Việc Nga đóng đường ống Nord Stream 1 đã hiện thực hóa kịch bản xấu nhất mà châu Âu phải đối mặt kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2.
Giờ đây, lục địa già đang ở tuyến đầu trong cuộc đối đầu kinh tế giữa Nga và phương Tây, diễn ra song song với xung đột Ukraine.
Trong bối cảnh đó, giá điện tăng cao và tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên đã tác động đến nền kinh tế châu Âu, làm gia tăng lo ngại về tình trạng mất điện trong mùa đông năm nay.
Sau khi tập đoàn nhà nước Nga Gazprom thông báo đóng đường ống khí đốt Nord Stream tới Đức, giá điện và khí đốt tự nhiên ban đầu đã nhảy vọt 1/3, trước khi ổn định lại và tăng ở mức hơn 10%.
Giữa lúc các nhà giao dịch loay hoay chuẩn bị cho một cuộc suy thoái có khả năng xảy ra trong khu vực đồng euro, đồng tiền này đã đã nhanh chóng trượt giá xuống mức thấp nhất trong 20 năm. Cổ phiếu cũng giảm ở Đức, Italy, Pháp và các thị trường khác.
Bất ổn gia tăng do khí đốt
Các chính phủ châu Âu cùng nhà điều hành năng lượng nói rằng việc Nga cắt giảm khí đốt nhằm làm tổn thương nhiều nền kinh tế và làm suy yếu sự ủng hộ đối với Ukraine.
Trong khi đó, Moscow cho biết những biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến họ không thể bảo trì các thiết bị quan trọng trên đường ống Nord Stream. Gazprom đã từ chối chuyển hướng dòng khí đốt thông qua các đường ống khác đang hoạt động.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 5/9 cho biết vấn đề bơm khí đốt “nảy sinh do những lệnh trừng phạt chống lại một số công ty cùng đất nước chúng tôi từ các quốc gia phương Tây, bao gồm Đức và Anh”.
“Chúng tôi nhấn mạnh rằng phương Tây, trong trường hợp này là Liên minh châu Âu (EU), Canada, Anh, phải chịu trách nhiệm vì đã đẩy tình hình đến mức như bây giờ”, ông nói thêm.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý năng lượng Đức hôm 5/9 lại cho rằng những vấn đề thiếu sót mà phía Nga cáo buộc không phải là lý do kỹ thuật để ngừng hoạt động".
Việc giá điện và khí đốt tiếp tục tăng cao có thể khiến tình trạng lạm phát tồi tệ hơn, đẩy người tiêu dùng vào tình trạng khó khăn và gây áp lực lên các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, dẫn đến làn sóng đóng cửa nhà máy.
Trước tình hình đó, các công ty trong ngành tiện ích ở châu Âu, được chính phủ hậu thuẫn, đã nỗ lực thay thế dòng khí đốt của Nga bằng nguồn khác, bao gồm khí đốt tự nhiên hóa lỏng được vận chuyển bằng tàu từ Mỹ và Trung Đông.
Đầu tuần này, Đức cho biết họ sẽ tiếp tục mở cửa hai nhà máy điện hạt nhân dự kiến đóng cửa trước đó.
Các kho dữ trữ khí đốt cũng nhanh chóng được lấp đầy, hơn cả mục tiêu mà một số nước châu Âu đề ra. Vì vậy, nhiều nhà phân tích ngày càng tin rằng khu vực này sẽ sống sót qua mùa đông mà không cần đến biện pháp phân bố năng lượng của nhà nước.
Dù vậy, chi phí cắt cổ sẽ là vấn đề. Đặc biệt là khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) - dẫn đầu là Moscow - quyết định cắt giảm sản lượng lần đầu tiên sau hơn một năm để vực dậy giá dầu.
Quyết định này đã đẩy giá dầu thô tăng hơn 30% so với một năm trước, mang lại cho Nga nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch.
Các chính phủ đã phải chi hàng chục tỷ USD để bảo vệ những hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương. Đức đã công bố kế hoạch 65 tỷ USD vào cuối tuần trước.
Trong một động thái khác khiến tương lai khó đoán hơn, các nhà phân tích dự báo Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể tăng lãi suất trong tuần này để kiểm soát lạm phát do giá năng lượng cao.
