Chadwick của Skema cho biết: “Các tập đoàn trong khu vực hoặc không quen với hoạt động tài trợ, hoặc nếu không thì họ không coi mình là doanh nghiệp toàn cầu. Nhưng theo thời gian, có vẻ như cả hai điều này sẽ thay đổi”.
Chuyên gia Chadwick nhận định: "Ở một giai đoạn nào đó trong 2 thập kỉ tới, không khó để tượng tượng ra viễn cảnh rằng châu Á sẽ trở thành khu vực quan trọng nhất của FIFA về mặt tài chính."