Châu Âu tìm giải pháp
Việc Nga đóng đường ống Nord Stream 1 vô thời hạn càng khiến châu Âu cảm nhận được tính cấp thiết trong việc đảm bảo vượt qua mùa đông mà không bị cạn kiệt khí đốt.
Các bộ trưởng năng lượng EU sẽ nhóm họp vào ngày 9/9 để đưa ra kế hoạch nhằm hạn chế mức độ nghiêm trọng của một cuộc suy thoái có thể xảy ra.
Trong số các động thái nhằm giảm bớt thiệt hại, Pháp cho biết họ sẽ giải quyết một nút thắt quan trọng trong các dòng khí đốt của châu Âu, cho phép xuất khẩu khí đốt sang Đức.
“Đức cần khí đốt của chúng tôi, trong khi chúng tôi cần điện được sản xuất ở các nước khác của châu Âu, đặc biệt là Đức”, Tổng thống Emmanuel Macron nói.
Mục tiêu chính là khắc phục những biến động dữ đội trên thị trường điện có thể đẩy các nhà máy ở châu Âu phải đóng cửa.
Các đề xuất được đưa ra bởi Cộng hòa Czech, quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, bao gồm tạm thời giới hạn giá nhập khẩu khí đốt và khí đốt được sử dụng để sản xuất điện, đồng thời giới hạn doanh thu của các công ty thủy điện, hạt nhân, năng lượng tái tạo - có chi phí vận hành thấp.
Doanh thu vượt quá một mức nhất định sẽ được phân phối lại cho khách hàng, một theo tài liệu mà Wall Street Journal thấy được.
Chính phủ các nước đang ngay lập tức thực hiện các bước để đảm bảo thị trường điện không bị đổ vỡ.
Các đề xuất khác do chính phủ Czech đưa ra còn bao gồm hạn mức tín dụng toàn châu Âu, có khả năng do Ngân hàng Trung ương châu Âu xử lý, từ đó các công ty có lệnh gọi ký quỹ có thể vay để tiếp tục giao dịch.
Các đề xuất cũng làm tăng khả năng tạm ngừng giao dịch trên các thị trường phái sinh (thị trường tài chính cao cấp) châu Âu. Những ý tưởng đó sẽ được thảo luận trong cuộc đàm phán vào tuần này, cả tại cuộc họp cấp bộ trưởng hôm 9/9.
Trong khi đó, lo ngại về một cuộc suy thoái tiềm ẩn trong thị trường điện Bắc Âu, chính phủ Thụy Điển và Phần Lan đã đi trước EU vào cuối tuần trước, cung cấp cho các công ty năng lượng 33 tỷ USD bảo lãnh để đảm bảo các khoản thanh toán ký quỹ được đáp ứng.
“Thụy Điển, và đặc biệt là châu Âu, đang phải trải qua một mùa đông rất khó khăn”, Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển Mikael Damberg cho biết. Ông nói thêm rằng việc nhanh chóng lấp đầy các cửa hàng khí đốt của Đức, cùng với giảm tiêu thụ khí đốt, sẽ giảm thiểu khủng hoảng.
Một cách tiếp cận nữa mà cơ quan điều hành EU dường như đang xem xét là áp giá trần đối với lượng khí đốt nhập khẩu còn lại từ Nga. Dù vậy, một tài liệu dự thảo được Wall Street Journal nhìn thấy cảnh báo mức giới hạn như vậy có thể khiến Nga cắt đứt hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho khối.
Nord Stream 1 cho đến gần đây vẫn là đường ống trung chuyển chính khí đốt từ Nga, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu của EU vào năm trước khi cuộc xung đột ở Ukraine diễn ra.
Một tuyến đường riêng biệt khác, đường ống Yamal - Europe chạy qua Ba Lan và Belarus, cũng đã bị đóng bởi các lệnh trừng phạt Nga.
Sự sụt giảm này xảy ra vào một thời điểm tồi tệ khi khu vực đối mặt với việc sản xuất thủy điện bị hạn chế ở Na Uy và sự sụt giảm mạnh về sản lượng từ nhà máy điện hạt nhân của Pháp.
Việc cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu cũng mang lại rủi ro cho Nga, vì Moscow sẽ mất nhiều năm để xây dựng cơ sở hạ tầng đường ống dẫn đến Trung Quốc và các thị trường khác.